Phận đàn bà tự “đốt” mình

ANTĐ - Najiba quờ quạng tìm kiếm cái gì đó cho vào miệng khi đang lên cơn nghiện thuốc, cô bé cào cấu kêu gào người mẹ giúp đỡ. Najiba chỉ mới 13 tuổi, nhưng đã nghiện thuốc phiện hơn 12 năm. Vì nhiều lý do, đặc biệt là tình trạng y tế thấp kém ở Afghanistan đã khiến cho thứ thuốc màu nâu này được sử dụng phổ biến cho phụ nữ, trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh. 

Cả làng đều nghiện

Najiba và mẹ, cũng là một người nghiện thuốc, đang điều trị tại một trung tâm cai nghiện cộng đồng ở Thủ đô Kabul, Afghanistan. “Khi con bé mới sinh khoảng 2 tháng, nó khóc liên tục, vì thế, tôi bắt đầu ấn thuốc phiện vào miệng để nó im lặng. Chẳng còn cách nào khác”, mẹ Najiba cho biết.  

Tương tự, Shasana vừa mới từ trường trở về nhà. Khi đó là buổi trưa, cô bé ngồi thu mình trên nền nhà tranh, đặt chiếc ống hút lên môi rồi rít một hơi, phả ra làn khói mờ ảo. Chỉ mới 10 tuổi, Shasana đã nghiện thuốc phiện. Không chỉ mẹ cô bé mà hầu hết dân làng đều nghiện. 

Tại ngôi làng hẻo lánh ở giữa sa mạc Turkmen phía bắc Afghanistan này, đàn ông thường đi kiếm củi trong khi phụ nữ làm nghề dệt thảm. Họ thường mất 10 tiếng mỗi ngày, liên tục trong 3 tháng mới hoàn thành một tấm thảm đẹp. Đây là công việc cực nhọc và phụ nữ phàn nàn rằng họ đau ê ẩm toàn thân. Vì thế, thỉnh thoảng họ ngừng tay để hút thuốc nhằm giảm bớt cơn đau đang hành hạ. Mỗi khi con khóc, bị ốm, đói, đòi đồ chơi, những người thân trong gia đình đưa cho chúng thuốc phiện. Họ coi đó là cách hữu hiệu nhất để có thể tiếp tục làm việc. 

Vòng luẩn quẩn của nghèo, khó

Hút thuốc phiện tiêu tốn khoảng 200Afghanis/ngày (tương đương 4USD/ngày). Đây thực sự là một thói quen xa xỉ tại đất nước có 1/3 số dân sống dưới mức nghèo đói. Mỗi khi chồng vắng nhà, nhiều người còn bắt con cái họ phải đi nhặt rác và vỏ chai, thậm chí còn tự đi ăn xin trên phố để thỏa mãn cơn nghiện của họ. Dắt theo đứa con 5 tuổi, chị Najia kể rằng, chị hút thuốc phiện 9 năm nay. “Mọi thứ rất khó khăn. Tôi nghèo và không có việc làm”, Najia cho biết, chị nhiễm thói quen này từ khi chồng trở về sau một thời gian làm công ở Iran.

Chị Anita vén tấm mạng che mặt màu xanh da trời để lộ cặp mắt đờ đẫn và đôi môi nứt nẻ vì hút thuốc phiện nhiều năm. Anita phải trốn chồng, lén ra khỏi nhà để cùng các phụ nữ khác tới trung tâm cai nghiện Nejat do Liên hợp quốc tài trợ ở Thủ đô Kabul của Afghanistan. Giống như đa số những phụ nữ nghiện thuốc phiện ở Afghanistan, Anita nhiễm thói quen đó từ chồng. Nhưng các nhân viên xã hội trung bình phải mất ít nhất 15 lần gặp để thuyết phục phụ nữ Afghanistan đi cai nghiện.

Không lối thoát

Afghanistan là nước sản xuất tới 90% lượng thuốc phiện của thế giới. Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính rằng, xuất khẩu thuốc phiện đã mang về 2,4 tỷ USD cho Afghanistan trong năm ngoái, tương đương với 15% GDP của nước này.    

Thuốc phiện được xem là thuốc chữa bách bệnh như đau đầu, ốm và những bất ổn tinh thần… cho hàng trăm nghìn người ở Afghanistan. Do không có bác sĩ hoặc dược phẩm hiện đại, thứ thuốc màu nâu này được sử dụng cho cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh. Trong một gia đình ở thành phố Mazar-i-Sharif có 3 thế hệ thì tất cả đều nghiện trong đó có một bé trai mới 2 tháng tuổi. “Con tôi sinh ra đã bị đau tai. Vì không thể đi khám bác sĩ, nên tôi nhét thuốc phiện vào miệng con để làm dịu cơn đau. Sau khi con gái tôi sinh ra, nó bị đau dạ dày, tôi chỉ có thuốc phiện nên giờ cả 2 đứa đều nghiện”, chị Izat Gul giải thích. 

Arman Raoufi, một chuyên gia ở Trung tâm cai nghiện Nejat cho rằng, dòng người xuất khẩu lao động sang Iran và Pakistan trở về, cuộc nội chiến đẫm máu và chế độ cai trị hà khắc của Taliban cũng góp phần dẫn tới gia tăng tình trạng nghiện ma túy ở phụ nữ. UNODC cho biết, cứ 30 người dân Afghanistan thì có một người nghiện thuốc phiện. Tính theo đầu người, nước này là nơi có mật độ dân sử dụng thuốc phiện cao nhất, trong đó phụ nữ “nghiện” hiện nay khoảng 60.000 người.

Bác sĩ Mobeen, người điều hành một bệnh viện nhỏ ở thành phố Mazar-i-Sharif thừa nhận, mặc dù rất muốn cải thiện tình hình này nhưng với chỉ 20 giường bệnh cho hàng trăm nghìn người nghiện, có lẽ phải mất 100 năm họ mới điều trị hết số người mắc bệnh hiện nay, không kể những trường hợp mắc mới.