Nửa nạc, nửa mỡ

ANTĐ - “Trăm nghe không bằng một thấy”, tức là một trăm cái tai không bằng hai con mắt. Cứ phải “thực mục sở thị” thì mới tin được.

- Xưa đã thế, nay càng đúng thế, có gì mà phải nhiều lời. Rõ rỗi hơi!

- Nhìn tận mắt, sờ tận tay cũng không thể biết hàng giả hàng thật, tiền giả tiền thật, vàng giả vàng thật, rau sạch rau bẩn, nhất là đạo đức giả đạo đức thật.

- “Người trần mắt thịt” như tôi và ông thì cứ phải dùng là sẽ biết ngay thôi.

- Đừng có kiểu… xui dại trẻ con thế. Ở Hà Nội, nghe nói vừa thu giữ hàng tấn hóa chất tạo thịt lợn siêu nạc. Bà xã nhà tôi dặn từ nay quay sang ăn thịt mỡ tránh xa thịt nạc. Hỏi sao thì bảo đó là thứ thịt giả nạc, mắt thường không thể phân biệt được.

- Mắt dân thường vốn… kèm nhèm, lại thêm dân trí thấp. Vì thế mới cần đến những cặp mắt chỉ đạo, điều hành có thể nhìn xuyên thấu, biết ngay đâu là nạc, đâu là mỡ.

- Khó lắm! Khi chất tạo nạc đi vào cơ thể con lợn sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên, khiến cho phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc. Khó phân biệt nhất là giữa chỗ nạc và mỡ.

- Vậy thịt giả nạc vào cơ thể người thì tác hại ra sao?

- Ăn thường xuyên sẽ làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa. Ảnh hưởng lớn đến gan, não, nhất là trẻ em và phụ nữ.

- Nguy hiểm đến thế sao không thấy cơ quan nào lên tiếng cảnh báo cho dân?

- Có đấy! Đã có công văn hỏa tốc gửi các địa phương lấy mẫu thịt ở chợ về xét nghiệm. Cuối tháng này sẽ có kết quả, yên tâm. Vả lại mọi loại thực phẩm từ tay người sản xuất tới miệng người ăn phải qua ba bộ thì mới đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Vẫn kiểu quản lý nửa nạc, nửa mỡ thế thì dân phân biệt sao được nạc với mỡ.