Phan Quốc Việt và những “cú đòn” mang tính quyết định trong vụ Việt Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TAND TP Hà Nội đang tập trung cao độ nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị kỹ mọi vấn đề để sớm đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Việt Á với 38 bị can theo 5 tội danh. Trong vụ án, bị can Phan Quốc Việt được xác định là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là gốc của tất cả các hành vi phạm tội liên quan…
Phan Quốc Việt và một số bị can trong vụ án

Phan Quốc Việt và một số bị can trong vụ án

Biến tài sản Nhà nước thành của riêng

Theo hồ sơ vụ án, do có mối quan hệ thân thiết từ trước với Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) nên khi được Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự - Học viện Quân y) thông báo về việc đơn vị này có văn bản đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Học viện Quân y triển khai nhiệm vụ phát triển kit xét nghiệm Covid-19 thì Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật - Bộ KH&CN) đã nhanh chóng thông tin cho Phan Quốc Việt biết. Việt đặt vấn đề, thống nhất với Hùng về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.

Việt thỏa thuận việc chia phần trăm doanh thu của Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm, bàn bạc để giúp Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu đề tài và lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất kit xét nghiệm bán ra thị trường. Trước mối quan hệ thân thiết và được hứa hẹn ăn chia lợi ích nên Trịnh Thanh Hùng đã có hàng loạt hành vi phản bội lợi ích Nhà nước, lợi ích nhân dân.

Hùng sau đó đưa ra yêu cầu và được Hồ Anh Sơn đồng ý nêu trong văn bản đặt hàng ngày 31-1-2020 của Học viện Quân y với nội dung đề xuất Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu, phát triển kit test xét nghiệm. Tiếp đến, Hùng còn trực tiếp báo cáo, đề xuất cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ký các quyết định thành lập Hội đồng tư vấn xác định nghiệp vụ khoa học và công nghệ; phê duyệt đề tài; phê duyệt giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện đề tài và kinh phí thực hiện... Giúp sức cho ông chủ Việt Á, Hùng cũng yêu cầu Hồ Anh Sơn có văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài, đồng thời tham mưu đề xuất cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 để có cơ sở làm hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Biến thành cánh tay đắc lực giúp sức Việt từ “cú ra đòn” đầu tiên, cựu Phó Vụ trưởng còn cung cấp các tài liệu cho Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Việt Á) để lập hồ sơ gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) xin cấp sổ đăng ký lưu hành; tác động Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định, đánh giá chất lượng kit xét nghiệm, đồng thời tác động để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm. Ngoài ra, bị can Hùng còn tham mưu, đề xuất và dự thảo nội dung để Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu đề tài; ra thông cáo báo chí thể hiện việc Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit xét nghiệm cho Việt Á và năng lực sản xuất của doanh nghiệp này.

Bị can Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN

Bị can Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu kit xét nghiệm thuộc về Nhà nước và do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm đại diện, nhưng vẫn đồng ý trước sự tham mưu, đề xuất của cấp dưới, giúp Phan Quốc Việt biến kết quả nghiên cứu thành tài sản riêng của doanh nghiệp. Theo đó, bị can Chu Ngọc Anh là người ký quyết định phê duyệt cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp cùng Công ty Việt Á thực hiện đề tài nghiên cứu với kinh phí gần 19 tỷ đồng từ ngân sách; ký quyết định khen thưởng và đề nghị Chính phủ khen thưởng Việt Á và chỉ đạo cấp dưới ký văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị giúp công ty của Việt được tặng Huân chương Lao động hạng 3 không đúng đối tượng, thành tích… Đổi lại, Trịnh Thanh Hùng, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc lần lượt được Phan Quốc Việt “biếu” 350.000 USD, 200.000 USD và 50.000 USD.

Thao túng cán bộ, lãnh đạo Bộ Y tế

Cũng theo hồ sơ vụ án, do Công ty Việt Á không thuộc đối tượng cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 nên ngoài việc nhờ bị can Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Nguyễn Huỳnh (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc - Cục Quản lý dược, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) can thiệp, tác động, Phan Quốc Việt còn trực tiếp gặp gỡ, nhờ cậy Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chuẩn đoán - Bộ Y tế) tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành.

