- Chung cư cao tầng 46/230 Lạc Trung vi phạm phòng cháy, chữa cháy
- Lên danh sách công trình nhà chung cư có nguy cơ sập đổ tại Hà Nội
- Nơm nớp các tòa chung cư "mặc kệ" nguy cơ hỏa hoạn (1): Vi phạm nối vi phạm
Chế tài, thẩm quyền đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý Nhà nước đã được quy định rất rõ ràng. Nhưng những gì đã và đang diễn ra trên thực tế cho thấy: Khâu kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn thiếu chặt chẽ.
Chung cư mi ni Bồ Đề vi phạm nghiêm trọng an toàn PCCC
Xử phạt, buộc phải cho tồn tại (?!)
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, trong số 31 công trình mới bị cơ quan PCCC rà soát, phát hiện đều vi phạm lỗi không nghiệm thu đã đưa vào hoạt động, những sai phạm của các tòa nhà này ít nhất cũng đã bị xử phạt 1 lần đối với công trình mới và nhiều lần đối với công trình xây dựng cũ.
Trong 31 công trình vi phạm phát hiện mới nhất đợt tháng 2-2107 có nhiều tòa nhà chung cư mi ni. Việc những tòa nhà này bị phạt nhưng vẫn tồn tại là do không được thẩm duyệt PCCC khi xây dựng, không được nghiệm thu và đương nhiên hệ thống an toàn PCCC không có.
Những tồn tại này là do ngay từ khi xây dựng, chủ đầu tư xin cấp phép xây nhà dân nhưng do yếu kém trong giám sát của chính quyền địa phương, về sau, các “nhà dân” ấy đã được chuyển đổi một cách có chủ đích thành chung cư mi ni, rồi bán cho người dân có nhu cầu. Hiện địa bàn Hà Nội có hàng nghìn chung cư mi ni, có tòa cao đến 9-10 tầng, chứa cả trăm hộ dân nhưng vẫn không có hệ thống an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà chung cư lớn, chủ đầu tư chấp nhận bị xử phạt. “Có chủ đầu tư hăng hái nộp phạt bởi điều này thường ít tốn kém hơn việc đầu tư đầy đủ hệ thống an toàn PCCC”, Thượng tá Trần Quế Thường - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 9 - Hà Đông đánh giá và cho biết: “Có chủ đầu tư chây ỳ do cơ quan PCCC chỉ được xử phạt vài chục triệu đồng. Nếu ở mức phạt lớn hơn hoặc buộc dừng hoạt động công trình thì phải do UBND cấp quận, huyện hoặc thành phố quyết định. Do vậy, nhiều chủ đầu tư làm ngơ, không hợp tác khi cơ quan chức năng thông báo lịch kiểm tra”.
Bám sát luật để xử lý vi phạm
Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chữa cháy và Luật Phòng chữa cháy quy định: các công trình tòa nhà cao tầng, chung cư phải được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC trước khi đưa vào sử dụng.
Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, đối với 31 công trình vi phạm mới phát hiện vừa qua, cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ thông báo và tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã để có biện pháp kiên quyết, yêu cầu buộc chủ đầu tư thực hiện khắc phục các tồn tại và cam kết tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ quan Cảnh sát PCCC tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, công khai thông báo các lỗi vi phạm, các điều kiện không đảm bảo an toàn về PCCC của công trình, để người dân sinh sống và làm việc tại các tòa nhà biết, cùng giám sát chủ đầu tư thực hiện các nội dung đã cam kết khắc phục.
Hiện địa bàn Hà Nội có hàng nghìn chung cư mi ni, có tòa cao đến 9-10 tầng, chứa cả trăm hộ dân nhưng vẫn không có hệ thống an toàn PCCC
Về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, các công trình phát hiện vi phạm lỗi chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, quận Cầu Giấy đã đề nghị cơ quan Cảnh sát PCCC địa bàn sớm hướng dẫn khắc phục những tồn tại. Cơ sở nào không thực hiện, quận sẽ báo cáo, đề xuất thành phố có biện pháp mạnh để xử lý vi phạm.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Theo quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-7-2014, công trình nhà chung cư cao 5 tầng trở lên thuộc Danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Công trình nhà chung cư có chiều cao từ 9 tầng thuộc Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.
Trường hợp chủ đầu tư vi phạm quy định nêu trên, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PC&CC, phòng chống bạo lực gia đình.
Cụ thể: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra, tổ chức/cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, gồm buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy; buộc tổ chức để cơ quan quản lý Nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
“Nếu các hành vi vi phạm nêu trên gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì các cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009”, luật sư Trịnh Anh Dũng nêu rõ.