Phận nghèo gục ngã trước cảnh tiền bạc xa hoa

ANTĐ - Lúc bỏ lại hai đứa con cho ông bà nội nuôi dưỡng, chị đã hứa hẹn với chúng rằng: “Mẹ đi tìm bố về cho các con”, nhưng rồi cả bố và mẹ chúng đều đi biền biệt trong sự đợi chờ, mong ngóng đến mỏi mòn của những đứa trẻ.

Chị kể rằng, có những đêm, trong giấc ngủ chập chờn, chị mơ thấy gương mặt ngây thơ của lũ trẻ, chúng nhìn mẹ với ánh mắt trong veo đầy trách cứ. Lúc bỏ lại hai đứa con cho ông bà nội nuôi dưỡng, chị đã hứa hẹn với chúng rằng: “Mẹ đi tìm bố về cho các con”, nhưng rồi cả bố và mẹ chúng đều đi biền biệt trong sự đợi chờ, mong ngóng đến mỏi mòn của những đứa trẻ.

Đường đời trắc trở của người đàn bà “đi tìm bố cho con”

Lê Thị Hương Yến (Quảng Xương, Thanh Hóa) là một thành viên mới của trung tâm phục hồi nhân phẩm Ba Vì, Hà Nội. Hồi mới vào, chị rất ít nói, lúc nào cũng lầm lì và hiếm khi giao tiếp với ai, kể cả những người bạn cùng phòng. Thoạt đầu gặp chị, người ta tưởng rằng chị là một phụ nữ lạnh lùng bởi gương mặt khắc khổ, trơ cứng những nét biểu cảm, nhưng khi chạm vào nỗi uẩn ức trong lòng người đàn bà bất hạnh này, sẽ thấy rằng cuộc đời chị quả thật là một chuỗi dài những tháng ngày đẫm nước mắt và đau khổ.

Yến sinh ra trong một gia đình nghèo khó và nhiều tai tiếng. Hồi còn thiếu nữ, mẹ chị là người con gái xinh đẹp, chăm chỉ nhất cái làng chài hẻo lánh ấy. Bà được nhiều chàng trai để ý, săn đón, nhưng rồi đem lòng yêu một người đàn ông đi buôn trên huyện, bà bỏ nhà theo người yêu và nửa năm sau thì vác cái bụng bầu lùm lùm về nhà trong nỗi tủi hổ, nhục nhã ê chề. Mẹ Yến sinh ra và nuôi cô lớn trong điều tiếng và ánh mắt khinh bỉ của dân làng. Không được sự bao bọc của họ hàng, anh em, lại không có người đàn ông ở bên để bảo vệ, mẹ con Yến luôn phải chịu cảnh thiệt thòi, ấm ức.

Mang tiếng là “con hoang” nên không một chàng trai nào dám làm bạn cùng Yến, cô phải lấy chồng cách quê tới gần trăm cây số. Gia cảnh chồng Yến cũng chẳng khá giả gì, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng cằn cỗi. Bố mẹ chồng chị đã già yếu, chẳng làm được việc gì. Chồng chị lại là con cả, phải gánh vác cả một đại gia đình với những đứa em vẫn còn đang tuổi đi học. Còn mang nặng suy nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên vợ chồng Yến sinh tới 4 đứa con, mỗi đứa chỉ cách nhau hơn một năm. Đã nghèo còn đông con nên cuộc sống của gia đình chị càng thêm nheo nhóc, ăn bữa nay, lo bữa mai. Vợ chồng Yến quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối mà vẫn chẳng lo nổi cho các con cái áo lành, bữa cơm no. Không lâu sau thì hai đứa con bỏ anh chị mà đi vì viêm phổi không được chữa trị kịp thời.

Cái chết của hai đứa con khiến cho chồng Yến như người điên dại. Anh phẫn uất với cảnh nghèo khó, hận bản thân vì đã chẳng lo nổi tiền chữa trị, thuốc men cho con. Anh than khóc hai đứa trẻ suốt mấy đêm liền rồi đùng đùng bỏ quê đi tìm cơ hội đổi đời ở một nơi xa xôi khác. Anh đi theo những người bạn buôn chuyến, họa hoằn lắm mới về nhà. Mỗi lần về anh đều mang cho chị rất nhiều tiền, cho các con những thứ quà bánh lạ mà chúng có mơ cũng chẳng thấy. Cuộc sống gia đình đã bớt vất vả, nhưng đời sống vợ chồng lại là cả niềm bất hạnh đối với người phụ nữ trẻ. Vò võ xa chồng hàng tháng trời, chị chỉ còn biết chờ đợi, nhẫn nại, dồn hết tâm sức chăm con, nuôi bố mẹ già.

Những lần chồng Yến về nhà cứ thưa dần rồi bặt hẳn. Chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi thăm về chồng thì chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy. Những người bạn buôn với chồng Yến, người thì bảo anh đã theo làm “chồng hờ” một người đàn bà giàu sang hơn anh đến mười mấy tuổi, người lại bảo anh theo một mối hàng ra nước ngoài chưa về, người lại nói anh đã theo vào mỏ đá đào đá đỏ... Chị lại ngậm ngùi quay về, chờ đợi chồng, nhưng càng chờ càng mòn mỏi, càng ngóng càng bặt tin. Thấy cảnh bố mẹ chồng đã lòa mắt, lãng tai mà ngày ngày vẫn đi quanh xóm hỏi thăm tin tức về con trai, những đứa con thơ cứ ngây ngô hỏi về bố, ngày nào cũng kéo nhau ra đầu làng đợi bố về, lòng chị như muối xát. Nhớ lại tuổi thơ không êm ả thiếu vắng hình bóng người bố, Yến thấy thương cho các con mình và sợ rằng chúng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, ấm ức như mình ngày xưa. Chị suy nghĩ rất nhiều ngày trước khi đưa ra một quyết định khó khăn: đi tìm chồng, tìm bố cho những đứa con.

