"Phải coi chất lượng giáo dục là mục tiêu cao nhất "
(ANTĐ) - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh ngành giáo dục phải coi chất lượng giáo dục là mục tiêu cao nhất để hướng tới trong quản lý.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị |
Tại Hội nghị toàn quốc về Chất lượng Giáo dục Đại học (CLGDĐH) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/1,Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện nay phải đối mặt không ít thách thức nhất là khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làn sóng đầu tư nước ngoài đang tăng rất nhanh cả về quy mô và tính chất trong 2 năm trở lại đây. Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng, đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự đánh giá chính xác, xác định thời cơ, tìm ra nhóm giải pháp phù hợp sớm đáp ứng với nhu cầu của quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Sẽ xây dựng 20 trường đại học nghiên cứu
Đề cập tới lộ trình để đại học Việt Nam có tên trong danh sách các trường đại học chất lượng trên thế giới, Phó Thủ tướng cho biết, trong tương lai ngành giáo dục sẽ xây dựng 20 trường đại học nghiên cứu (kết hợp đào tạo và nghiên cứu), đồng thời, thực hiện 3 nhóm giải pháp chính nhằm nâng cao CLGDĐH. Trước hết là hỗ trợ cho các trường đại học nghiên cứu. Từ năm 2008 trở đi sẽ có 1 nhóm hơn 20 trường đại học ứng dụng chương trình và phương pháp giảng dạy của nước ngoài.
Thứ hai, tiến hành hỗ trợ đào tạo tiến sỹ. Trong chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ từ nay đến năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có kế hoạch đào tạo 500 tiến sỹ ngay trong năm 2008. Song song hỗ trợ đào tạo tiến sỹ là thực hiện đổi mới đào tạo, nâng cấp các trường đại học trong cả nước.
Thứ ba là hình thành những trường đại học mới có chất lượng cao hơn. Hiện nay, Bộ GDĐT có 2 dự án trình Chính phủ, trong đó dự án đầu tiên là xây dựng trường Đại học Đức Việt trên cơ sở hợp tác giữa Đại học Quốc gia TP.HCM với Cộng hòa Liên bang Đức. Tháng 9/2008, trường sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa học đầu tiên. Trong năm đầu tiên, hơn 80% giảng viên là người Đức. Giáo trình, công nghệ và chất lượng nước ngoài sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường Đại học Đức Việt. Dự án thứ 2 là hình thành đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội từ Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam bởi đây là cơ sở có số lượng giáo sư, tiến sỹ nhiều nhất cả nước.
Các trường đại học phải sớm công bố chuẩn đầu ra
Một trong số giải pháp nâng cao CLGDĐH là xác định rõ các tiêu chí của CLGDĐH. Theo GDĐT, hiện nay việc đánh giá điều kiện đảm bảo CLGDĐH Việt Nam đã tập trung vào 10 yếu tố chủ yếu liên quan tới toàn bộ hoạt động của nhà trường bao gồm sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường đại học; tổ chức và quản lý; chương trình giáo dục; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học và công tác hỗ trợ người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế đào tạo; cơ sở vật chất; tài chính và quản lý tài chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, các trường đại học phải đặt
Hội nghị đã xem xét thực trạng CLGDĐH Việt Nam trong giai đoạn vừa qua; xác định những định hướng, giải pháp căn bản để nâng cao CLGDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước xu thế hội nhập quốc tế cũng như đề xuất cách tiếp cận, triển khai xếp hạng các trường đại học của nước ta để nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và thế giới. |
ra được lộ trình cụ thể nhằm đạt được 10 tiêu chuẩn trên; thực hiện nghiêm túc đánh giá chất lượng và kiểm định CLGDĐH, đồng thời phải gắn với hội nhập trong đó đánh giá và kiểm định chất lượng đại học của mình cùng với các trường trong khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng yêu cầu, các trường phải công bố sớm chuẩn đầu ra của mình.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bành Tiến Long cho rằng, các trường đại học sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, cần cam kết tham gia xếp hạng và phấn đấu trở thành các trường đại học có uy tín và thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long cho biết đổi mới phương pháp dạy và học là yêu cầu cấp bách đối với các trường đại học. Nhiều trường đã quan tâm đến việc này, nhưng vẫn chưa làm thay đổi được thực trạng chung. Nhiều sinh viên vẫn thích được nghe giảng viên trình bày chi tiết, ngắn gọn để dễ ghi chép. Điều này ảnh hưởng phần nào đến tính xác thực của việc sinh viên đánh giá giảng viên. Rất nhiều giảng viên đang trong tình trạng quá tải nên không có thời gian để đầu tư nghiên cứu và đổi mới nội dung giảng dạy.
Quỳnh Ngân
Theo Website Chính phủ