Phát hiện gỗ sưa được thưởng như thế nào? Mua phần thưởng này có hợp pháp không?

ANTĐ - Ngày 23-2 hai cha con ông Nguyễn Văn Thời ở thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong lúc đang đánh cá ở khu vực trên thì phát hiện một gốc cây gỗ sưa lớn, nằm sâu dưới nước. Ngay sau đó, ông Thời về nhà gọi thêm người thân tiến đào bới cây sưa. Để tránh bị phát hiện, nhóm người này tiến hành đào vào ban đêm tuy nhiên đến sáng ngày 25-2 thì thông tin bị lộ ra ngoài, hàng trăm người kéo đến để đòi chung ăn chia. Ông Thời sợ quá vội đi báo chính quyền. 

Nội dung vụ án

Khi cơ quan chức năng huyện Bố Trạch - Quảng Bình nhận được tin, đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ bao gồm kiểm lâm, công an và cán bộ địa phương để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường vụ gỗ sưa. Tuy nhiên trước đó, dưới áp lực của những người tìm được gỗ sưa, ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch đã phải ký một văn bản cam kết với người nhà ông Thời, nội dung đồng ý cho gia đình ông Thời hưởng 1/3 giá trị tài sản trục vớt. Ngay sau khi có thông tin cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ 30% cho người phát hiện ra cây gỗ sưa ở khu vực đầm Troóc, một thương lái đã chấp nhận bỏ ra 900 triệu đồng tiền mặt cho gia đình ông Thời để sau đó nhận lại 30% số tiền bán gỗ từ cơ quan chức năng chấp nhận lời ăn lỗ chịu. 

Đến 13h trưa ngày 26-2, gốc cây gỗ sưa đã được trục vớt khỏi lòng suối. Số gỗ sưa vừa trục vớt lên có thân dài 2,1 mét, đường kính 1,1 mét, bộ rễ dài 3 mét với đường kính rỗng ruột 60cm, nặng khoảng 3 tấn. Theo đánh giá của một số nhà kinh doanh, cây gỗ này có thể có giá hàng chục tỷ đồng. 

Vấn đề đặt ra là gia đình ông Thời có được hưởng 30% tiền bán cây gỗ sưa đó không? Thương lái mua quyền được hưởng phần thưởng của gia đình ông Thời có phù hợp với quy định pháp luật không?

Ý kiến bạn đọc 

Gia đình ông Thời không được hưởng phần thưởng

Theo như nội dung vụ việc, rõ ràng cây gỗ sưa là tài sản vô chủ, không phải là tài sản của gia đình ông Thời. Phần tài sản này được xử lý theo Bộ luật Dân sự và cụ thể là theo Nghị định 96/2009/CP. Theo đúng tinh thần NĐ này, gia đình ông Thời không được hưởng phần thưởng. Khi tình cờ tìm thấy gốc sưa, gia đình ông Thời đã không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng mà lén lút trục vớt. Khi không trục vớt được mới báo chính quyền. Việc làm này vi phạm Khoản 6, Điều 4 của Nghị định 96/2009 của Chính phủ về xử lí tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam. Trường hợp của gia đình ông Thời đáng ra còn bị xử lí hành chính, hoặc nặng hơn là xử lí hình sự. Quy định của pháp luật chúng ta là khuyến khích những người tự giác, không tham của công. Trường hợp gia đình ông Thời đã có ý định tư lợi cho mình nhưng không thành, còn làm khó, ra điều kiện với cơ quan chức năng. Nếu trích phần trăm là trái luật.

Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (Quảng Bình)

Thương lái mua quyền được thưởng là bất hợp pháp

Về việc thương lái “mua” số tiền thưởng của người phát hiện gỗ sưa là không đúng quy định. Bởi Bộ luật Dân sự cho phép chuyển nhượng đối với quyền về tài sản, quyền trong hợp đồng, chuyển nhượng cả hợp đồng… Tuy nhiên, các quyền tài sản gắn liền với nhân thân thì không được phép chuyển nhượng như quyền đòi cấp dưỡng, quyền nhận trợ cấp thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Việc Nhà nước thưởng tiền và giá trị vật được tìm thấy ghi nhận sự khuyến khích, khen thưởng cho người tìm thấy vật nên được xác định là quyền tài sản gắn với nhân thân. Đồng thời, việc thưởng cũng chỉ mới là lời nói, chưa có quyết định bằng văn bản, chưa được thực hiện nên đối tượng giao dịch chưa tồn tại. Từ đó, có thể nhận xét việc chuyển nhượng quyền nhận thưởng do việc phát hiện gỗ sưa là giao dịch không hợp pháp. 

