Nỗi vất vả của “nhà thương thuyết”

ANTĐ - Sau bữa cơm tối vội vàng cùng gia đình, Trung tá Phạm Quốc Hùng, CSKV Đồn Công an số 1, CAH Từ Liêm lại đến khu dân cư B4 Mỹ Đình I để vào vai một “nhà thương thuyết”.

Trung tá Phạm Quốc Hùng hướng dẫn người dân thực hiện Thông tư 12

Khu đô thị Mỹ Đình được xây dựng theo một mô hình quản lý hoàn toàn mới. Tại đây có các tòa nhà chung cư, công ty xây dựng sau khi hoàn thành công trình bàn giao lại việc vận hành tòa nhà cho BQL. Và vì thế BQL của một tòa nhà là một công ty khác, thu phí vận hành khác. Ban đầu là thấp chỉ vài chục nghìn đồng, sau đó tăng dần lên hàng trăm nghìn đồng. Thậm chí có những khu cao cấp như Keangnam, The Manor, phí dịch vụ lên tới hàng triệu đồng. Người cung cấp dịch vụ cho rằng như thế là thỏa đáng, nhưng người thụ hưởng lại cho rằng như vậy không tương xứng. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn. Trung tá Phạm Quốc Hùng chia sẻ: Nắm được tình hình như vậy,  để đảm bảo được tình hình ANTT, người CSKV phải khéo léo, thậm chí trở thành “nhà thương thuyết”, vận động cả 2 bên. Với người dân thì phân tích điều hơn lẽ thiệt, với BQL thì vận động đưa ra một mức phí sao cho  phù hợp.

Nếu như trong khu vực nội thành, đó là các khu tập thể, người dân có thể biết nhau, còn ở đây, tiếng là tổ dân phố nhưng có khi 3, 4 tòa chung cư mới được lập thành một tổ. Người trong một chung cư chưa chắc đã biết hết nhau, huống hồ là các chung cư bên cạnh. Phần lớn dân sinh sống tại các chung cư đều là cán bộ Nhà nước, kinh doanh, thường đi làm từ sáng đến tối mới về. Thậm chí, có những lần CSKV đến, người dân còn lấy lý do đã muộn, gia đình cần phải đi ngủ để ngày mai còn đi làm và mời CSKV về(!).

Do đặc điểm dân cư như vậy nên dù có tổ dân phố nhưng cán bộ tổ cũng không cung cấp được nhiều thông tin cho CSKV phụ trách địa bàn. Thêm vào đó, tính cộng đồng giữa các chung cư chưa thật sự gần gũi. Dân cư sống ở đây ít giao lưu với nhau, có những tổ dân phố muốn tổ chức một buổi gặp gỡ đầu năm cũng không thực hiện được, chủ yếu tận dụng vào ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu mọi người mới... biết mặt nhau.

Một khó khăn cơ bản của người CSKV tại các khu chung cư đó là rất khó trong việc kiểm tra hành chính.

Đại úy Vũ Việt Hùng, Đồn phó Đồn Công an số 1, người có thâm niên 7 năm làm CSKV chia sẻ: Tuy không phải là phổ biến nhưng tại một số chung cư có tình trạng người dân nhìn qua mắt thần gắn ở cửa nếu thấy CSKV đến là không mở. Chung cư hiện đại, cửa kín như bưng, cách âm rất tốt nên dù trong nhà có người hay không người bên ngoài cũng không biết được. Đó là chưa kể đến những khu chung cư hiện đại như Keangnam, vận hành bằng điện tử, đơn giản như muốn sử dụng thang máy để lên kiểm tra hành chính cũng phải có thẻ từ. Do đó, muốn lên được các tầng, người CSKV phải có bảo vệ đưa lên. Sau này, do làm việc nhiều lần, CSKV cũng được cấp thẻ từ, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự hợp tác của các hộ dân trong khu chung cư hiện đại nhất thành phố này. 

Người CSKV ở mỗi nơi lại có những đặc điểm khác nhau, nhưng ở đâu các anh cũng xác định được tinh thần phục vụ nhân dân, giúp đỡ người dân và “luôn đặt địa vị mình là người dân đến đề nghị CSKV giúp đỡ” - Đại úy Vũ Việt Hùng nhấn mạnh. Nhờ thế gần 10 năm qua, bên cạnh nhiệm vụ quản lý tốt về hành chính, tổ CSKV Đồn Công an số 1 còn lập nhiều thành tích trong công tác phòng chống tội phạm.