Phải quy định rõ về việc bỏ phiếu tín nhiệm

ANTĐ - Quy định về hoạt động lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm và chất vấn, xem xét trả lời chất vấn là 2 nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nhiều nhất khi thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 11-8. 

Phải quy định rõ về việc bỏ phiếu tín nhiệm ảnh 1Các đại biểu Quốc hội trong một lần lấy phiếu tín nhiệm

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến về nội dung lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Loại ý kiến thứ nhất tán thành trong Luật chỉ quy định chung về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị đưa các quy định về lấy, bỏ phiếu tín nhiệm vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để thể hiện cho thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất song đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo một số quy định về nguyên tắc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải được quy định cụ thể ngay trong luật này. Theo bà Trương Thị Mai, lấy phiếu tín nhiệm có thể dẫn chiếu tới Nghị quyết của Quốc hội song bỏ phiếu tín nhiệm là một quy trình hoàn toàn khác theo quy định của Hiến pháp. 

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề “cực kỳ hệ trọng” và việc “bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm là 2 vấn đề khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực khác nhau”. Dẫn việc dù đã có quy định cụ thể nhưng bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được thực hiện trong nhiều năm nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Quốc hội, HĐND có quyền lực quyết định bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Dự thảo luật phải tính toán, gia cố thêm để thực hiện cho được việc bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian tới”.

Về quy định chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, qua thảo luận, nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm chỉ cần có kiến nghị của cử tri hoặc vấn đề bức xúc là Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên Chính phủ mà không cần đợi Quốc hội thông qua nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đại biểu Quốc hội có quyền gửi câu hỏi chất vấn đến người được chất vấn ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, nhưng việc trả lời chất vấn (theo quy định của Hiến pháp) chỉ được thực hiện tại kỳ họp của Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, nếu phát hiện có những vấn đề vướng mắc, không hợp lý hay bức xúc dân sinh, đại biểu Quốc hội có quyền được đòi hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin đối với tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà đại biểu Quốc hội muốn, chứ không phải chỉ riêng đối với người bị chất vấn và người đó có trách nhiệm phải trả lời.