Phát hoảng vì nhà mổ xác xây cạnh khu dân cư

ANTĐ - Vốn cùng chung một “mẹ” là Bộ Y tế, nhiều năm nay khu tập thể trường Đại học Dược và Viện Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) ở 48 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chung sống hòa thuận với nhau. Thế nhưng thời gian gần đây, cư dân của khu tập thể bỗng dưng phát hoảng vì biết được Viện Giải phẫu đang có ý định xây thêm một khu giảo nghiệm ngay sát cửa sổ của họ. Với người dân, điều đó có nghĩa là cứ hễ mở cửa sổ thì họ sẽ tận mắt thấy cảnh sinh viên ngày ngày mang xác người ra… thực tập. 

Đất chung hay đất riêng?

Khu nhà xây không cần phép của Viện Giải phẫu

Trước khi nói đến mâu thuẫn, cần nhắc lại lịch sử tồn tại của hai dãy nhà này. Dãy nhà của Viện Giải phẫu (vốn là nơi lưu giữ các tiêu bản xác người để sinh viên trường y mổ xẻ, thực tập) tồn tại từ thời Pháp thuộc. Năm 1983, Bộ Y tế đã cắt một phần khu đất của viện để xây dựng khu tập thể trường Đại học Dược. Năm 1993 khu tập thể được đưa vào sử dụng làm nơi ở cho cán bộ, giáo viên của trường. Giữa hai dãy nhà nói trên có một khoảng đất trống rộng khoảng 5m và kéo dài cho tới hết khuôn viên của cả khu tập thể với diện tích ước chừng là 250m2.

Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như thời gian gần đây, Viện Giải phẫu không tiến hành xây dựng một khu nhà cao 4 tầng trên phần diện tích đất trống xen giữa nói trên. Lúc này, hơn 100 hộ dân với tổng nhân khẩu trên 500 người của khu tập thể trường Đại học Dược (gồm 2 tổ dân phố) cực lực phản đối. Căng thẳng tới mức, cư dân của khu tập thể đã góp tiền dựng cả hàng rào sắt nhằm kiên quyết ngăn chặn không để công trình có thể thi công như dự định. Ông Trần Tất Thắng, Tổ trưởng tổ 41 cho biết: “Viện Giải phẫu tự ý xây dựng trên phần đất nói trên là hoàn toàn sai trái. Phần đất đó vốn là diện tích chung giữa Viện và khu tập thể chúng tôi. Việc xây dựng nhà giải phẫu bệnh ở ngay cạnh khu dân cư sẽ gây ô nhiễm cho người dân. Không gian thoáng đãng của khu tập thể cũng sẽ bị bịt lại. Ngoài ra nếu có sự cố cháy nổ, xe cứu hỏa cũng không thể vào được. Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, khu nhà đang xây dựng này hoàn toàn không có cơ quan nào cấp phép... Do đó, cư dân chúng tôi đã yêu cầu phía chủ đầu tư tạm dừng thi công và gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này”.

Ông Lê Trọng Trung - Tổ trưởng tổ dân phố 40 cũng thông tin thêm: “Tôi là cán bộ trường Đại học Dược nên nắm rất rõ lịch sử hai dãy nhà. Khi xây dựng, người ta đã tính toán để một khoảng đất trống giữa hai dãy nhà làm không gian an toàn. Hơn nữa chúng tôi còn một bể nước công cộng cung cấp nước cho toàn bộ khu tập thể nằm trên một phần diện tích đất trống kia. Nếu họ xây dựng có nghĩa là công trình sẽ đè lên bể cung cấp nước của cả khu tập thể. Đó là điều không thể chấp nhận được”. Ông Trung ngán ngẩm: “Thực ra việc tồn tại khu nhà giảo nghiệm cạnh chung cư vốn là vấn đề phản cảm từ lâu. Nhưng do đó là lịch sử nên chúng tôi đành chấp nhận. Anh tính như nhà tôi trên tầng 5, hàng ngày hễ cứ mở cửa sổ là lại chứng kiến cảnh sinh viên bên Viện Giải phẫu vớt các xác người từ bể phooc-môn ra đặt chình ình trên bàn, đợi ráo nước rồi cắt cắt, rạch rạch cứ rợn cả tóc gáy. Thế mà giờ đây họ lại xây thêm 1 khu nhà nữa gần như áp sát vào cửa sổ thì thử hỏi chúng tôi sẽ sống thế nào? Đó là chưa kể đến việc xây dựng trên phần đất chung đó có hợp pháp hay không”.

