Phải kiểm tra chuyên môn các doanh nghiệp

ANTĐ - Trước những điểm mới của dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).

- Dự luật đã thực sự quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sức bật để tận dụng nguồn lực của mình hay chưa, thưa bà?

- Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã có quy định rộng mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là, cần đưa ra những quy định không có rào cản giúp họ thông thoáng hơn trong các hoạt động kinh doanh. Mặc dù, trong dự thảo luật đã cho phép doanh nghiệp có quyền tự do sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhưng hiện khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là vốn, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng luôn đòi hỏi sự bảo đảm từ phía doanh nghiệp, họ không dễ dàng mở hầu bao cho các doanh nghiệp vay vốn. Điều đáng nói là phong cách phục vụ của công chức trong hệ thống quản lý Nhà nước nhiều khi còn quá cứng nhắc. Ngay cả Nhà nước đã có những quy định mở hơn đối với doanh nghiệp thì họ vẫn tự đặt ra những quy định để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải “bôi trơn” để công việc được suôn sẻ.

- Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng công chức sách nhiễu doanh nghiệp?

- Trước hết, những người làm việc trong hệ thống quản lý Nhà nước và hoạt động công vụ phải thay đổi thái độ và cung cách làm việc. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục, kiểm tra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể cho những người đang đảm nhiệm công việc này không được phép làm trái với quy định của Nhà nước. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những người làm sai chức năng, nhiệm vụ, thậm chí có thể đình chỉ và thuyên chuyển công tác. 

- Đâu là điểm mấu chốt để giúp nền kinh tế trong nước phát triển bền vững, thưa bà?

- Có dịp tiếp xúc với nhiều Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, tôi nhìn thấy khát vọng làm giàu cho quê hương, hướng về Tổ quốc của họ là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận của những doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà. Không ít doanh nghiệp trong nước thành lập doanh nghiệp nhưng lại không thực sự có chuyên môn về lĩnh vực mà họ kinh doanh, thậm chí không am hiểu ngoại ngữ. Vì vậy, các doanh nghiệp này không có kiến thức cả về chuyên môn và ngoại ngữ để giao lưu, tìm cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp nước ngoài. Đây chính là rào cản làm giảm cơ hội cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên có chính sách kiểm tra các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh doanh, xem đối tượng nào thực sự có khả năng kinh doanh, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với doanh nghiệp nước ngoài, tăng khả năng kinh doanh hiệu quả, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.