Phi hình sự hóa ngăn mại dâm bùng nổ?

ANTD.VN - “Việc New Zealand áp dụng phi hình hình hóa mại dâm khiến mại dâm không bùng nổ, giảm 46% bệnh truyền nhiễm”. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), ngày 22-9.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ NewZealand đã chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình xây dựng và thẩm định Luật cải cách liên quan đến mại dâm (PRA). Tại New Zealand, trước năm 2003, mại dâm là bất hợp pháp, các hoạt động liên quan đến mại dâm được coi là tội phạm hình sự.

Năm 2003, đạo Luật Cải cách mại dâm được Quốc hội New Zeland thông qua. Mục đích của luật này là phi hình sự hóa hoạt động mại dâm (mặc dù luật này không công nhận hoặc khuyến khích phát triển dịch vụ mại dâm hoặc sử dụng dịch vụ mại dâm); tạo ra một khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của người hành nghề mại dâm và bảo vệ họ khỏi sự lạm dụng, bóc lột; thúc đẩy an sinh, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho những người hành nghề mại dâm; có lợi cho sức khỏe cộng đồng; cấm sử dụng những người dưới 18 tuổi trong các hoạt động mại dâm.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, mại dâm là một trong những vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống mại dâm, tuy nhiên mại dâm vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp. Trước những chia sẻ về kinh nghiệm của New Zealand, ông Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, việc Việt Nam có nên bỏ hình sự hóa mại dâm hay không vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Phòng chống mại dâm. Theo lộ trình, năm 2016, bộ sẽ xây dựng báo cáo tổng quan đánh giá tác động của các chính sách pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm; thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về phòng, chống mại dâm, xây dựng đề cương sơ bộ dự án luật. Năm 2017, xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết sự án luật, lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ và đến 2018 sẽ trình Quốc hội phê chuẩn dự án Luật này.