Ông lão bỏ nhà tiền tỷ vì tình yêu với bà nhặt ve chai

ANTĐ - Họ đã đến với nhau ngót nghét chục năm, thời gian chưa quá dài nhưng cũng đủ để minh chứng rằng họ thực sự yêu nhau và cần có nhau.

Mối tình của bà Đỗ Thị Huyền (thường gọi bà Hiền, 66 tuổi) và ông Tống Văn Dinh (73 tuổi) như bản tình ca đẹp giữa cuộc sống xô bồ chốn đô thị. Ông từ bỏ nơi ấm êm, để lang thang cùng bà, để chia sẻ những khó khăn, để đồng cảm vượt qua mọi định kiến, địa vị của xã hội. Tình yêu của họ chứng minh cho một tình yêu đẹp, điều mà tưởng chừng ở xã hội này là rất xa xỉ.

Tình yêu từ thanh sắt

Trời lại trở lạnh. Những cơn mưa phùn thấu da thấu thịt. Thời tiết như vô cảm với đôi tình nhân già. Ông ngồi co ro bên bà chốc chốc lại nhắc nhở: “Cái bà Hiền này, cài cúc áo vào cho đỡ lạnh”. Có lẽ chỉ thế thôi bà đã thấy ấm lòng, thấy mình được an ủi và yêu thương. Còn ông chỉ cần nhìn vào ánh mắt và nụ cười của bà cũng thấy mình thật hạnh phúc. Cứ như thế họ đã sống bên cạnh nhau, yêu thương nhau, chia sẻ với nhau về cuộc sống mà chẳng có gì để làm điểm tựa ngoài hai trái tim khát khao yêu thương.

Thấy người lạ, bà Hiền vội vã lấy chiếc giẻ ướt lau qua lau lại tấm gỗ người ta bỏ đi rồi mời chúng tôi vào “nhà”. Ban ngày, “nhà” của ông bà chỉ đơn thuần là một tấm gỗ ép, diện tích đủ để cho hai người có thể nằm sát vào nhau. Khi đêm xuống, “ngôi nhà" ấy mới được gia cố bằng cách quây những miếng gỗ mỏng xung quanh, bên trên là một chiếc ô to che sương che gió. “Nhà” được dựng ngay giữa một đống rác, cạnh một cây đa cổ thụ rất to. Ông Dinh cười cười nói: “Ở đâu có vợ có chồng ở thì đó là nhà, đây là nhà của chúng tôi”. Nhìn vào “ngôi nhà” ấy chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hoàn cảnh của ông Dinh và bà Hiền có lẽ cả khu phố quanh hồ Hoàng Cầu ai cũng biết. Người thì thương hại, có kẻ dè bỉu, khinh bỉ, mỉa mai, nhưng cũng có người lại thán phục tình cảm của họ...

Hơn sáu mươi năm vắt qua cuộc đời, từng đó là đủ để mỗi con người nếm trải những đắng cay, ngọt bùi. Với bà Hiền những tháng ngày cuối đời được sống bên ông Dinh là những tháng ngày hạnh phúc nhất, ngọt ngào nhất. Cho dù để có được những tháng ngày bên nhau hai ông bà đã phải trả cái giá thật đắt. Cho đến bây giờ ông bà cũng không thể nhớ họ đã phải chuyển “nhà” biết bao lần. Cứ chỗ nào đang xây dựng thì ông bà đến, hết công trình ông bà cũng nhổ “nhà” theo. “Bờ hồ này tôi và ông ấy sống với nhau cả chục năm rồi. Chúng tôi ở đây lâu là vì chỗ này có cái chợ, hơn nữa nó cũng có không gian đặc biệt” - Bà Hiền nói. Cái không gian đặc biệt đó được ông giải thích rằng, mỗi lần tất bật kiếm sống trở về hai vợ chồng lại được ngồi bên nhau giữa trời đất, ngắm mặt hồ gợn sóng, người xe qua lại, họ lại ấm áp trái tim yêu thương.

Hai vợ chồng bà Đỗ Thị Huyền và ông Tống Văn Dinh.

Đã chục năm trôi qua nhưng ông Dinh và bà Hiền còn nhớ như in cái buổi “tình cờ” ông bà gặp nhau. Một buổi chiều muộn, mặt trời đã lặn, bà Hiền lê những bước chân mệt mỏi vì chẳng nhặt nhạnh được gì nhiều sau một ngày vất vả thì vô tình gặp một người đàn ông già đi ngược chiều. “Nhìn bộ dạng bà Hiền, tôi đoán ngay bà ấy làm nghề nhặt rác. Thế là tiện tay đang cầm một thanh sắt dài chừng một mét tôi cho bà ấy luôn. Rồi chả hiểu sao cứ đi theo bà ấy, chuyện trò, hỏi han đủ thứ chuyện” - Ông Dinh kể lại.