Xây không cần phép

Sau khi vấp phải phản ứng của người dân, công trình của Viện Giải phẫu đã tạm thời đình chỉ. Tuy nhiên, quan điểm của trường Đại học Y Hà Nội (cơ quan chủ quản của Viện Giải phẫu) thì: Công trình này hoàn toàn xây dựng trên phần đất của viện và cũng không cần giấy phép. 

Bà Lê Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản trị, Phó ban Quản lý dự án  trường Đại học Y Hà Nội quả quyết: “Về chủ quyền, chúng tôi xây dựng trên phần đất của Viện Giải phẫu. Không thể gọi đó là đất chung”. Để chứng minh, bà Tuyết cho biết, diện tích đất nói trên đã được Ban chỉ đạo 09 thành phố Hà Nội tiến hành kê khai, đo đạc đất từ năm 2010. Tuy nhiên căn cứ cụ thể để khẳng định chủ quyền là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì bà Tuyết thừa nhận là… chưa có. Trước câu hỏi của phóng viên: “Đất chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng nên có lẽ việc khẳng định là đất của Viện Giải phẫu có lẽ chưa thuyết phục. Ngoài ra việc xây dựng một tòa nhà 4 tầng với diện tích là hơn 250m2 lại đè lên bể nước của dân liệu có được cấp giấy phép hay không?”, bà Tuyết cho biết: “Công trình này không cần giấy phép xây dựng vì đây là công trình nhỏ, vốn đầu tư chỉ 4,9 tỷ đồng và được Bộ Y tế phê duyệt. Chúng tôi chỉ cần báo cáo quận và phường là được xây. Sở dĩ khẳng định như vậy vì Nghị định 12/2009/NĐ-CP đã quy định rõ như vậy. Hơn nữa để được phê duyệt xây dựng như đã nói, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã đi kiểm tra, xem xét tại thực địa rồi mới ra quyết định chứ không phải duyệt trên giấy tờ”...

Tuy nhiên quan điểm này bị phản bác bởi một nhân chứng khá uy tín là PGS. TS Phan Túy - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu phó trường Đại học Dược. Ông Túy cho biết: “Khi tôi còn tại chức, lúc đó tôi và anh Tôn Thất Bách - nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đã lên Bộ Y tế để hỏi cụ thể về việc quản lý khoảng đất trống giữa khu tập thể và Viện Giải phẫu. Lúc đó anh Lê Ngọc Trọng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nói đây là khoảng đất trống không lớn, nên để dùng chung cho hai đơn vị làm không gian thông thoáng và có thể làm đường chữa cháy, thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, để tránh cho Viện Giải phẫu là cơ quan làm việc khỏi bị ảnh hưởng bởi các cháu nhỏ trong khu tập thể Đại học Dược sang chơi, đồng chí Thứ trưởng gợi ý nên xây một bức tường tạm sát vào bể nước của khu tập thể. Sự thật là như vậy. Cho nên, nếu Viện Giải phẫu nói khoảng đất là của viện là không đúng. Hơn nữa làm gì có chuyện cho xây một ngôi nhà cao 12 mét, rộng 250m2 xen vào giữa hai tòa nhà cao tầng vốn có”. 

Thực tế khoảng đất trống giữa Viện Giải phẫu và Khu tập thể trường Đại học Dược không lớn. Hơn nữa, một khoảng không gian cần thiết giữa hai tòa nhà đã tồn tại hàng chục năm, nay xây lên một ngôi nhà án ngữ ở giữa là điều khó chấp nhận. Khi chưa có bằng chứng thuyết phục để nói rằng khoảng đất trống trên là của Viện Giải phẫu thì việc xây dựng nhà trên phần đất đó vấp phải phản ứng của người dân là điều dễ hiểu.