Cụ thể, bị can Nguyễn Minh Tuấn là người biết rất rõ kit xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm của đề tài thuộc sở hữu Nhà nước, không đủ điều kiện cấp số đăng ký lưu hành cho Việt Á. Tuấn cũng được cấp dưới báo cáo rõ tình hình về hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành thiếu 4 tài liệu, do đó Việt Á càng không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, do Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tác động, chỉ đạo, đồng thời Phan Quốc Việt trực tiếp gặp gỡ đặt vấn đề nên cựu Vụ trưởng của Bộ Y tế vẫn thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm.

Theo đó, Tuấn trao đổi, hướng dẫn Phan Quốc Việt làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả đánh giá chất lượng kit xét nghiệm và phải được Hội đồng khoa học của Bộ KH&CN nghiệm thu. Bị can Tuấn sau đó vừa trực tiếp báo cáo, vừa chỉ đạo cấp dưới gửi email báo cáo rõ với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về việc Việt Á không đủ điều kiện cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm. Thế nhưng khi nhận được chỉ đạo của Nguyễn Thanh Long, Tuấn vẫn chủ trì họp Hội đồng Tư vấn cấp sổ đăng ký lưu hành và ký tờ trình để ông Nguyễn Trường Sơn (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời đối với kit xét nghiệm của Việt Á.

Bị can Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế

Bị can Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế

Kết quả điều tra cho thấy, Nguyễn Minh Tuấn đã phối hợp với bị can Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế) xác định giá hiệp thương kit xét nghiệm là 470.000 đồng/test không có căn cứ, trái quy định; chủ trì họp Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán thông qua và trình ông Nguyễn Trường Sơn quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm cho Việt Á.

Cơ quan tố tụng chỉ rõ, để được giúp đỡ trong quá trình kiểm tra, đánh giá, tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19, Phan Quốc Việt đã hối lộ Nguyễn Minh Tuấn tổng số 300.000 USD, Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD, Nguyễn Huỳnh 4 tỷ đồng, Nguyễn Nam Liên 100.000 USD và “cảm ơn” Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD. Tài liệu điều tra cho thấy, với 2 hành vi mang tính quyết định nêu trên và về sau được sự “tiếp tay”, giúp sức của hàng loạt Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, ông chủ Việt Á đã mở toang “cánh cửa” để độc chiếm hoàn toàn thị trường kit xét nghiệm Covid-19 trong các năm 2020 - 2021 với giá thành bị “thổi” lên cao ngất ngưởng. Thao túng thị trường kit xét nghiệm trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, Phan Quốc Việt luôn sử dụng triệt để hai chiêu bài là không ngừng phát triển quan hệ và hối lộ, “cảm ơn” hoặc thẳng thắn thỏa thuận tiền phần trăm ngoài hợp đồng trong việc mua sắm hàng hóa, vật tư.

Quá trình phạm tội ở vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, ông chủ Việt Á đã dùng tới 3,45 triệu USD cùng 4 tỷ đồng để hối lộ hoặc “cảm ơn” các cá nhân ở bộ, ngành Trung ương và chi phần trăm cho các lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ sở y tế công lập số tiền hơn 34 tỷ đồng (tương đương hơn 106,6 tỷ đồng). Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là hơn 402 tỷ đồng.

Thao túng thị trường kit xét nghiệm trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, Phan Quốc Việt luôn sử dụng triệt để hai chiêu bài là không ngừng phát triển quan hệ và hối lộ, “cảm ơn” hoặc thẳng thắn thỏa thuận tiền phần trăm ngoài hợp đồng trong việc mua sắm hàng hóa, vật tư.

Quá trình phạm tội ở vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, ông chủ Việt Á đã dùng tới 3,45 triệu USD cùng 4 tỷ đồng để hối lộ hoặc “cảm ơn” các cá nhân ở bộ, ngành Trung ương và chi phần trăm cho các lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ sở y tế công lập số tiền hơn 34 tỷ đồng (tương đương hơn 106,6 tỷ đồng). Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là hơn 402 tỷ đồng.