Nước mắt của 2 người mẹ sau 1 phiên tòa

ANTĐ - Vào một ngày cuối tháng 7 năm 2011, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Xuân Thành (SN 1992, trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã để lại nỗi day dứt cho nhiều người bởi những lỗi lầm của một bị cáo còn quá trẻ gây ra. Đặc biệt là 2 người đàn bà - một người là mẹ của bị hại trong vụ án, một người là mẹ của bị cáo - họ đều đau buồn nhưng đã cố nuốt những giọt nước mắt, rồi lặng lẽ rời phòng xử án đi về hai hướng khác nhau.

“Bỏ nhà ra đi” từ nhỏ 

Ở phiên tòa xét xử, nhiều người đã bất ngờ bởi khuôn mặt tri thức, sáng sủa của  Thành, nhìn khuôn mặt ấy người khác liên tưởng tới cậu là con cái nhà giàu. Thế nhưng bản án 13 năm tù dành cho Thành đã nhấn chìm tất cả, “sức nặng” và sự nghiêm minh của luật pháp là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đi ngoài lần ranh của pháp luật. Hơn 1 năm thụ án, khiến Thành bình tĩnh hơn để kể về câu chuyện đã qua trong quá khứ. Thành kể: “Em là người nhiều nhà, lắm cha, nhiều mẹ hơn người bình thường nhưng lại “bỏ nhà ra đi” từ rất sớm”. Thắc mắc về sự “nhiều nhà, lắm cha, nhiều mẹ” thì Thành kể tiếp: “Nhà em có 4 chị em. Em là con út và cũng là con trai duy nhất trong gia đình. Em sinh ra và lớn lên ở Xí nghiệp 4, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố mẹ em đều công tác tại các cơ quan Nhà nước nên kinh tế trong gia đình tương đối khấm khá và ổn định. Em có bố mẹ nuôi làm nghề buôn bán tự do, họ có 2 cậu con trai ít hơn em mấy tuổi. Kinh tế hai gia đình bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi của em khấm khá như nhau. Năm em học bước vào cấp II, lớp 6, bố mẹ đẻ em đã mua nhà ở quận Tây Hồ, cả nhà em rời xã Duyên Thái chuyển về đây sinh sống. Bắt đầu từ đây tính cách “lập dị” của em hình thành, chẳng có mâu thuẫn hay bất mãn gì với bố mẹ cả, tóm lại là không vì lý do gì cả nhưng em vẫn quyết định “bỏ nhà ra đi”. Bỏ nhà ra đi ở đây không phải là em đi ở hoang mà chỉ là chuyển từ chỗ chính sang chỗ phụ - em chuyển đến sống cùng với bố mẹ nuôi ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. “Bố mẹ em còn có các chị gái và cháu ngoại. Với lại em không bỏ đi hẳn mà đi - về giữa hai nhà chứ không ở cố định luôn ở nhà bố mẹ nuôi”.  

Hip-hop: Niềm đam mê nhất đời

Khi thể loại âm nhạc và trào lưu văn hóa Hip-hop - hiện diện trong cuộc sống của em. Em nhớ là mình phải sống “vật vờ” đến gần 1 năm thì tìm được niềm đam mê này. Đó là trong một lần đi học về qua Tượng đài Lý Thái Tổ, do hiếu kỳ trước một đám đông túm tụm nhau lại tập trung xem một cái gì đó, em cũng len lỏi vào đó và thấy họ… nhảy, thi thố với nhau. Như có một ma lực cuốn hút nào đó, em đứng chôn chân và đôi mắt dán vào những điệu nhảy tuyệt đẹp. Nó cuốn hút đến mức em đứng hàng giờ đồng hồ xem họ thi thố với nhau mà không biết chán. Lúc đó em chưa hề biết đó là điệu nhảy gì, hỏi những người đứng xem cùng chỉ biết nó là hip-hop. Cuộc thi thố biểu diễn cũng đến giờ tàn, trở về nhà trong sự ám ảnh đến thích thú, em lên mạng và tìm kiếm những videpclips biểu diễn hip-hop, rồi những đoạn clips ngắn dạy nhảy hip-hop của các anh chị ở trong nước và các nghệ sĩ nước ngoài dạy nhảy rồi tự tập theo. Em tập hàng giờ, hàng ngày và tự nhận thấy trình độ của mình lên rất nhanh. Khi đạt được những level đầu tiên, thành thạo những điệu và kỹ thuật cơ bản em tập nhảy với các bạn.   

