Nỗi oan "Làng trắng khăn tang vì cổ miếu nổi giận"

ANTĐ - Hàng loạt cái chết thương tâm, trái với luân thường đạo lý diễn ra liên tiếp tại vùng đất phía Nam sông Đuống được cho là liên quan tới một cổ miếu "nổi giận"...Hóa ra tất cả chỉ là sản phẩm cắt ghép của một vị nhà báo lắm tài lẻ, nhưng thiếu cái tâm trong sáng khi đi làm báo. Còn ông trưởng thôn kêu oan rằng ông chưa từng phát ngôn như thế.

Hàng loạt cái chết thương tâm, trái với luân thường đạo lý diễn ra liên tiếp tại vùng đất phía Nam sông Đuống được cho là liên quan tới một cổ miếu "nổi giận". Lý do đưa ra là người sống xâm phạm đến đất ở của người chết nên "âm hồn" về hỏi tội. Có cốt truyện, có chứng nhân, thậm chí có lời xác nhận của ông trưởng thôn, xuất hiện trên mặt báo rành rành. Câu chuyện sẽ không có gì bàn cãi nếu như ngày nọ chúng tôi không về tận núi, truy tìm nguyên nhân của sự việc kỳ lạ này. Hóa ra tất cả chỉ là sản phẩm cắt ghép của một vị nhà báo lắm tài lẻ, nhưng thiếu cái tâm trong sáng khi đi làm báo. Còn ông trưởng thôn kêu oan rằng ông chưa từng phát ngôn như thế.

Không có nhiều người chết vì cổ miếu "nổi giận"

Theo bài báo "Ngôi làng trắng khăn tang vì cổ miếu nổi giận", tháng 7 vừa qua, làng Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trắng khăn tang bởi có tới 8 cái chết của người làng. Và trong suốt 7 năm trở lại đây, hàng loạt vụ việc kinh hoàng liên tiếp xảy ra khiến một số người dân khiếp sợ. Họ luôn tin rằng "phần âm" của làng không hoàn thiện nên dẫn tới những sự việc trái với đạo lý và luân thường.

Bài báo nọ còn chỉ ra những vụ thảm án trái với đạo lý và luân thường ấy. Đó là vụ huyết án trong một gia đình, nạn nhân là mẹ vợ và thủ phạm chính là chàng con rể. Câu chuyện được kể lại một cách đầy đủ bởi người hàng xóm, tình tiết khá gay cấn. Tuy nhiên, khi hỏi ông Nguyễn Văn Tập, trưởng thôn Đại Trạch thì mọi việc không dừng lại đó. Ông Tập cho hay làng ông đúng là có sự việc đó nhưng cả chục năm rồi. Chàng rể "quý tử" ấy là Nguyễn Văn Muốn, vì chút mâu thuẫn nhỏ với vợ mà trong một phút không kiểm soát được bản thân do ma men dẫn lối, đã cuồng lên vung dao giết mẹ vợ sống một mình cạnh đó. Sau đó anh ta đi tù và giờ cũng chết. Sự việc diễn ra lâu lắm rồi và đều có căn nguyên của nó (ở đây là do rượu) chứ không phải do cổ miếu nổi giận hay điều gì đại loại như thế.

Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên có bà cụ vì tuổi già nghễnh ngãng, tưởng thuốc diệt mối là mì chính nên đã lấy cho vào nồi canh bắp cải và sau đó 5 người trong gia đình chết vì ngộ độc cũng là có thật. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao bài báo lại xếp vụ việc này vào "trái với đạo lý và luân thường"? Ông Tập cũng nói người ta viết một mà không viết hai. "Đó chẳng qua là sơ suất, một việc không may được gây nên bởi một bà cụ gần đất xa trời. Cụ có cố ý làm một việc tày đình như thế đâu. Với lại, câu chuyện cũng xảy ra ngót nghét cả chục năm rồi. Đâu có phải gần đây!", ông bức xúc.

Và thông tin 7 năm trở lại đây làng Đại Trạch có nhiều cái chết xảy ra, ông Tập giải thích: "Làng này năm nào chả có trung bình 18 - 22 cụ ra đi. Do tuổi cao sức yếu cả thôi. Đó là số liệu của một năm chứ một tháng thì lấy đâu ra nhiều người để mà chết thế. Và tháng 7 vừa rồi, không phải có tới 8 cái chết như bài báo nọ đã đưa mà chỉ có 4. Lý do họ chết chỉ vì họ già yếu, thế thôi".

"Miếu âm hồn" thờ tứ vị thánh nương chứ không phải nghĩa sỹ xưa

Bài báo còn có lời "xác nhận" của ông trưởng thôn rằng: "Đúng là nhiều người làng Đại Trạch đang gặp những chuyện không may. Không chỉ thế, gần đây còn xảy ra cả những chuyện như bố chồng làm bậy với con dâu hoặc thầy giáo dụ dỗ học sinh "chơi trò người lớn". Ông Tập ngao ngán: "Tôi chưa từng nói như thế. Anh ta gặp tôi chưa đầy 5 phút, chỉ hỏi một câu là ở làng này có miếu mạo gì không? Và tôi trả lời rằng miếu thì có nhưng tôi không rõ nó nằm ở đâu".