Có lẽ đây là món quà cho lần đầu gặp mặt và cũng là món quà vật chất duy nhất ông tặng bà cho đến ngày nay. Kể từ đó, bà Hiền không quên được ánh mắt của ông, ngày nào cũng vậy trên đường đi nhặt rác về, bà đứng đó chờ ông. Có hôm bà đã bắt gặp ông chờ ở đó rồi. “Tôi có biết ông ấy là ai đâu, chỉ biết ông ấy tên là Tống Văn Dinh” - Bà Hiền nói. Tuy tuổi đã cao nhưng cả ông lẫn bà cũng không tránh khỏi những giây phút bỡ ngỡ, ngượng ngùng khi gặp nhau. “Lúc đầu cũng ngại lắm chứ, mãi tôi mới dám nói với bà ấy là: Trưa nắng thế này bên cạnh đường có bụi chuối, bà vào nghỉ chân cho mát” - Ông Dinh hồi hộp kể.

Thế rồi từ đó, ông với bà bắt đầu chia sẻ cho nhau những chuyện quá khứ, chuyện gia đình. Biết vợ ông Dinh đã mất cách đó vài năm, ông có bốn người con. Các con của ông đều đã trưởng thành và yên bề gia thất. Bà đã quyết định theo ông, sống với ông nốt quãng đời còn lại. Ông đưa bà về nhà nhưng các con ông phản đối kịch liệt và nhất quyết không chịu cho ông gắn quãng đời còn lại với người đàn bà nhặt rác. Trước sự quyết liệt của các con và trước tình yêu đang ngày một lớn lên với bà Hiền, ông Dinh quyết định ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, cốt sao mãi mãi được ở bên người mình yêu thương.

Chẳng cần nhà cao cửa rộng, cũng chẳng cần ăn ngon mặc đẹp, họ cứ gắn chặt vào nhau như duyên tiền định. Mùa hè nóng bức họ lại nằm cạnh nhau bên hồ, nghe sóng vỗ vào bờ ì oạp, đông sang kiếm mấy cái chăn cũ, màn rách, nằm ở góc đường mà ngủ ngon lành. Hai thân già đã sống bên nhau dù đến một túp lều tranh cũng chẳng có vậy mà chưa bao giờ họ lời qua tiếng lại với nhau. “Ông ấy thương tôi lắm, chẳng khi nào to tiếng. Chúng tôi lang thang, vạ vật đầu đường xó chợ nhưng được cái người ta thương, chẳng ai mắng mỏ hắt hủi gì. Cuộc sống tuy vất vả nhưng quen rồi, miễn là tôi và ông ấy sống với nhau hết cuộc đời này”. Bà Hiền rưng rưng tâm sự. Tôi hỏi bà mười năm có dài không? Bà nhìn về vô định rồi lắc đầu, có lẽ khi người ta sống ngập tràn trong tình yêu thương thì thời gian cũng chẳng còn nghĩa lý gì.

Tình già giản dị

Ở hồ Hoàng Cầu ai mà không biết “vợ chồng” ông Dinh, bà Hiền. Thế nhưng có mấy ai biết người đàn bà tên Hiền đó có một quá khứ thật cay đắng, thật tủi nhục. Bà Hiền tên thật là Đỗ Thị Huyền quê Thái Bình. Mười lăm tuổi lấy chồng, người chồng đầu tiên của bà là Nguyễn Văn Vân. Hồi mới lấy chồng, cũng như bao cô gái khác, đang tuổi ăn tuổi lớn nên chẳng biết gì, chỉ biết làm lụng vất vả để lo cho cuộc sống gia đình. Lúc bấy giờ hai vợ chồng cùng làm chiếu xuất khẩu ở Hợp tác xã Hữu Nghị, thị xã Thái Bình. Mấy năm sau, hai vợ chồng lên Hà Nội, bà xin làm cấp dưỡng ở Trường Lý luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa (nay là Trường Đại học Văn Hóa), còn chồng làm bảo vệ.

Quãng thời gian sống với người chồng cũ là những tháng ngày đớn đau, ê chề cả về thân xác lẫn tinh thần. Bà Hiền không nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng. Thấy bà bị đánh nhiều quá, nhiều người đã khuyên bà nên rời bỏ con người đó nếu không muốn một ngày sẽ bị chết dưới tay kẻ vũ phu. Cuối cùng, dù đau đớn, dù thương con nhưng bà vẫn phải chọn giải pháp ly hôn, mỗi người một đường, hai đứa con về ở với bà ngoại. Sau cuộc hôn nhân không lành lặn, bà bị khủng hoảng tinh thần sau đó là chán nản, xin nghỉ việc rồi lang thang nay đây mai đó. Bước chân phiêu bạt đưa bà vào làm giúp việc cho một số gia đình.

