Phạt người không phân loại rác thải: Đừng để quy định chỉ nằm trên giấy!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi An ninh Thủ đô đăng bài “Không phân loại rác thải bị phạt tới 1 triệu đồng, cần thiết nhưng phải có lộ trình”, Tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân và đơn vị thu gom rác thải về vấn đề này, trong đó hầu hết đều cho rằng: trước khi tiến hành xử phạt phải hướng dẫn cụ thể!

Nên khuyến khích người dân như “đổi rác lấy quà”

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa quy định phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng với người không phân loại rác tại nguồn tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, song trên thực tế nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ nội dung này.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phân loại rác tại nguồn, anh Phạm Đình Long ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Song điều này anh mới chỉ nghe qua báo chí, ti vi chứ chưa được ai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện.

“Không chỉ tôi rất nhiều cá nhân và các hộ gia đình vẫn chưa thể phân biệt rõ đâu là rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế thì làm sao mà phân loại được. Vả lại nếu phân loại xong lại vứt chung vào 1 thùng rác như hiện nay cũng không có tác dụng gì.

Thời điểm xử phạt đã cận kề, tôi đề nghị chính quyền địa phương và cán ban ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu đến từng hộ gia đình để người dân tự giác thực hiện, tránh việc quy định chỉ ban hành cho có” – anh Long đề xuất.

Nên có biện pháp khuyến khích người dân phân loại rác thải như “đổi rác lấy quà”

Nên có biện pháp khuyến khích người dân phân loại rác thải như “đổi rác lấy quà”

Còn theo ông Lê Văn Đức – cán bộ hưu trí phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ở khu vực gia đình ông sinh sống, rác thải để lẫn lộn, nhiều người còn vứt cả chai thủy tinh, bóng đèn vỡ, bàn ghế gãy vào thùng rác khiến việc thu gom của nhân viên công ty môi trường rất vất vả và nguy hiểm. Do đó, ông hoàn toàn đồng tình với việc phân loại rác tại nguồn.

Tuy vậy, ông Đức cũng cho rằng, trước khi áp dụng chế tài phạt tiền đối với cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát xem được người dân đã nắm được thông tin chưa, có kiến thức về việc phân loại rác không?

Từ đó cần sự hướng dẫn cụ thể tới từng gia đình, đối tượng, từ trẻ em đến người lớn, thậm chí đưa ra các biện pháp động viên khuyến khích như “đổi rác lấy quà”. Bởi nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế…

Hướng dẫn càng sớm và cụ thể càng dễ thực hiện

Được biết, trên địa bàn Hà Nội, lượng rác hiện nay được xử lý theo 2 hình thức chính là đốt và chôn lấp. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, bà Ngô Thanh Loan – Phó trưởng Trung tâm tái chế truyền thông và môi trường –Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, chủ trương phân loại rác thải và việc áp dụng chế tài xử phạt đối với cá nhân vi phạm là rất đúng đắn và cần thiết. Song để quy định đi vào cuộc sống thì điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải đẩy mạnh việc tuyên truyền từ các tổ dân phố đến các cán bộ phường.

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Rõ ràng ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải xuyên suốt từ khâu phân loại, thu gom, đến xử lý cuối cùng.

Cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về phân loại rác

Cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về phân loại rác

Cũng theo bà Ngô Thanh Loan, từ năm 2019, URENCO đã phối hợp với một số nhà tài trợ tổ chức phân loại rác, trên tinh thần nâng cao nhận thức của người dân về rác thải, thu mua lại rác thải tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa. Chương trình đổi rác lấy quà được thực hiện thí điểm tại một số điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và hiện vẫn được duy trì vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Tại một số quận còn lại, URENCO cũng tổ chức từ 1-2 điểm song chưa có sự phối hợp từ chính quyền địa phương.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1-1-2022, chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Lộ trình thực hiện việc phân loại chậm nhất là đến ngày 31-12-2024.

Để cụ thể hóa các quy định của luật này, Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ, UBND các tỉnh thành có trách nhiệm cụ thể hóa việc phân loại rác thải để người dân địa phương thực hiện.

Như vậy, chính quyền các cấp phải tuyên truyền về việc phân loại rác đến người dân. Còn việc phân loại cụ thể thế nào phải chờ UBND các tỉnh, thành ban hành hướng dẫn.

Về phía doanh nghiệp, URENCO rất mong Thành phố có định hướng sớm để có thời gian chuẩn bị năng lực, nhân lực bởi khi đã tiến hành phân loại rác thì phải có thiết bị, xe chuyên dụng riêng biệt để chuyên chở. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong đầu tư nhà máy (sơ chế, tiền sơ chế) tái chế rác, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng – bà Loan nhấn mạnh.

Phân loại rác thải sinh hoạt đã trở thành vấn đề bức thiết, nếu triển khai tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Song để việc phân loại rác đạt hiệu quả như mong muốn cần có lộ trình cụ thể chứ không nên chỉ dừng lại ở việc xử phạt, tránh phát sinh những bức xúc không đáng có.