“Nóng” tội phạm giết người

ANTĐ - Trong những năm qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm giết người, trong đó giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ lớn.

Nếu như năm 2010, toàn quốc đã xảy ra 1.553 vụ án giết người trong đó án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 91,37% (tăng 20,25% so với năm 2009) thì 6 tháng đầu năm 2010, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra 645 vụ (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2010).

Bị cáo Vũ Tuấn Linh bị tuyên phạt tử hình về tội giết người và cướp tài sản

Rất nhiều vụ giết người gần đây với thủ đoạn man rợ, tàn độc và có dự mưu xảy ra trong chính gia đình, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận nhân dân. Điển hình là vụ Trần Thị Liễu (Long An) do mâu thuẫn vợ chồng đã dùng xăng thiêu chết chồng là nhà báo Hoàng Hùng; vụ Trần Thanh Minh (Gia Lai) đánh chết vợ là chị Trương Thị Tám sau đó dùng cỏ khô đốt xác, vụ Hoàng Văn Hiếu (ở Lạng Sơn) dùng dao chém chết vợ là chị Hoàng Thị Hoạt và chém trọng thương mẹ đẻ và con ruột của mình… Rất nhiều vụ chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, va chạm giao thông nhẹ là các đối tượng có thể lao vào đâm chém, giết người một cách dã man, thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận nhân dân. Không ít vụ các đối tượng còn tấn công bằng vũ khí nóng, gây nên cái chết của những người thi hành công vụ mà chủ yếu là lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Hình sự…

Hoạt động của các loại tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, các băng ổ nhóm hình sự và ma túy với các thủ đoạn nguy hiểm, sẵn sàng giết người để đạt được mục đích phạm tội hay để trốn tránh cũng góp phần gây nên sự gia tăng của tội phạm giết người trong thời gian qua.

Hiện nay, toàn quốc đã phát hiện 318 băng ổ nhóm với 2.334 đối tượng, chủ yếu hoạt động tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương… 6 tháng đầu năm 2011, các băng ổ nhóm tội phạm lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn đã gây ra 233 vụ đâm chém, thanh toán trả thù lẫn nhau làm 61 người chết, 277 người bị thương.

Trong thời gian này, lực lượng Cảnh sát hình sự đã khám phá 568 vụ giết người, bắt xử lý 884 đối tượng, điều tra làm rõ 564 vụ, 854 bị can. Đối tượng phạm tội giết người chủ yếu ở lứa tuổi từ 16 - 25, trình độ văn hóa thấp, lười lao động, tụ tập thành băng nhóm hoặc những đối tượng đã có tiền án tiền sự và biểu hiện vi phạm pháp luật trước đó. Tuy nhiên, gần đây đáng báo động là đã có nhiều đối tượng phạm tội giết người có trình độ học vấn, có địa vị xã hội, công việc ổn định, thậm chí giữ chức vụ (là giám đốc doanh nghiệp, cán bộ nhà nước…), có đối tượng trước đó sống rất hòa nhã, không có biểu hiện vi phạm pháp luật, khi phạm tội đã gây bất ngờ cho những người sống xung quanh.

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa (cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ) và đấu tranh quyết liệt nhưng tội phạm giết người vẫn diễn biến ngày càng “nóng bỏng”. Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP thì nguyên nhân cơ bản là do những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, gia đình, trong cuộc sống nội bộ nhân dân, giữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoặc bọn lưu manh côn đồ… Các vụ giết người do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời thường xảy ra nơi công cộng như va chạm giao thông, mâu thuẫn khi nhậu nhẹt… chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ án giết người xảy ra và có xu hướng gia tăng mạnh.

Các vụ giết người do mâu thuẫn thù tức kéo dài thường xảy ra trong gia đình, ghen tuông hoặc mâu thuẫn kinh tế, đất đai hoặc sự thanh toán lẫn nhau giữa băng nhóm tội phạm để tranh chấp địa bàn hoặc ảnh hưởng, gây thanh thế và hầu hết các vụ thanh toán nhau này đều sử dụng vũ khí có độ sát thương cao. Công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên còn chưa chặt chẽ, nhiều gia đình chạy theo làm ăn kinh tế bỏ mặc con cái khiến con cái sa vào tệ nạn, tội phạm và khi phạm tội giết người mới ân hận thì đã muộn. Sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người còn hạn chế. Đạo đức xã hội, nhất là văn hóa ứng xử xuống cấp, một bộ phận người dân chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi, ảnh hưởng của lối sống bạo lực nên đã gây án nghiêm trọng.

Cùng với sự phát triển của xã hội thì dự báo tình hình tội phạm trong những năm tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến rất phức tạp, trong đó đặc biệt là loại tội phạm giết người. Đây cũng là loại tội phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, gây bức xúc cho nhân dân, do vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần chung tay có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm giảm tối đa nguyên nhân, điều kiện xảy ra tội phạm, hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra, góp phần giữ gìn ANTT và cuộc sống bình yên của nhân dân.