2 năm - em đã miệt mài luyện tập với một triết lý rằng hip-hop là niềm đam mê lớn nhất đời, không gì có thể thay thế được. Em đối phó với việc học tập tại trường để dành hầu hết thời gian trong ngày để nhảy. Em nhớ khi đó mình đang học lớp 9, em gia nhập một nhóm nhảy có tiếng ở Hà Nội và bắt đầu có những buổi biểu diễn đầu tiên trên sân khấu. Đam mê nhảy thăng hoa bao nhiêu thì càng tỉ lệ nghịch với thành tích học tập bấy nhiêu. Leo lét mãi em cũng chỉ “trụ” được đến năm đầu tiên của cấp III rồi bỏ học giữa chừng để được “cháy” hết mình với đam mê. Lúc này em đã phải đương đầu với sự phản đối kịch liệt của cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ nuôi. Bố mẹ cấm em nhảy và đưa em lên Vĩnh Phúc theo học lớp 10 tại một ngôi trường ở đây. Do đã quyết gắn cuộc đời mình với nhảy, cảm giác không được nhảy em không sống được nên đã “nằm im” chờ cơ hội bỏ học rồi trốn về Hà Nội. Vài tháng sau khi nhập học em đã trốn về Hà Nội thành công. Em đã nhảy cho thỏa những ngày tháng không được nhảy và lập tức gia nhập một nhóm nhảy nổi tiếng khác ở Hà Nội”…   

Phía sau bản án 

Vào một ngày cuối tháng 9-2010, điện thoại di động của bà K.T.M bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số máy lạ với nội dung “Con xin phép mẹ sang nhà bạn chơi, mai về”. Linh tính của người mẹ đã khiến bà M. ngay lập tức gọi ngược lại số điện thoại lạ đó nhưng không có người trả lời. Đến 11h đêm, bà M. tiếp tục gọi vào số máy đã nhắn tin đến nhưng âm thanh bà nhận được chỉ là những bản nhạc chờ rồi lịm tắt. Bà M. kiên nhẫn gọi và số điện thoại lạ suốt cả đêm cho đến rạng sáng mới được trả lời. Đáp lại sự lo âu, căng thẳng của một người mẹ mong tin con gái đến cồn cào ruột gan là thái độ thách thức của một nam thanh niên ở đầu dây bên kia. Linh tính mách bảo đã có chuyện chẳng lành, bà M. đã làm đơn trình báo công an về vụ việc lẫn sự mất tích của con gái mình và huy động người nhà tá hỏa đi tìm cô con gái nhưng chưa có kết quả. Đúng 10 ngày sau, con gái bà M. được tìm thấy tại một siêu thị khi đang tung tăng mua sắm với nam thanh niên. Sự thật sau đó được phơi bày, nam thanh niên đó chính là Trần Xuân Thành. Chuyện là vì giận mẹ - bà K.T.M mà Đ.M.P đã bỏ nhà ra đi rồi gặp gỡ với Thành. 

Cả hai lại chung cảnh “bỏ nhà ra đi” rồi cùng nhau lấy nhà nghỉ là nơi tá túc. Tại cơ quan điều tra, cả Thành và Đ.M.P đều khai rõ từ tháng 8 đến 10-2010, cả hai đã nhiều lần quan hệ tình dục với nhau. Đ.M.P còn khẳng định, lý do “quan hệ” với Thành là vì “tình yêu” hoàn toàn tự nguyện. Vào thời điểm đó, cô bé Đ.M.P mới 11 tuổi 6 tháng và đang học lớp 6 nên Trần Xuân Thành bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố về Tội hiếp dâm trẻ em. 