Để lại các con thơ dại cho bố mẹ già chăm sóc, chị không đành lòng, song chị định bụng chỉ vài hôm rồi sẽ quay về. Hình ảnh về ngày chia tay ấy đến giờ vẫn khắc sâu trong tâm trí chị như một nỗi ám ảnh. Hai đứa trẻ cứ bám lấy vạt áo mẹ, khóc ngằn ngặt không muốn rời. Chị phải dỗ mãi, nói rằng: “Mẹ đi tìm bố về cho các con” và hứa chỉ đi một lúc rồi sẽ quay về, chúng mới chịu yên. Đó là lần đầu tiên chị đi xa đến vậy và mông lung, mơ hồ đến vậy. Tất cả những gì chị có chỉ một cái địa chỉ mập mờ và những câu nói chẳng có gì chắc chắn, hứa hẹn. Thế nhưng Yến vẫn quyết tâm ra đi.

Nước mắt và sự sám hối muộn màng

Đường đời không bằng phẳng như con đường đưa chị đến cái thị trấn nhỏ nơi chị đặt nhiều hi vọng sẽ tìm được chồng, hay chí ít cũng nghe ngóng được chút tin tức về anh. Xuống bến xe, thấy chị lơ ngơ, không thông thạo đường sá, lại nói giọng không phải của người địa phương, mấy tay xe ôm đã lừa chị, bán lại cho một nhà chứa. Bị dọa nạt, chị bằng lòng tiếp khách, chỉ mong sao mau chóng được trở về với con. Hi vọng tìm chồng trong chị đã lụi tắt hẳn. Nhưng dần dần, từ chỗ bị ép buộc bán thân, chị đã tự nguyện trở thành một gái làm tiền bởi số tiền mà chị nhận được quả là không nhỏ so với thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng ở quê.

Cầm những đồng tiền ấy trên tay, những tủi nhục, ê chề nhường chỗ cho hình ảnh về những tấm áo đẹp, những thứ quà bánh lạ, những hộp sữa, miếng thịt mà hẳn những đứa trẻ phải luôn sống trong cảnh thiếu thốn, đói khát như hai con chị sẽ rất sung sướng khi được cầm trên tay. Chị nhớ con, thương con, nhưng càng thương nhớ bao nhiêu thì lại càng muốn kiếm tiền thật nhanh, thật nhiều bấy nhiêu để mau được về với chúng và mang theo cả những niềm vui, sự sung túc. Nhưng tiếc rằng những đồng tiền không hợp pháp ấy chưa kịp biến thành quà bánh cho những đứa con thì chị đã bị bắt đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm.

Chị hứa với các con sẽ chỉ đi một lúc, nói với bố mẹ già sẽ chỉ xa nhà vài ngày, nhưng đã qua hai cái Tết mà chị vẫn chưa về tới nhà. Ở trung tâm, lần đầu tiên được gọi điện về nhà, nghe tiếng những đứa con nheo nhéo gọi mẹ, hỏi bằng cái giọng véo von, khắc khoải: “Bao giờ mẹ về? Sao mẹ đi lâu thế?”, chị lại trào nước mắt, lòng chị lại bồn chồn không yên. Chị chẳng những đã không tìm được chồng như lời hứa mà còn trở thành một con người khác, làm cái việc mà ở quê chị người ta cho đó là động trời, là đáng hổ thẹn vô cùng. Trong thâm tâm, chị vẫn tự nhủ mình là một người mẹ tồi, một người con dâu hư hỏng.

Chỉ vì những suy nghĩ nhất thời bồng bột, những phút lóa mắt vì đồng tiền, chị đã quên mất cả hậu quả mình sẽ gây ra cho gia đình, quên mất cả những tổn thương mà giờ đây bố mẹ chồng và các con chị đang phải gánh chịu. Mỗi lần nghe cái giọng run rẩy, yếu ớt như sương khói của bố mẹ già, chị lại thấm thía hơn cái tội của mình. Chị biết đằng sau những lời nhắn nhủ, động viên, đằng sau những câu dặn dò tha thiết là cả một nỗi đau, sự nhẫn nhục, chịu đựng mà bố mẹ chồng chị đang phải gánh.

Ở nơi quê nghèo ấy, miệng lưỡi người đời là một con dao sắc. Chị chợt nhớ tới mẹ mình ngày xưa, nhớ những tủi nhục mà hai mẹ con phải chịu, nhớ cái ánh mắt khinh bỉ của người làng, và cũng chợt nhớ rằng chị đã tự nhủ sẽ không bao giờ để những người thân yêu phải hổ thẹn vì mình, nhưng bây giờ, những việc chị làm đã phản lại tất cả những lời hứa ấy. Mỗi ngày, chị một lầm lũi hơn trong sự sám hối của chính bản thân mình.