Phản văn hóa

ANTĐ - Từ bao đời nay, lễ hội luôn tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng vừa tưng bừng, gắn kết cộng đồng với cội nguồn, cầu mong những điều tốt lành. Đây cũng là nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh chính đáng của nhân dân.

 Thế nhưng đến nay, khi tính thương mại của lễ hội được đặt lên trên ý nghĩa tinh thần, khi hoạt động tâm linh được coi là một sản phẩm du lịch thì ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của các lễ hội ấy không còn trọn vẹn. Dẫu ai cũng hiểu mục đích tốt đẹp của đi lễ đầu năm để cầu sức khỏe, sự bình an cho bản thân, gia đình và cho đất nước thì đã có sự méo mó biến tướng của “tín ngưỡng thời cơ chế thị trường”. 

Mới vào đầu mùa lễ hội song cảnh chen chúc, chặt chém xô bồ, tệ nạn buôn thần bán thánh diễn ra khá nhiều. Hiện tượng đốt hàng mã, ném tiền giọt dầu, sự xuất hiện tràn lan các loại bia ghi danh công đức và “dịch vụ” khấn thuê, bói toán… bủa vây du khách trong mùa lễ hội Xuân ở khắp mọi nơi. Việc đặt tiền lẻ vào tay tượng, tiền che phủ gần hết phần thân bức tượng Phật,  thậm chí đút cả tiền vào miệng tượng là một hiện tượng cực kỳ xúc phạm tín ngưỡng và phản văn hóa. 

Trong truyền thống từ xưa, tiền công đức và tiền giọt dầu là một việc làm đẹp và có văn hóa. Người xưa đến chùa bỏ tiền công đức vào đúng nơi, tiền giọt dầu thì để lên đĩa và trao cho nhà sư của chùa một cách thành kính. Còn nay thấy thực sự buồn lòng... Trong tín ngưỡng thờ cúng từ xưa tới nay đều quan trọng ở chữ tâm, lòng thành kính chứ không phải chuyện nhiều hay ít. Đi chùa thắp nén hương khấn thần Phật là để đến với những triết lý của đức Phật, để cho tâm ta thanh thản và hoàn thiện chính bản thân mình, tìm được đường đi đúng đắn cho mỗi con người sống trong vòng xoáy của cuộc sống bộn bề khó khăn thời kinh tế khủng hoảng. 

Việc đi chùa là một nét đẹp văn hóa nhưng nay đã xuất hiện nhiều hiện tượng phản văn hóa như vậy cho thấy sự thiếu hụt vốn tri thức về văn hóa lễ hội. Sự bát nháo ở các lễ hội vẫn không được dẹp bỏ triệt để. Rất mong các đơn vị chức năng có những giải pháp để đi lễ chùa đầu năm thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Bộ VH-TT&DL nên có các văn bản quy định trong việc đi lễ chùa, đưa ra các hình thức xử phạt đối với người vi phạm. Đền, chùa là nơi linh thiêng cần có những quy định về trang phục của người đi lễ hội, nghiêm cấm các dịch vụ mang tính chất kinh doanh kiếm lời, trả lại các giá trị nguyên sơ, bản địa cho các lễ hội... mới mong tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trân trọng gìn giữ nét riêng độc đáo của các lễ hội, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông truyền lại.