Ổ nhóm tội phạm thao túng chứng khoán bằng thủ đoạn tinh vi

ANTD.VN - Bỏ tiền ra mua một công ty “chết”, Dĩnh và đồng phạm “phù phép” để doanh nghiệp hoạt động trên giấy tờ. Và cái đích mà ổ nhóm tội phạm này hướng tới chính là “móc túi” hàng nghìn nhà đầu tư thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

Trần Hữu Tiệp (trên cùng, bên phải) và các bị cáo liên quan

TAND TP Hà Nội những ngày đầu tháng 5-2019 vừa rồi đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án thao túng chứng khoán tinh vi nhất từ trước tới nay. Tiến hành xét xử, Tòa án Hà Nội đã triệu tập 1.065 bị hại đến phiên tòa nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó đến tham dự. 

Các bị cáo bị đưa ra xét xử là Trần Hữu Tiệp (SN 1983) - nguyên Chủ tịch Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền trung MTM (gọi tắt là Công ty MTM). Kế đến là Vũ Thị Hoa (SN 1970), trú ở phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội và Nguyễn Lê Trường (SN 1980, ở xã Gia Lâm, Lâm Hà, Lâm Đồng). Cả 3 cùng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm  đoạt tài sản”. Liên quan, Nguyễn Văn Dĩnh (SN 1965) - nguyên Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Nari Hamico và 4 bị cáo bị truy tố về tội “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức”. Riêng Bùi Thiện Lý (SN 1988, trú xã Đông Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Đỗ Hữu Tài (SN 1992, ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cùng bị xét xử về tội “Thao túng giá chứng khoán”. Ngoài ra, 4 bị cáo từng là cán bộ của 2 ngân hàng trên địa bàn Hà Nội thì bị xem xét trách nhiệm về tội “Giả mạo trong công tác”.

 “Phù phép” doanh nghiệp “chết”... 

Theo cáo trạng cùng diễn biến phiên tòa, Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền trung MTM được thành lập năm 2007, tại Nghệ An và do ông Nguyễn Văn Hùng làm giám đốc với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Tháng 1-2008, Công ty MTM được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ chì kẽm, thuộc huyện Quỳ Hợp, trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sau đó không tiến hành khai khoáng và về cơ bản là không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tháng 8-2018, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng và sở hữu giấy phép khai thác mỏ ở Nghệ An. Mua lại doanh nghiệp, Dĩnh nhờ người thân đứng tên giám đốc, đồng thời tiến hành thăm dò tài nguyên khoáng sản và phát hiện hàm lượng quặng rất thấp. Biết chắc là sẽ thua lỗ nên Dĩnh không khai thác quặng và ngừng hoạt động doanh nghiệp. Ngày 9-1-2013, giấy phép khai khoáng của Công ty MTM cũng hết hạn.    

Trước việc bỏ tiền ra mua phải công ty “chết”, Dĩnh chuyển hướng sang làm ăn bậy bạ nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Và để thực hiện được mục đích của mình, đối tượng đã lôi kéo, chỉ đạo đồng phạm làm giả hàng loạt giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp muốn được niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán thì phải đáp ứng đầy đủ rất nhiều điều kiện ngặt nghèo. Trong đó, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp đạt 30 tỷ đồng trở lên; phải có bản cáo bạch; phải có báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký niêm yết được kiểm toán chấp nhận. Ngoài ra, đối với công ty đại chúng quy mô lớn còn phải có báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán soát xét...           

Trong khi ấy, sở hữu Công ty MTM, Dĩnh biết rất rõ doanh nghiệp của đối tượng không có vốn và không hoạt động sản xuất kinh doanh gì nên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hiên và Ngô Văn Hiến (Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc – cũng là doanh nghiệp của Dĩnh) làm giả danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của Công ty MTM với 103 cổ đông (sở hữu 31 triệu cổ phần, tương tương 310 tỷ đồng). Thực tế những người này đều không góp vốn và đều là những người thân quen của Dĩnh và bản thân đối tượng cũng không có tên trong danh sách cổ đông.

