Không phân loại rác thải bị phạt tới 1 triệu đồng: Cần thiết nhưng phải có lộ trình thực hiện!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định, từ 25-8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải có thể bị phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng. Theo các chuyên gia, quy định này là cần thiết giúp người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác, song để đảm bảo tính khả thi cần phải có lộ trình cụ thể.

Cần có thời gian để người dân nắm rõ quy định

Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân. Nhằm cụ thể hoá nội dung này, Nghị định 45/2022 đã quy định chế tài xử phạt tới 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Đồng tình với việc thực hiện xử phạt hành vi không phân loại rác, bà Nguyễn Thanh Vân ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, hiện trên địa bàn Hà Nội thu tiền phí rác thải là 6.000 đồng/người/tháng, cá nhân có lượng rác thải nhiều hay ít đóng cùng mức phí.

Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác ra môi trường, không thực hiện được phân loại rác tại nguồn. Ở nước phát triển, người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng xả nhiều rác, càng gây nhiễm, càng phải trả nhiều tiền.

Cũng theo bà Vân, phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế. Áp dụng biện pháp xử phạt giúp người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác.

Tuy vậy, để quy định trên đảm bảo tính khả thi cần gắn kết việc phân loại rác tại nguồn với hệ thống thu gom, thu hồi và tái chế chất thải.

Phân loại rác thải tại nguồn là cần thiết nhưng phải có lộ trình thực hiện (ảnh minh hoạ)

Phân loại rác thải tại nguồn là cần thiết nhưng phải có lộ trình thực hiện (ảnh minh hoạ)

Với quan điểm tương tự, ông Trần Trọng Thanh ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, trước đây gia đình tôi đã tự thí điểm phân loại rác như để riêng chai lọ, thuỷ tinh, rác hữu cơ, rác vô cơ thành các túi khác nhau nhưng khi thu gom, người thu rác lại vứt chung các túi đó chung một xe nên việc phân loại gần như chẳng có tác dụng gì.

Vì vậy, để việc phân loại rác đạt hiệu quả như mong muốn trước hết cần chấn chỉnh lại việc tổ chức thu gom của các công ty môi trường đô thị, chuẩn bị tốt việc xử lý, tái chế chất thải rắn, chuẩn hóa phương tiện thu gom rác.

“Không phân loại rác sẽ bị xử phạt là đương nhiên. Song việc xử phạt chỉ hợp tình, hợp lý khi mọi thứ đã sẵn sàng, người dân đều có kiến thức cơ bản trong việc phân loại rác. Lúc đó, hộ nào làm sai thì xử lý theo quy định, như vậy mới mang tính thuyết phục và được sự đồng thuận của người dân. Đồng thời khi thực hiện xử phạt, ngành chức năng cần giám sát, kiểm tra thường xuyên” – ông Thanh đề xuất.

Nên khuyến khích thay vì nhăm nhăm xử phạt

Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) quy định, chất thải rắn sinh hoạt được phân làm 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Lộ trình thực hiện việc phân loại chậm nhất là đến ngày 31-12-2024.

Theo Luật này, tới đây, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định. Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Việc này thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Về lộ trình thực hiện việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, từ 25-8-2022 đến 1-12-2024, trên địa bàn tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định.

Nếu trước thời hạn trên, các tỉnh thành chưa có quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thì chưa áp dụng xử phạt.

Được biết, hiện Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng.

Để quy định phân loại rác tại nguồn đảm bảo tính khả thi, theo Kỹ sư Môi trường Nguyễn Quang Hưng - Trường ĐH KHTN, quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, tránh để một số người lợi dụng để không trả tiền hoặc trả cho có, hay có người lợi dụng chính sách để trục lợi.

Điều quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn. Để làm được điều này trước hết cần phải tìm "đầu ra" cho các loại rác, làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân.

Khi nhận thức được lợi ích, người dân sẽ tự giác nộp tiền. Ngoài ra cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác. Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác thu gom thông qua ứng dụng trạm trung chuyển hoặc các cơ sở xử lý trung gian.

“Việc động viên để người dân hiểu và làm là giải pháp chính chứ không phải chỉ nhăm nhăm xử phạt. Vì điều này sẽ dẫn đến chuyện người dân đem rác ra chỗ công cộng – nơi không có ai thườngxuyên kiểm tra, xử lý. Việc khuyến khích phân loại tại nhà phải đồng bộ với hạ tầng của nhà nước đầu tư để xử lý rác” - Kỹ sư Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh.