Nóng mối lo giá cả, an ninh lương thực

(ANTĐ) - Sáng 6-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay, bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động... tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vẫn ở mức cao, nhưng đã có biểu hiện chậm lại, lạm phát vượt xa mức dự báo, thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng, tâm lý xã hội...”.

Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII:

Nóng mối lo giá cả, an ninh lương thực

(ANTĐ) - Sáng 6-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay, bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động... tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vẫn ở mức cao, nhưng đã có biểu hiện chậm lại, lạm phát vượt xa mức dự báo, thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng, tâm lý xã hội...”.

>>>5 nhóm vấn đề sẽ được QH xem xét và quyết định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với báo giới bên hành lang Quốc hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với báo giới bên hành lang Quốc hội

Chính phủ nhìn rõ những mặt bất cập, yếu kém

Sau lời khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ “...Nổi cộm lên và đáng lo ngại là tình hình lạm phát, giá cả tiêu dùng và nhập siêu tăng cao, cùng với những biến động bất thường của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, đến tăng trưởng của nền kinh tế và môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

Những bất cập, yếu kém nêu trên trong quản lý, điều hành của Chính phủ, cùng với những yếu kém nội sinh của nền kinh tế đã làm cho nền kinh tế nước ta dễ bị tổn thương trước những biến động bất lợi từ bên ngoài. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ những kết quả đạt được, mặt mạnh, mặt tích cực, đồng thời nhìn nhận sâu sắc về những mặt bất cập, yếu kém, khuyết điểm của mình trong quản lý, điều hành....”.

Đời sống khó khăn vì giá cả đắt đỏ

Phó Thủ Tướng Thường trực Chính phủ  Nguyễn Sinh Hùng:

“Lộ trình tăng giá: Phải tính toán thời điểm  phù hợp”

- PV: Thưa Phó Thủ tướng, thị trường dầu lửa thế giới đã gần chạm ngưỡng 120 USD/thùng. Giá bán xăng, dầu trong nước sẽ được xem xét, tính toán ra sao?

- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Giá xăng dầu hiện đã vượt giới hạn tính toán nhưng chúng ta cố gắng kìm giữ giá bán trong nước nhằm hạn chế tác động đến toàn bộ mặt bằng giá cả chung và hiện Chính phủ vẫn tiếp tục theo dõi để cân đối với nguồn lực, thực hiện lộ trình thị trường một cách phù hợp. Dù làm như vậy là đi ngược nguyên tắc thị trường nhưng chúng ta phải đặt lợi ích cao hơn là kiềm chế lạm phát.

- PV: Ngoài xăng dầu, còn nhiều ngành mặt hàng thiết yếu khác phải giữ ổn định giá đến hết tháng 6. Vậy sau đó thì việc điều hành giá cả đối với những mặt hàng này ra sao?

- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta phải nỗ lực để giá cả không bị “nén” chặt quá bằng cách điều chỉnh theo kinh tế thị trường một cách thích hợp. Ngoài ra, chúng ta cũng phải cân đối với một loạt những vấn đề khác như chuyện chống buôn lậu bởi giá trong nước thấp quá thì hoạt động buôn lậu sẽ gia tăng... Chính phủ phải nỗ lực vừa quản lý, vừa kiểm soát, vừa sử dụng lợi thế như dự trữ ngoại tệ, nguồn cung dồi dào về lương thực, hàng nông sản...  

- PV: Thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ có xem xét một lộ trình tăng giá nếu có để thị trường đỡ “sốc”?

- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Từ bây giờ, chúng ta đã phải có lộ trình về giá, nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực tối đa để giữ ổn định những mặt hàng then chốt như dầu, gạo, xi măng, sắt thép.

Thảo Nguyên (Ghi)

Giá cả leo thang, an ninh lương thực, hoạt động đầu tư tài chính tràn lan của các Tập đoàn kinh tế lớn là những vấn đề “nóng” lên trong buổi thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chiều 6-5.

Đại biểu Đặng Huyền Thái cho biết, qua tổng hợp ý kiến cử tri, vấn đề người dân lo lắng nhất là câu chuyện giá cả, dịch bệnh. Trong đó, phải đối mặt trực tiếp, hàng ngày với việc giá cả leo thang chính là những bà nội trợ mà theo họ thì tốc độ tăng giá thực tế còn cao hơn nhiều so với con số thống kê. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Hà cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn những tác động, ảnh hưởng của việc tăng giá hiện nay đến đời sống xã hội.

Với vấn đề an ninh lương thực đang “nóng” lên trên phạm vi toàn cầu, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, “cơn sốt” gạo tại Việt Nam vừa qua cho thấy những vấn đề lớn trong kiểm soát đầu cơ, kéo theo bất hợp lý là giá bán đến tay người tiêu dùng thì “ngất ngưởng” nhưng giá thu mua của người dân thì vẫn “bèo bọt”. Bà Loan đề xuất, Nhà nước phải giữ được vai trò của “nhà buôn lớn”, dự trữ gạo ở mức hợp lý, tham gia mua-bán nhằm điều tiết giá cả.

Cũng liên quan đến vấn đề lương thực, đại biểu Nguyễn Hồng Anh e ngại, việc một diện tích đất nông nghiệp lớn được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng triệu nông dân, đồng thời cũng tác động không nhỏ đến nguồn cung lương thực ra thị trường. Trong khi đó, việc sử dụng diện tích đất thu hồi này nhiều nơi còn rất lãng phí.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh, Chính phủ cũng cần có quy hoạch tổng thể với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, nên “đẩy” khu công nghiệp về những khu vực đồi núi. Điều đó vừa góp phần giữ lại những diện tích đất màu mỡ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời lại tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân ở những vùng sâu, vùng xa.

Công tác quản lý còn lúng túng

Đại biểu Phạm Thị Loan đề nghị Chính phủ làm rõ việc đầu tư quá tràn lan của các doanh nghiệp lâu nay vẫn được đánh giá là “anh cả” trong nền kinh tế. “Bất hợp lý là các doanh nghiệp này đã “đổ” một tỷ lệ lớn tài chính vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng-những lĩnh vực không “đẻ” ra sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế mà lại ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ càng việc lỗ, lãi trong hoạt động đầu tư tài chính này” - bà Loan nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, công tác quản lý Nhà nước thời gian qua còn rất lúng túng, nhất là trước những biến động mạnh của nền kinh tế. Điều đó có nguyên nhân công tác dự báo quá yếu kém. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng nhấn mạnh, báo cáo đánh giá của Chính phủ vẫn có phần chung chung, chưa đề cập thẳng thắn nguyên nhân và đặc biệt là chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp của từng lĩnh vực.

Nhóm PV thời sự

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Việt Nam đủ gạo để tiêu dùng và xuất khẩu

Quan điểm của chúng ta trước hết phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đặc biệt là giá gạo phải hợp lý, sau đó có dư thừa chúng ta mới tính đến xuất khẩu. Chúng tôi sẽ theo dõi sự cân đối này cùng các cơ quan khác để điều chỉnh.

Tôi xin khẳng định là, chúng ta hiện có đủ gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và có dư để xuất khẩu.

Huệ Chi (lược ghi)