Ô nhiễm... hành vi

ANTĐ - Năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Không biết đến cuối năm nay, khi kết thúc 365 ngày sẽ tổng kết được những thành tích gì, có ghi nhận giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương? Đặc biệt là sự chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông, hành vi ứng xử, văn hóa giao thông liệu có thực sự tạo nên một bước đột phá? Ngay khi bước vào “Năm An toàn giao thông”, dư luận xã hội đã liên tục bị “choáng váng” bởi hàng chục vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên không thể chấp nhận lời nói của ông Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt “đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân”. Đương nhiên, ông Tổng giám đốc có lý khi cho rằng, mỗi người cần có ý thức hơn, để ý khi tham gia giao thông một chút thì chắc chắn TNGT đường sắt sẽ giảm.

 Cũng theo ông Tổng giám đốc này, tai nạn xảy ra, đừng đổ lỗi cho bên này, bên kia, mà cần tìm nguyên nhân để cùng rút kinh nghiệm. Nếu nói như vậy thì hóa ra là ngược lại lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải: Địa phương nào để xảy ra TNGT nghiêm trọng thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm? Có lẽ vì chưa có vụ tai nạn nào quá kinh khủng cho nên chưa có ai bị xử lý trách nhiệm? Có bao nhiêu nguyên nhân đã được trình ra để “rút kinh nghiệm”, để số vụ tai nạn, số người bị thiệt mạng giảm rõ rệt trong “Năm ATGT” này? Câu hỏi đó dành cho cơ quan quản lý ngành giao thông. Về phía xã hội, phải thừa nhận rằng, cách ứng xử của nhiều cá nhân trước cộng đồng ngày càng xuống cấp trầm trọng, hành vi thiếu văn hóa ngày càng lây lan. Thế nhưng, hành vi ứng xử có văn hóa lại cần có một môi trường trong lành để tồn tại và phát triển. Trong cuộc sống đô thị, nhất là trong giao thông ở Hà Nội, TP.HCM, môi trường của hành vi không những thiếu “đất” để phát triển, mà còn đang bị ô nhiễm hơn cả khói bụi, khí thải ô tô, xe máy.

Chẳng hạn, nếu vỉa hè, lề đường bị lấn chiếm, thì người ta buộc phải đi dưới lòng đường. Có mười người cũng cuốc bộ dưới lòng đường, nhưng chỉ có một người có ý thức cố đi trên vỉa hè thì bị coi là “không bình thường”. Tương tự, khi mọi người cùng thản nhiên vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều vì thấy không có CSGT, mà một vài người dừng lại, lập tức sẽ bị cho là “đầu có vấn đề”. Như vậy là, môi trường ứng xử đã bị ô nhiễm nặng, hành vi có văn hóa trở nên lạc lõng, đơn độc, thay cho hành vi sai trái. Có thể dẫn ra hàng loạt bằng chứng cho thấy, sự ùn tắc, kẹt xe trong thành phố hoặc đô thị, không chỉ gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, mà nguy hại hơn còn làm vẩn đục, “đầu độc” môi trường của hành vi và ứng xử.

Ở những “điểm đen” ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, hầu như ai ai cũng bị đẩy vào dòng xe cộ kẹt cứng và dù muốn, dù không, có ý thức hay vô ý thức đều buộc phải cố tranh giành từng mét, từng khoảng trống hẹp để “thoát thân”. Hành vi nhường đường và nhường nhịn đã bị triệt tiêu. Tâm trạng dồn nén, bức bí và bực tức bao trùm toàn bộ đám đông. Người ta sẵn sàng nổi cáu, gây gổ, thậm chí đánh nhau chỉ vì những va chạm hoặc va quẹt nhẹ. Mang tâm trạng căng thẳng đó về gia đình, với bao nỗi mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, người ta có thể trút vào đâu? Liệu đã có nghiên cứu, đánh giá nào về tác động và ảnh hưởng nguy hại của giao thông đến nhân cách của người dân đô thị?

Giảm tai nạn giao thông, giảm thiệt hại về người và của là mục tiêu chính của “Năm an toàn giao thông”. Song làm cách nào để giảm “ô nhiễm” hành vi, ứng xử của người tham gia giao thông cũng như của cả xã hội?