Nuôi dưỡng hay tận thu?

ANTD.VN - Để bảo vệ đề xuất tăng gấp đôi khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ mức cao nhất 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều lý lẽ, song đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản bác khi khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là chưa phù hợp.

Một trong những cái lý được Bộ Tài chính đưa ra là theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ thì mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Việt Nam cần được điều chỉnh từ 10.000 đến 20.000 đồng/lít. Lập luận này cũng giống như khi đề xuất phải tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với thông lệ quốc tế vì mức của Việt Nam thấp hơn EU.

Bản thân Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, việc so sánh về tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam với một số nước đang ở mức thấp để làm căn cứ điều chỉnh mức thuế là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân Việt Nam vốn thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ đó dẫn đến chi phí cho xăng dầu so với thu nhập của người dân chiếm tỷ trọng rất cao.

Thời gian qua nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo hệ lụy và hậu quả về việc thuế tận thu. Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ ảnh hưởng ngay đến toàn bộ nền kinh tế, là “đòn giáng” mạnh khiến doanh nghiệp thêm kiệt sức trong khi các chi phí đầu vào, và gánh nặng tài chính ngày càng đè nặng.

Nên nhớ rằng, tổng các thuế phí mà một lít xăng phải “cõng” lên tới 8.825 đồng, có nghĩa là khoảng 50% giá xăng. Như vậy không chỉ doanh nghiệp mà mỗi người dân đang phải oằn lưng gánh nhiều tiền thuế phí cho mỗi lít xăng. Nay tăng thêm một đồng vào mỗi lít xăng là trút thêm gánh nặng đối với người dân, tăng đầu vào khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ “té nước theo xăng”.

Xăng dầu là đầu vào của hầu hết mọi ngành kinh tế. Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thực chất là để tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, giải pháp này, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách là khó thuyết phục được dư luận và sự đồng tình của xã hội. Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách không có nghĩa là chỉ chăm chăm tăng thuế cao khiến sức dân, sức doanh nghiệp càng thêm cạn kiệt. Rõ ràng là giải pháp lợi bất cập hại. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, ngành thuế nên áp dụng nguyên tắc “bỏ con tép, bắt con tôm” thay vì kiểu tận thu như hiện nay.