Nộp lại tiền đã chiếm đoạt do lừa đảo có được giảm nhẹ tội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền "khủng" lên tới hàng trăm tỷ đồng đã bị phát hiện thời gian qua. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu đối tượng lừa đảo nộp lại tiền cho cơ quan điều tra hoặc trả tiền cho bị hại và bị hại đồng ý rút đơn thì có bị xử lý hình sự? 

Về việc đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo nhưng sau đó đã nộp lại toàn bộ tiền, tài sản đã từng chiếm đoạt, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, cá nhân chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể phải đối diện mức án cao nhất là tù chung thân.

Về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, luật sư Thu phân tích, Điều 155 Bộ luật TTHS 2015 quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134-136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên mặc dù đối tượng vi phạm đã nộp lại hết số tiền chiếm đoạt nhưng do hành vi này là phạm pháp nên cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.

Việc trả tiền được coi là người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự.

Bởi theo Điều 51 BLHS 2015, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có bao gồm tình tiết người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm hoặc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả - luật sư Thu nhấn mạnh.