Còn ông Dinh đã từng có một đời vợ, bốn người con nay đã trưởng thành. Nhưng như sự run rủi của số phận, tình yêu với bà Hiền đã khiến ông bỏ đi tất cả cơ ngơi và cuộc sống sung túc để về với bà. Trước kia ông Dinh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường phía Nam, sau đó trở về làm công nhân tại một công ty chế tạo máy cơ khí. Làm được một thời gian ông xin nghỉ một cục nên cũng chẳng có lương hưu hay chế độ gì của nhà nước. Ông cười móm mém tâm sự: “Tuổi già, tôi cần có người chăm sóc, các con ai cũng có gia đình riêng. Vợ tôi mất lâu rồi, tôi muốn có một người chia sẻ về cuộc sống khó khăn nhưng chẳng hiểu sao các con lại phản đối”.

 

Nhiều người nói ông “dở hơi”, “hâm”. Tôi thì kính trọng và càng mến ông bởi tình yêu đẹp của ông bà. Bao nhiêu kẻ nhà giàu nhưng vẫn khóc. Còn ông bà dù chỉ “túp lều tranh” mà hạnh phúc. Trước kia vài năm, khi ông Dinh còn khỏe, thỉnh thoảng ông lại về Thanh Hóa thăm quê. Mỗi lần ông Dinh đi, bà Hiền lại thấy lòng mình trống trải. Mảnh gỗ bé cũng trở nên rộng thênh thang khi thiếu đi người chung chăn sẻ gối. Mỗi lần như thế bà Hiền càng cảm thấy rõ hơn có được ông Dinh bên cạnh chính là điều hạnh phúc nhất.

Mỗi ngày ở nơi ấy người ta thấy một ông già xách bơm ra ngồi ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày kiếm đôi đồng để dành. Và người đàn bà lục tục đi nhặt rác, mỗi ngày kiếm được khoảng mươi, mười lăm nghìn, cũng đủ cho cuộc sống hiện tại. Trưa về, ăn đại bát mì tôm, ngủ một lúc rồi chiều lại tiếp tục công việc của buổi sáng: Tối đến, khi ánh đèn đường bắt đầu được bật cũng là khi ông bà lọ mọ mang ghế ra ngồi bán nước. Ông hì hục lấy củi đun nước. Cạnh đấy là mấy cái ống cống nơi bà quây gỗ che làm bếp. Lúc tắm rửa thì quây nilon xung quanh.

Trước đây khi hồ chưa nạo vét thì giặt quần áo tại hồ, nay thì vào nhà dân, xin vài xô nước vừa nấu ăn, vừa giặt giũ. Mà mùa đông, cũng không dùng nhiều lắm. Khi đêm xuống, những quán bán nước lục đục dọn về cũng là lúc vợ chồng chăng màn lên ngủ. Trước đây, những lúc mưa to gió lớn, vợ chồng ông bà kéo nhau chui vào ống cống nhưng dạo này, bà che được cái lán nhỏ, thế là vợ chồng có nơi trú ngụ. “Những lúc mưa to, ngập cả đường vợ chồng tôi lại bảo nhau chèn cao gạc cho nước khỏi vào nhà. Nói thì nói vậy thôi nhưng những hôm mưa bão thì ướt hết cả. Cũng chỉ biết ngồi ôm nhau cho qua đêm đến sáng thôi” - Ông Dinh bùi ngùi kể.

Thấy ánh mắt tôi ái ngại khi nhìn vào “căn nhà” của ông bà, ông Dinh cười buồn tâm sự: “Công trình này thấy bảo gần xong rồi. Cũng chẳng biết sau đó đi đâu. Thôi cũng đành, miễn sao có bà ấy bên cạnh thôi cháu ạ”. Đã hơn một năm rồi ông cụ không còn vá xe, bơm xe cho người ta nữa, phần vì bây giờ ít ai đi xe đạp, phần vì ông cũng già yếu. Tất cả lại phải dựa vào bà.

Bà Hiền cười sảng khoái, khoe với chúng tôi: “Hôm mồng 8 tháng 3 vừa rồi ông ấy tích cóp mua được mấy nghìn xôi cho tôi đó, ông nói đó là quà cho ngày quốc tế phụ nữ”. Thế đấy! Hạnh phúc của họ thật giản dị nhưng cũng thật đẹp, nó đã vượt qua tất thảy rào cản vật chất. Có lẽ những ai đã từng gặp, trò chuyện với ông Dinh bà Hiền đều có chung những nỗi niềm như một người trẻ là tôi. Năm nay mùa đông sao dài lê thê, tháng ba rồi còn lạnh se sắt. Nhưng ở nơi này vẫn có những trái tim ấm nóng đang dìu nhau đi qua những ngày tê tái.