Tiếp đến, Dĩnh cùng đồng phạm làm giả chứng từ tăng “vốn thực góp” lên 310 tỷ đồng bằng cách viết phiếu thu tiền mặt của cổ đông là 44,9 tỷ đồng và làm giả chứng từ góp vốn hơn 255 tỷ đồng qua tài khoản của Công ty MTM mở tại ngân hàng; làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, phiếu thu, phiếu chi và chứng từ ngân hàng giữa Công ty MTM với hàng loạt doanh nghiệp do Dĩnh điều hành, quản lý hoặc là cổ đông góp vốn... Với rất nhiều hồ sơ, giấy tờ được làm giả, đồng thời được sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng, Công ty MTM nhanh chóng nổi lên là doanh nghiệp làm ăn rất hiệu quả và có lợi nhuận lớn, tài sản, tiền nong lên đến hơn 485 tỷ đồng.

Chồng vào tù, vợ nối gót theo chân   

Bằng “thuật phù phép” nêu trên, ngày 23-12-2014, Dĩnh chỉ đạo Giám đốc Công ty MTM ra công văn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận doanh nghiệp của đối tượng là công ty đại chúng và đã nhanh chóng được chấp thuận. Tiếp đến ngày 28-5-2015, đối tượng cầm đầu ổ nhóm tội phạm thao túng chỉ đạo Giám đốc Công ty MTM đề nghị cơ quan chức năng cho đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM. Tuy nhiên chỉ ngay hôm sau, Dĩnh bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác do làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay. Ở vụ án này, Dĩnh cũng đã bị tòa án ở Thái Nguyên kết án và chấp hành án phạt tù. 

Khi Dĩnh vướng lao lý trong vụ án ở Thái Nguyên, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Nhưng chỉ đến tháng 6-2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) đã thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán. Và để “qua mắt” được các cơ quan quản lý về giao dịch chứng khoán, Tiệp bàn bạc với đồng bọn làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phần MTM trên “thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết” (Upcom).

Bởi các đối tượng này thừa biết rằng nếu đăng ký niêm yết lại với hồ sơ cũ trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ khó được chấp thuận, do Công ty MTM đã từng rút hồ sơ niêm yết. Sau đó, để quản lý và thuận tiện khi làm thủ tục đăng ký giao dịch Upcom, Tiệp cùng đồng bọn đã làm giả hồ sơ đại hội đồng cổ đông và thay đổi nhân sự chủ chốt của Công ty MTM. Theo đó, Tiệp làm chủ tịch HĐQT, còn Nguyễn Lê Trường làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. 

Về phần Vũ Thị Hoa, dù biết rõ Công ty MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh gì nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ doanh nghiệp cho Tiệp với thỏa thuận - nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỷ đồng vốn thực góp...

Tài liệu truy tố cùng các lời khai tại phiên tòa cho thấy, tính đến trung tuần tháng 6-2016 (thời điểm trò “ma mãnh” của Công ty MTM bị phát hiện) đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp. Trong đó, hơn 800 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại. Bằng thủ đoạn tinh vi nêu trên, Trần Hữu Tiệp và đồng phạm đã rút ra và chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tổng cộng hơn 53 tỷ đồng. Ngoài ra, Trần Hữu Tiệp còn có hành vi lừa bán cổ phiếu MTM cho 2 người để chiếm đoạt 355 triệu đồng.

 Sau 3 ngày xét xử vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị tuyên phạt Trần Hữu Tiệp tù chung thân; Vũ Thị Hoa từ 14 năm đến 15 năm tù và Nguyễn Lê Trường từ 8 năm đến 9 năm tù, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với tội “Thao túng giá chứng khoán”, Bùi Thiện Lý và Đỗ Hữu Tài bị đề nghị áp dụng cùng mức án từ 30 tháng đến 36 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Với tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”, Nguyễn Văn Dĩnh bị đề nghị xử phạt từ 4 năm đến 5 năm tù. Sau cùng, 9 bị cáo còn lại (trong đó phần lớn là các cựu cán bộ ngân hàng) lần lượt bị đề nghị xử phạt ở mức thấp nhất là từ 9 tháng đến 12 tháng tù (hưởng án treo) và cao nhất là từ 30 tháng đến 42 tháng tù, theo từng tội danh tương ứng. Về dân sự, đại diện VKS đề nghị tòa án buộc bị cáo Tiệp phải bồi thường 12 tỷ đồng đã chiếm đoạt và bị cáo Hoa phải bồi thường hơn 4 tỉ đồng.