TS Lê Minh Hùng, ĐH Luật TP.HCM

Gia đình ông Thời được thưởng rất ít

Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cha con ông Thời phát hiện khúc gỗ sưa tiền tỉ sẽ được chia rất ít. Điều 16 Nghị định 96/2009 (về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam) quy định: Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng tối đa bằng 30% của các mức thưởng tương ứng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia. Mức tiền thưởng trong trường hợp ngẫu nhiên tìm thấy này được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể trong trường hợp này như sau: “Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%”. Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc thăm dò, khai quật, trục vớt xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm. Cũng theo Nghị định 96/2009, mức tiền thưởng cụ thể do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với tài sản được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia), Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đối với tài sản được tìm thấy khác) quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng.

Phạm Văn Phương, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Đúng như ý kiến của các độc giả, gốc cây gỗ sưa dưới suối là tài sản vô chủ, nằm ở dưới đất, dưới nước, và gia đình ông Thời được xác định là người phát hiện ra và dẫu muộn, cũng phải xác định là ông Thời đã báo cáo với các cơ quan chức năng. Tài sản này được xác định là tài sản Nhà nước. Nghị định 96/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 quy định, tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và báo ngay cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo NĐ96/2009/CP, tất cả những người có công phát hiện và báo kịp thời cho các cơ quan chức năng đều được thưởng. Mức thưởng được quy định tại điều 16 và 17 của Nghị định này. Nếu tài sản được phát hiện là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì thực hiện theo điều 16 của NDD96/2009/CP, lũy thoái với mức thưởng cao nhất là 30% giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí trục vớt và không quá 200 triệu đồng, đúng như bạn Phạm Văn Phương đã phát biểu. Nhưng trong trường hợp này, tài sản phát hiện được không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia nên sẽ được áp dụng theo điều 17 của NĐ 96/2009/CP với mức thưởng cụ thể trong trường hợp này: Nếu tài sản có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Như vậy, gia đình ông Thời sẽ được hưởng 10 tháng lương tối thiểu là 1.9 triệu x 10 = 19 triệu đồng và 50 % giá trị gỗ sưa sau khi đấu giá trừ đi chi phí bảo vệ, trục vớt. Do gia đình ông Thời không báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời nên phần chi phí bảo vệ phát sinh do báo cáo muộn, gia đình ông Thời sẽ phải chịu trách nhiệm.

Về nội dung thương lái mua phần thưởng của gia đình ông Thời, có thể hiểu là mua phần tài sản hình thành trong tương lai (TSHTTTL). Bộ luật Dân sự quy định: TSHTTTL là một đối tượng của quyền sở hữu. Về tính chất, tại thời điểm giao dịch, quyền sở hữu của người chủ đối với TSHTTTL thực chất là một loại quyền tài sản (Điều 322 BLDS năm 2005) phát sinh từ hợp đồng với chủ sở hữu (sẽ chuyển giao) hoặc theo quy định của pháp luật. Do quyền sở hữu của chủ thể đang xét chưa xác lập tại thời điểm hiện hữu nên người chủ trong tương lai không thể có đầy đủ mọi quyền của chủ sở hữu mà chỉ có một số quyền như: dùng quyền tài sản để bảo đảm nghĩa vụ dân sự (phát sinh từ hợp đồng mua tài sản và được bên nhận bảo đảm đồng ý); nhận tài sản để xác lập quan hệ sở hữu sau khi hoàn thành các nghĩa vụ; chế ước quyền đối với chủ sở hữu và người thứ ba (ví dụ: chủ sở hữu hiện hành không thể tự do định đoạt đối với tài sản đã thoả thuận bán cho người khác) v.v…

Như vậy, quyền sở hữu đối với TSHTTTL là quyền tài sản có điều kiện và chỉ đặt ra khi gắn với một số giao dịch nhất định, và ở đây, vấn đề chúng ta đang quan tâm là giao dịch mua bán. Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán (Điều 428 Bộ luật Dân sự 2005). Theo các tiêu chí phân loại khác nhau, đối tượng của hợp đồng mua bán có thể là vật hoặc quyền tài sản, có thể là tài sản đang tồn tại hoặc tài sản hình thành trong tương lai, có thể là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, có thể là tài sản tự do hoặc tài sản đang là đối tượng của các giao dịch bảo đảm… Như vậy ở đây, TSHTTTL cụ thể là khoản tiền thưởng được hình thành do quy định của Nhà nước và được quyền mua bán theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự. Đây là tài sản, không phải là danh hiệu gắn với nhân thân và bị hạn chế giao dịch theo quy định pháp luật. Như vậy trường hợp này, thương lái mua TSHTTTL của gia đình ông Thời là phù hợp các quy định pháp luật. Nhưng cần lưu ý, đây là thương vụ vì vậy thương lái phải nộp đầy đủ các loại thuế phí theo quy định Nhà nước, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…