Phạm nhân trốn trại bị bắt lại có thể đối diện hình phạt nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã có một số phạm nhân trốn trại song bị bắt lại ngay sau đó. Vậy theo quy định, những đối tượng này sẽ phải đối diện mức hình phạt nào?

Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng đã bắt giữ hai phạm nhân là Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng sau 3 ngày bỏ trốn khỏi trại giam Xuân Hà.

Trước đó, khoảng 15h chiều 6-12, lợi dụng sơ hở, hai phạm nhân Phan Công Thành (36 tuổi, ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) và Nguyễn Đắc Hoàng (39 tuổi, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) đã bỏ trốn khỏi trại giam Xuân Hà (cơ sở 2 đóng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên). Phạm nhân Thành thụ án 19 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạm nhân Hoàng thụ án 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng trốn trại đã bị bắt lại

Phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng trốn trại đã bị bắt lại

Về chế tài xử lý đối với phạm nhân trốn khỏi trại giam, Điều 42 Luật Thi hành án hình sự nêu rõ, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho viện kiểm sát có thẩm quyền - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, Điều 43 Luật Thi hành án hình sự quy định, phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách; cảnh cáo; giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Giám thị trại giam thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định. Trường hợp không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì phải kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố…

Đặc biệt, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, phạm nhân bỏ trốn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 386 BLHS 2015 về Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử.

Theo đó, người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.