Phá hủy ổ cứng máy tính của người khác vì bị quay cảnh ái ân, có phạm tội không?

ANTĐ - Sống trong cảnh lo lắng gần một tháng nay, Huỳnh Thu T, quê ở Long An, hiện đang trú tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh chưa biết tương lai của mình sẽ như thế nào khi cô vướng phải một vụ việc liên quan đến pháp luật. 

T vốn là sinh viên của một trường cao đẳng ngành du lịch có quen với anh H, một anh chàng làm quản lý nhà hàng. Vì tình cảm đã đến mức rất sâu đậm, H và T cùng dọn về một phòng trọ để sống thử nên nhiều chuyện dù biết nhưng T vẫn cho qua miễn sao là không làm tổn hại tới tình cảm của hai người.

Trong khoảng thời gian mặn nồng, H đã từng lấy điện thoại quay lại cảnh ái ân của hai người rồi copy vào máy tính để lưu lại. Lúc đó, H nói với T rằng, mai sau khi lấy nhau rồi những hình ảnh này là kỷ niệm giúp mình nhớ về một thời hai đứa yêu nhau thắm thiết. Lúc đó, vì tin nhau, T cũng chẳng có ý kiến gì rồi lại đắm chìm trong hạnh phúc tình yêu.

Rồi đến khi H qua lại với một số cô gái khác, T quyết định chia tay. Khi nói ra lời chia tay, H một mực không đồng ý. Anh chàng này tìm mọi cách năn nỉ T nên nghĩ lại và hứa sẽ từ bỏ tất cả, còn nếu T không quay lại sẽ tung tất cả những hình ảnh mặn nồng của hai người trước đây lên mạng…

Phá hủy ổ cứng máy tính của người khác vì bị quay cảnh ái ân, có phạm tội không? ảnh 1

Sợ những hình ảnh không hay ho bị tung lên mạng. T đã lấy trộm máy tính của gã người yêu để xóa những đoạn hình ảnh đó. T giả vờ đồng ý quay lại. Rồi trong một buổi tối H đón T đi chơi, đến nửa đêm hai người trở về khu nhà trọ cũ. Đến tờ mờ sáng, H đang ngủ rất say, T thức giấc rồi cô lẳng lặng mở máy tính với mục đích sẽ xóa hết những hình ảnh kia.

Nhưng trái khoáy là lúc này H đổi mật khẩu nên cô không sao truy cập được. Không còn cách nào khác, T lấy chiếc laptop cho vào túi rồi lẳng lặng ra về. Mang về nhà, cô dùng thiết bị tháo tung chiếc máy ra rồi lấy phần ổ cứng đập nát để hủy toàn bộ tài liệu bên trong rồi để phần xác máy trong nhà mình.

Đến khi thức giấc H biết T đã lấy đi chiếc máy tính nên đã gọi điện đòi lại. Tuy nhiên lúc này, T đã đập vỡ máy tính của anh H. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Vấn đề cần trao đổi là nghi can T có phạm tội không? Nếu có, phạm tội theo tội danh nào?

Ý kiến bạn đọc

* Đã có hành vi lén lút trộm cắp tài sản

Trong trường hợp này, T đã chủ động lừa dối H, giả vờ quay lại với H để kiếm cớ tiếp cận tài sản là chiếc máy tính. Chờ H ngủ say, T đã lấy máy tính mang ra khỏi nhà H, như vậy hành vi của T là lén lút lấy trộm tài sản của người khác. Hành vi này đã cấu thành tội trộm cắp tài sản. Tùy theo giá trị của chiếc máy tính mà có thể xem xét tới hành vi trộm cắp tài sản của T.

Đỗ Thị Hảo 
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

* T không có động cơ phạm tội

Để nhận định một hành vi có phạm tội hay không phải xem xét đến động cơ của người thực hiện. Trong trường hợp này, chị T không phải lấy chiếc máy tính về để sử dụng hoặc bán đi mà chỉ để phá bỏ những clip mà H lưu trong máy có khả năng làm mất danh dự của T. Một phần nữa T phải lấy chiếc máy tính do sự đe dọa, ép buộc của H. Hành vi này của chị T thuần túy là hành vi tự vệ. Lỗi chính thuộc về anh H, khi chia tay không chịu xóa các clip ân ái giữa hai người. Động cơ của T là để xóa các dữ liệu trong máy chứ không phải để chiếm đoạt tài sản là chiếc máy tính đó.Vũ Giang Lân 
(Thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế)
* Không thể lấy mục đích để biện minh cho hành vi
Nghi can T đã lấy chiếc máy tính đem về nhà và không trả lại được cho anh H. Hành vi này rõ ràng là hành vi chiếm đoạt tài sản của anh H. Lợi dụng lòng tin của anh H đối với mình, nghi can T đã chiếm đoạt chiếc máy tính. Trong các vụ án hình sự, không thể lấy mục đích biện minh cho hành vi, thủ đoạn.