Trở lại câu chuyện của Thành, sau khi bỏ học trốn từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, tham gia một nhóm nhảy Thành còn mở một lớp dạy hip-hop để “chỉ giáo vũ điệu đường phố” cho các bạn trẻ có cùng sở thích. Qua một học viên trong lớp Thành quen với cô bé Đ.M.P (SN 1999, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) - người mà sau này trở thành bị hại. Thành kể: “Ngày ấy em những tưởng không gì có thể thay thế được hip-hop cho đến khi gặp P. P cao, xinh, học rất giỏi, suy nghĩ rất trưởng thành, khi quen và yêu P em có những thời điểm em quên mất hip-hop, điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra để đi chơi và ở bên cạnh P. P rất đặc biệt với em khi cô ấy nói rằng cô ấy hâm mộ em và thích xem em nhảy hip-hop…”. Từ quen biết và thường xuyên nói chuyện trên mạng Internet, một thời gian sau, Thành ngỏ lời yêu với Đ.M.P và được cô bé đồng ý đi chơi. Trong một lần rủ P đi chơi, Thành đã nói dối cô bé là vào nhà họ hàng chơi nhưng thực chất Thành đã chủ động rủ cô bé vào nhà nghỉ để thỏa mãn ham muốn của mình. Hành động đó tiếp tục được tái diễn, mỗi lần như vậy Thành đều mua thuốc tránh thai cho P uống. Ngày 28-9-2010, vì có mâu thuẫn với gia đình dẫn đến buồn chán, P đã muốn bỏ nhà đi. P đã đến gặp Thành, ban ngày hai người ngồi lỳ trong quán nét, hoặc đi chơi để “giết” thời gian, tối đến Thành và P. thuê nhà nghỉ ở cùng nhau. Gần 1 tuần ăn chơi, cả hai đã “nướng” hết những đồng tiền cuối cùng nên đã đến trú tạm tại nhà một người bạn Thành. Ở nhờ mãi cũng không được Thành đã xui P về nhà xin tiền. Sự việc sau đó vỡ lở và Thành bị bắt giữ…

Bài học từ sự trả giá

Lúc này đây, khi phải trả giá cho hành vi của mình bằng những năm tháng ở tù tại Trại giam Thanh Xuân, Thành nói rằng: “Em không hối hận vì đã yêu P. Em sẽ cải tạo thật tốt để sớm ra tù. Bọn em vẫn sẽ yêu nhau như chưa có chuyện gì xảy ra”… Thành kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng những lời vội vàng như thế. Ở độ tuổi của Thành đó chỉ là những lời tuyên bố hùng hồn của một gã trai mới lớn, thích chứng tỏ trong tình yêu và đi ngoài luật pháp. Thời gian cải tạo sẽ giúp Thành hiểu và nhận thức một cách sâu sắc hơn hành vi phạm tội của mình. Nhưng đằng sau phiên tòa, một lát cắt khác của vụ án này là bài học cho bất kỳ một bậc phụ huynh nào. Ở phiên tòa xét xử Thành, mẹ của cô bé Đ.M.P đã không ít lần chết lặng, bà đã trả lời được câu hỏi vì sao đứa con gái yêu ngoan ngoãn, học giỏi với thành tích học tập ấn tượng của mình lại đi tìm chỗ dựa tinh thần ở nơi khác ngoài gia đình. Một người đàn bà khác là bà N.T.S, mẹ của Thành cũng mới thật sự hiểu ra sự thiếu quan tâm, giám sát của gia đình đã góp phần đẩy Thành tới con đường sa ngã. Cả Thành và Đ.M.P đều còn trẻ, họ đều có nhu cầu được quan tâm, chia sẻ và định hướng của gia đình. Khi rời phòng xử án, hai người mẹ lặng lẽ đi về 2 hướng khác nhau, trong tâm trí những người mẹ như họ tội lỗi của những đứa con gây ra chắc chắn sẽ được tha thứ bởi lòng mẹ bao dung nhưng nỗi đau họ phải mang sẽ còn day dứt mãi!...