Ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt ngân hàng với thủ đoạn tinh vi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm ăn thua lỗ, Hảo liên thủ với "nữ quái" để cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ chiếm đoạt tiền của hàng loạt tổ chức tín dụng với thủ đoạn tinh vi.

Trong các ngày 23 và 24-8, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Phạm Văn Hảo (SN 1988, trú ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội); Nguyễn Thị Phương Nga (SN 1998, ở xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, Bắc Giang) cùng 9 đồng phạm về các tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Quá trình xét xử, Tòa án Hà Nội làm rõ Phạm Văn Hảo là đối tượng kinh doanh ô tô vận tải hành khách và quen biết Nguyễn Thị Phương Nga. Khoảng đầu năm 2019, do làm ăn thua lỗ, cần tiền chi tiêu, Hảo bàn với Nguyễn Thị Phương Nga thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Ổ nhóm lừa đảo hàng loạt ngân hàng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Ổ nhóm lừa đảo hàng loạt ngân hàng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Theo phân công, Nga có trách nhiệm tìm và thuê người lứa tuổi từ 20-25 hoặc nhờ người thân quen và yêu cầu họ cung cấp ảnh thẻ. Hảo lên mạng Facefook liên hệ với đối tượng không rõ lai lịch làm giả giấy tờ gồm: CMND, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng mua ô tô.

Khi đã được giải ngân và nhận lại ô tô, các bị cáo tiếp tục làm giả đăng ký xe ô tô để thế chấp vào ngân hàng khác hoặc cầm cố cho các cá nhân để vay tiền rồi chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 3-2017 đến tháng 4-2020, đường dây do Hảo cầm đầu đã chiếm đoạt hơn 16,5 tỷ đồng của các ngân hàng và 5 cá nhân gồm: VPBank, Pvcombank, VIB, TPBank, Bắc Á Bank, ABBank, BIDC, Eximbank, Seabank và Public Bank.

Đơn cử khoảng tháng 2-2019, Hảo đặt mua trên mạng CMND mang tên Mai Văn Đại rồi dán ảnh của Phạm Đức Huỳnh. Bị cáo tiếp tục đặt mua giấy tờ giả gồm căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hợp đồng cho thuê xe ô tô mang tên Mai Văn Đại rồi đưa cho Nga.

Tiếp đó, Hảo liên hệ với nhân viên Công ty CP ô tô Trường Hải để mua chiếc xe ô tô Fuso Rosa với giá 1,01 tỷ đồng.

Hảo lấy tên Mai Văn Đại để liên hệ với anh Hoàng Minh Đức (SN 1987, nhân viên Ngân hàng Bắc Á, chi nhánh Thăng Long) để vay vốn mua ô tô. Bị cáo cũng cung cấp cho anh Đức hồ sơ vay vốn nhưng tất cả đều là giấy tờ giả.

Ngân hàng Bắc Á sau đó phát hành công văn bảo lãnh cho khoản tiền mua xe ô tô gửi Công ty Trường Hải. Nhận được văn bản này, Công ty Trường Hải đã bán chiếc ô tô trên cho Hảo.

Theo kế hoạch, Phạm Đức Huỳnh (SN 1992, trú ở Nam Định và là bị cáo trong vụ án) đóng giả là Mai Văn Đại để đi cùng anh Đức làm thủ tục đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội và nhận biển kiểm soát 29B-308.06.

Ngày 20-3-2019, Huỳnh tiếp tục làm “diễn viên” đến ngân hàng để ký hợp đồng vay 945 triệu đồng với tài sản thế chấp là chiếc ô tô trên. Sau khi nhận giấy đăng ký xe ô tô, Huỳnh làm thủ thuật “đánh tráo” biển số xe làm giả từ trước để đưa cho nhân viên ngân hàng, còn bản thật bị cáo giữ lại để tiếp tục đem thế chấp tại ngân hàng khác.

Vẫn giả danh Mai Văn Đại, Hảo liên hệ với chị Cao Thị Mỹ Duyên (SN 1995, nhân viên TPBank) hỏi về việc thế chấp xe ô tô để vay vốn ngân hàng.

Với thủ đoạn cũ, Hảo xuất trình các giấy tờ giả. Để không bị ngân hàng phát hiện, Hảo sửa chữa chữ E thành chữ F trong hàng chữ số khung xe trên phiếu xuất xưởng và hóa đơn giá trị gia tăng.

Bằng thủ thuật ấy nên khi ngân hàng kiểm tra qua CIC không phát hiện ra chiếc xe ô tô Fuso Rosa nêu trên đã bị thế chấp vào ngân hàng khác. Hảo và đồng bọn sau đó đã được TPBank giải ngân 805 triệu đồng.

Ngoài ra, Hảo còn cùng đồng bọn"qua mặt" các nhân viên Ngân hàng Public Bank. Theo đó, đầu tháng 3-2020, Hảo và Nga lấy tên giả để thuê căn hộ Rice City Linh Đàm. Bộ đôi này nghĩ cách thế chấp căn hộ trên để vay tiền ngân hàng mua ô tô.

Lần này, các bị cáo thuê Lưu Văn Cường (SN 1993, ở Thái Bình) - nhân viên cắt tóc đứng tên trên hợp đồng với cái tên giả mạo Lưu Văn Tám, đồng thời hướng dẫn Cường cách thức tiếp xúc với nhân viên ngân hàng.

Sau khi làm giả giấy tờ và hoàn tất công việc chuẩn bị, ngày 1-4-2020, Cường đến ngân hàng để hỏi vay vốn. Cường tự xưng là Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Kinh doanh thương mại xăng dầu Mipec và có nhu cầu mua xe ô tô Nissan Terra Petro tại Công ty TNHH ô tô Nissun nên muốn vay 700 triệu đồng.

Trong thời gian chờ ngân hàng duyệt thủ tục vay tiền, Hảo gọi điện cho nhân viên ngân hàng này, đổi giọng nói và tự nhận là Thư, nhân viên Công ty TNHH ô tô Nissun để hỏi thủ tục giấy tờ, xác nhận thủ tục mua bán xe của khách hàng Lưu Văn Tám.

Sau khi thẩm định, ngân hàng giải ngân cho Cường vay 600 triệu đồng. Số tiền này phải giải ngân vào tài khoản Công ty Nissun và thực chất các bị cáo đã làm giả tài khoản để rút tiền... Các bị cáo sau đó còn tiếp tục dùng căn hộ trên để vay Seabank vay 700 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền mà ổ nhóm tội phạm này chiếm đoạt lên đến hơn 16,5 tỷ đồng. Trong đó, bộ đôi Hảo và Nga chia cho đồng bọn hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện, các bị cáo mới khắc phục hậu quả được hơn 1 tỷ đồng.

Xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tinh vi để chiếm đoạt số tiền rất lớn của các ngân hàng nên TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Văn Hảo 25 năm tù cả về 2 tội danh.

Với trò chủ mưu nhưng thấp hơn Hảo, Nguyễn Thị Phương Nga bị tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Các bị cáo liên quan cũng lần lượt bị áp dụng từ 8 năm 6 tháng tù đến 15 năm tù về các tội danh bị đưa ra xét xử.