Xét về mặt hành vi, nghi can T đã phạm tội theo tội danh Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo điều 137 Bộ luật Hình sự: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
Huỳnh Đông Phong 
(Bến Lức, Long An)


* Nghi can T phạm tội hủy hoại tài sản
Khi nghi can T lấy chiếc máy tính về nhà, nghi can T đã phá hủy chiếc máy tính. Có thể xem xét vụ án này dưới góc độ nghi can T không có ý định chiếm đoạt chiếc máy tính mà chỉ có động cơ phá hủy phần ghi các clip ân ái giữa mình và anh H. Tuy nhiên việc phá máy tính là tài sản của anh H, khi chưa được sự đồng ý của anh H là hành vi hủy hoại tài sản của người khác.

Khoản 1 Điều 143 (Bộ luật Hình sự), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trong vụ án này, vì có một lý do là có sự đe dọa của anh H, nghi can T lại phạm tội lần đầu, cho nên chắc chắn nghi can T sẽ bị xử phạt hành chính và đền bù chiếc máy tính cho anh H.

Cao Quốc Tuấn 
(Kỳ Anh, Hà Tĩnh)


* Đây chỉ là hành vi phòng vệ chính đáng của chị T

Khoản 1, Điều 15 Bộ luật Hình sự có ghi rõ: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Trong vụ án này, anh H đã ghi và lưu giữ các clip có những hình ảnh có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của chị T, dùng những clip này để gây sức ép, bắt chị T phải tiếp tục quan hệ của tình cảm với mình.

Như vậy, anh H đã có những hành vi xâm hại quyền lợi của chị T và việc chị T chống trả là hành vi hợp lý. Việc phá hủy chiếc máy tính phải coi như đó là hành vi tự vệ, phá hủy vũ khí của người đang xâm hại mình. Chị T không có tội.

Mặt khác nếu chị T tố cáo hành vi của anh H dùng clip xấu để đe dọa ép buộc chị quan hệ tình dục, anh H còn có thể đối mặt với tội danh hiếp dâm. 
Phương Hồng Vân 
(Quận 7, TP.HCM)


Bình luận của luật sư

Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta thấy ở đây có một hành vi có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi nghi can T, nhân lúc chủ sở hữu tài sản là anh H ngủ say đã lấy chiếc máy tính của anh H đem về nhà mình. Sau đó nghi can có phá hủy phần cứng và không trả lại máy tính cho anh H.

Nhưng vụ án trở nên rắc rối khi có sự việc anh H đe dọa sẽ tung clip nóng của hai người lên mạng internet. Cần xem xét cả hai hành vi này vì chúng có quan hệ hữu cơ với nhau. Về hành vi của anh H, nếu anh H đã tung clip nóng giữa hai người lên mạng internet, thì hành vi của H sẽ cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS và tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại điều 253 BLHS.

Cụ thể: Theo quy định tại Điều 121 BLHS thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo quy định tại điều 253 BLHS thì người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp có số lượng lớn; phổ biến cho nhiều người thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Trường hợp phạm tội gây hâu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong vụ án này, anh H chưa thực hiện việc tung clip lên mạng mà chỉ nói với nghi can, lời nói này cũng không có chứng cứ. Như vậy, trong trường hợp này, anh H mới chỉ đe dọa chị T mà chưa thực hiện hành vi tung ảnh nóng trên thực tế. Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện nay thì hành vi đe dọa tung ảnh ân ái nhằm mục đích buộc chị T quay trở lại với H không cấu thành tội phạm.

Đối với hành vi của nghi can T, theo nội dung vụ việc thì T vì lo lắng anh H sẽ tung những hình ảnh nhạy cảm lên mạng đã lập mưu để lấy trộm laptop của anh H có chứa những hình ảnh nhạy cảm này.

Ở đây, chị T đã thực hiện việc lấy cắp chiếc laptop của anh H nên đã cấu thành hành vi “Trộm cắp tài sản”. Theo Điều 138 BLHS thì người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính vì hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Với những người có nhân thân tốt, lại phạm tội lần đầu, đã kịp thời khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS vì thế sẽ được hưởng những khoan hồng của pháp luật thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trong vụ này, nghi can T không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì hành vi của nghi can T là vụng trộm, anh H không biết, không công nhiên và anh H cũng không phải biết mà mất khả năng ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản. Nghi can T cũng không phải phạm tội hủy hoại tài sản vì lúc nghi can T phá hủy phần cứng chiếc máy tính, nghi can T đã chiếm đoạt xong tài sản của anh H.
 Luật sư Nguyễn Văn Hướng
 (Đoàn Luật sư Hà Nội)