Huyện Gia Lâm, Hà Nội

Phấn đấu hỗ trợ người dân từng bước trở thành 'Những Công dân số'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ trách nhiệm và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP.

Thời gian qua, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP Hà Nội, đặc biệt là chỉ đạo của Giám đốc CATP tại Mệnh lệnh số 01 ngày 05/5/2023 về tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội; chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện trong việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP; Công an huyện Gia Lâm đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện các nội dung của Đề án 06; nhất là việc cấp căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 và làm sạch dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” của công dân trên địa bàn.

CAH Gia Lâm hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử

CAH Gia Lâm hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an huyện Gia Lâm đã tổ chức cấp CCCD cho 7.860 trường hợp; kích hoạt định danh điện tử mức 1 cho 177.572 trường hợp, mức 2 cho 67.218 trường hợp.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Mệnh lệnh số 01, đồng chí Trưởng Công an huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục phối hợp Công an huyện tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn làm căn cước công dân, sử dụng phần mềm VNeID, kích hoạt định danh điện tử cho công dân trên địa bàn Huyện;

đồng thời, chỉ đạo thành lập các Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ lực lượng Công an các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả Mệnh lệnh 01 của CATP, tổ chức xác minh nơi cư trú của công dân có hộ khẩu thường trú tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đi khỏi nơi đăng ký thường trú trên địa bàn quản lý.

Các tổ công tác CAH Gia Lâm đến địa bàn dân cư để thực hiện Mệnh lệnh 01

Các tổ công tác CAH Gia Lâm đến địa bàn dân cư để thực hiện Mệnh lệnh 01

Với quyết tâm chính trị cao, không ngại khó, ngại vất vả, CBCS các đội nghiệp vụ và nhất là lực lượng Công an xã, thị trấn trực tiếp xuống địa bàn từng thôn, xóm, tổ dân phố, không kể thời gian ban ngày hay buổi tối, để phối hợp với các Tổ công nghệ số cộng đồng, sinh viên Học viện Nông nghiệp, đoàn thanh niên và lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục”, để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt, đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

“Có những cán bộ, chiến sỹ đã tình nguyện bám cơ sở nhiều ngày, tranh thủ các nghỉ thứ 7 và Chủ nhật không về nhà để thực hiện nhiệm vụ cùng Tổ công tác hướng dẫn tận tình đến từng người dân”, chỉ huy Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ CAH Gia Lâm thông tin và cho biết chỉ riêng trong 2 ngày 20 và 21/5/2023), các tổ công tác CAH đã hướng dẫn cho 9.780 trường hợp kích hoạt định danh điện tử mức 2.

“Tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Gia Lâm đã được lãnh đạo huyện người dân ghi nhận, ủng hộ. Từ đó, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân hết sức giúp đỡ lực lượng Công an trong việc phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện hiệu quả Đề án 06 cũng như Mệnh lệnh số 01 của Giám đốc CATP chính là tiền đề tốt để huyện xây dựng, hình thành mô hình “chính quyền số, công dân số”, đồng chí Đặng Thị Huyền – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đánh giá.

Thông tin thêm với PV An ninh Thủ đô, chỉ huy Công an huyện Gia Lam cho biết, lực lượng Công an huyện đã tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả Đề án 06/CP và Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ”sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng thế yếu; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.