Nước sạch sông Đà bốc mùi lạ: Nhà máy nước nói vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế!

ANTD.VN - Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho rằng, có thể phản ánh của khách hàng về nước có mùi lạ là do mùi Clo vì nước sau xử lý theo số liệu Phòng hóa nghiệm của Công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế!

Sáng nay, 14/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đã có báo cáo do ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) ký gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến ngày 11/10/2019 (thời điểm hàng vạn hộ dân ở Hà Nội phát hiện nước sạch sông Đà bốc mùi lạ).

Theo báo cáo này, vào 12h ngày 9/10, thời tiết khu vực nhà máy có mưa, nhân viên bảo vệ đội bảo vệ phục vụ công tác bảo vệ và vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân và báo cáo lên Phòng Trung tâm và lãnh đạo Công ty cho hướng xử lý, mặc dù kết quả kiểm tra chất lượng đầu ra của Phòng hóa nghiệm Công ty chất lượng nước vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Hàng vạn hộ dân ở các quận, huyện phía Tây Hà Nội sử dụng nước sạch sông Đà những ngày qua phải đi mua, dùng nước bình lọc

Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua các hố van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chưa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên Công ty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.

Về xác định nguyên nhân nước hồ có váng, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho rằng, Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông  báo ngay với Công an xã, chính quyền địa phương, Công an huyện để điều tra làm rõ.

Về xử lý váng dầu, Công ty đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu  gom, vị trí đặt phao, gối hút dầu: Cửa kênh nhận nước từ hồ Đầm Bài đến Trạm bơm hồ; song chắn rác tại vị trí cuối kênh; công trình thu trước khi bơm lên khu xử lý để khoanh vùng không cho dầu tràn lan ra ngoài.

Ngoài công nhân của Công ty, Công ty còn thuê nhân công bên ngoài để tiến hành vớt, thu gom toàn bộ váng trên bề mặt.

Về xử lý công nghệ, Công ty tiến hành châm bổ sung than hoạt tính và khu xử lý để tăng cường xử lý, cũng như châm tăng hóa chất xử lý, trong đó có Clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8mg/l, tuy nhiên vẫn cao hơn so với hàm lượng châm trước đây từ 0,3-0,5mg/l.

"Có thể phản ánh khách hàng về nước có mùi lạ là do mùi Clo vì nước sau xử lý theo số liệu Phòng hóa nghiệm của Công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế"- ông Tốn cho hay.

Về phản ánh của khách hàng nước có mùi lạ, ngày 10/10, Công ty đã xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ và giảm lượng Clo sử dụng về như trước đây. Hiện nay, Công ty đang vận hành  bình thường và châm Clo với hàm lượng như trước đây là 0,3-0,5mg/l.

Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà khai thác nguồn nước mặt sông Đà, lấy nước tại khu vực phía Nam hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình tại xã Hợp Thành, Kỳ Sơn, Hòa Bình để cung cấp nước cho các quận, huyện khu vực phía Tây Hà Nội. Công suất hiện nay khoảng 320.000m3/ngày đêm.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT sáng nay, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, qa báo cáo ban đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, vào tối 8, rạng sáng mùng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu thải ra khe núi sát Suối Trâm tại xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) - cách kênh dẫn nước của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) khoảng 800m.

“Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện thì nhà máy nước sạch Sông Đà đã thuê người dân vớt dầu. Toàn bộ dầu loang, theo báo cáo của công ty này, đã được thu gom”- ông Thức nói.

Theo báo cáo của Sở TN-MT Hoà Bình, trong các ngày 9 - 10/10, công nhân của Viwasupco đã phát hiện và thực hiện vớt váng dầu, vệ sinh khu vực trên.

“Cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không việc nhà máy thấy nước ô nhiễm mà vẫn tiếp tục đưa vào xử lý để cho người dân sử dụng? Phải làm rõ trách nhiệm trong việc này”- ông Thức khẳng định.