Phân bổ ngân sách cho hiệu quả

ANTĐ - Trong phiên họp chiều 28-10, Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.

Hạn chế nhập siêu giúp giảm lạm phát, bội chi ngân sách

Bàn về vấn đề chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, ĐB Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) nhấn mạnh tới việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc việc sử dụng vốn ngân sách. Đồng tình với ĐB Nguyễn Danh Út, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và một số ĐBQH khác dẫn chứng trong năm 2011, nhiều dự án không mang tính cấp bách, nhưng vẫn được khởi công, dẫn đến đầu tư dàn trải và chưa tiết giảm được chi tiêu công. Vấn đề này đã ảnh hưởng lớn đến cán cân thu chi NSNN trong thời gian qua. Từ những vấn đề nêu trên, các ĐBQH đã đồng thuận cần tăng thu và đạt độ hợp lý trong việc thu ngân sách.

 Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm và giám sát chặt chẽ việc thu thuế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời thu hồi các khoản chi bất hợp lý và phải coi đó là nguồn thu phục vụ an sinh xã hội. Nhiều ĐBQH cho rằng, cần đề cập đến cả nguồn thu từ khai thác khoáng sản. “Đây là nguồn thu lớn, đang bị buông lỏng mặc dù Luật Khoáng sản được Quốc hội khóa XII thông qua, đã đề cập đến việc thu phí, thuế từ hoạt động này” - ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) nêu ý kiến.

Liên quan đến việc chi NSNN năm 2012, bên cạnh việc đề nghị tiết giảm chi tiêu công, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ có chính sách phân bổ NSNN hợp lý đối với các vấn đề an sinh xã hội. Trong lĩnh vực xóa nghèo, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), cùng nhiều ĐBQH khác đề nghị Chính phủ tiếp tục chi ngân sách đúng mức cho các huyện nghèo, địa bàn trọng điểm, các vùng cửa khẩu và các địa phương có nguồn thu nhập thấp do bị thiên tai bão lũ thường xuyên.

Bên cạnh đó, NSNN cũng cần phân bổ kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tiền lương và phụ cấp công vụ. Nhiều ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp tích cực và cụ thể để giảm bội chi, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ nhập siêu không quá 4%. “Phải khẩn trương rà soát các dự án để phân bổ ngân sách cho hiệu quả” - ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội) nêu ý kiến. Cùng chung quan điểm này, ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) đề nghị Chính phủ tăng hiệu quả đầu tư công, thay đổi cơ chế quản lý đấu thầu và quản lý vốn, để phù hợp với tình hình hiện tại.

Tổng mức đầu tư hiện quá thấp

Ngày 28-10, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, giảm đầu tư công là đúng hướng nhưng quá đà là rất khó khăn vì Việt Nam khác hoàn toàn so với các nước. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội mới bắt đầu thực hiện. Thực tế, tổng mức đầu tư của Việt Nam hiện quá thấp. Năm nay, giải ngân đầu tư công là 123.000 tỷ đồng, chỉ bằng 2,6 lần số tiền đầu tư công trình đường tàu điện ngầm ở TP Hồ Chí Minh (47.000 tỷ đồng). Trong khi 123.000 tỷ đồng đó phải bố trí cho biết bao công trình tại 63 tỉnh, thành phố”.

Trả lời câu hỏi “bội chi ngân sách quá lớn có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích: “Năm 2012, đầu tư công là 180.000 tỷ đồng, trong khi bội chi ngân sách là 140.000 tỷ đồng. Như vậy, chi đầu tư công cơ bản là từ bội chi mà bội chi là vay ở trong nước và nước ngoài. Tôi cho rằng, cần thiết phải dâng trần nợ công lên vì có bội chi mới có đầu tư, còn không thu bao nhiêu ăn bấy nhiêu thì làm sao đất nước phát triển được”.