"Miếu mồ tôi có biết đường nào đâu"

Không rõ nó nằm ở đâu thật! "Bởi từ bé đến lớn, dù có nghe ông bà kể lại là có miếu nhưng miếu mồ tôi có biết đường nào đâu. Nó tròn méo như thế nào bắt tôi nói ra tôi cũng chịu. Với lại cũng chỉ là nghe nói thôi, chứ tôi cũng không khẳng định là nó có thật hay không. Còn cái miếu được cho là miếu âm hồn mà anh phóng viên nọ chụp đưa lên báo thì hiện nay gia đình tôi đang canh tác, làm trang trại ở đấy. Và xưa kia ông bà truyền lại là thờ tứ vị thánh nương chứ làm gì có nghĩa sỹ hay cai vàng nào như bài báo đã đưa". Ông Tập cũng bác bỏ thông tin mình đã gặp một chiếc quan tài được chôn theo hướng thẳng đứng khi đào xung quanh khu vực miếu như bài báo viết. Ông bảo có thể anh ta nghe dân kể lại, ai thì ông không biết nhưng ông thì không. Ông nói chắc nịch.

Khi khu đất có ngôi miếu bị quy hoạch, các vong hồn không còn "nhà" để ở, nên "vất vưởng" làm hại mọi người. Cả chuyện một anh người làng đang đi xuất khẩu lao động tít bên Hàn Quốc đi xem bói rồi phán đất ở quê đang bị động, có người nhà vừa mất mạng, nếu không làm lễ giải hạn thì làng sẽ còn gặp nhiều tai ương cũng thế. Tất cả xuất phát từ quan niệm mê tín của một số người khi cho rằng trần sao thì âm vậy. Với lại, đúng là nghe nói có miếu mạo thật nhưng khi hỏi miếu "âm hồn" ở đâu thì nhiều người làng trở nên lúng túng. Họ chỉ nghe nói thôi. Rồi đồn thổi tai nhau, thêm mắm muối, tăng sự bí hiểm, giật gân và kinh hãi cho câu chuyện.

Còn bài báo, tác giả của nó đã không biết rằng cách đây 30 - 40 năm, khu vục được xem là nơi ở của âm hồn nghĩa sỹ mà mình viết lại toàn là lò gạch cũ. Thực hiện chương trình VAC của nhà nước, dân cư đã tiến hành san phẳng những thùng lò gạch cũ thành ao, ruộng để cày cấy. Và nói gì cho xa, hiện nay gia đình ông Tập cùng con cái của mình nuôi trồng ở đó.

Vốn dĩ xuất phát từ một việc chẳng ai rõ nó có tồn tại hay không mà giờ đây dân làng Đại Trạch xôn xao và bất an vì "cổ miếu" nổi giận nên nhiều người chết. Mà thực ra làm gì có nhiều người chết đến thế. Vụ gia đình bà cụ kia thì đúng là nhiều thật nhưng đã diễn ra hàng chục năm rồi. Bây giờ mồ mả cũng xanh cỏ cả rồi, khơi lên làm gì? Gặp ông Tập, ai cũng hỏi có đúng thế không. "Chẳng hiểu người ta cắt ghép như thế nào mà tài thế. Có cả tôi vào tấm hình. Ông bí thư sau khi đọc báo xong cũng gọi tôi sang gấp để hỏi đầu đuôi sự tình. Khổ. Tôi có nói thế đâu. Nói chuyện với anh ta có vài câu, chưa đầy 5 phút thì nói được gì".

Khi chúng tôi về tận nhà ông Tập để xác minh lại thông tin. Ông nhìn một lượt từ trên xuống rồi hỏi thẻ phóng viên, hoặc giấy giới thiệu. Ông còn cẩn thận ghi lại họ tên đầy đủ của tôi vào một cuốn sổ. Ông bảo: "Hôm bữa, nhà báo kia tự dưng ở đâu qua ngôi chùa trong làng tôi, ngồi nói chuyện với mấy vị bô lão ở đó, chẳng biết mấy vị ấy nói gì mà anh ta chạy đến nhà hỏi chuyện tôi. Khi tôi hỏi thẻ phóng viên hay giấy tờ gì thì anh ta bảo cháu quên, vội quá. Mà tôi có biết anh ta là ai đâu, cho tới khi bài báo kia ra đời". Khi dẫn tôi ra ngôi miếu thờ tứ vị thánh nương trên khu đất mà gia đình ông đang quản lý, bà vợ ông bảo rằng: "Nhớ đừng cắt ghép ảnh ông ấy lung tung rồi đưa lên báo nhé. Rách việc lắm!".

Đem nghi ngờ về những cái chết liên tiếp ở làng Đại Trạch liên quan tới cổ miếu "nổi giận" trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Tổ thì ông Thành khẳng định: "Từ trước tới giờ, chúng tôi chưa từng được nghe thông tin này cũng như nghe thấy có một sự việc như thế tồn tại. Nếu có thật thì chúng tôi đã biết. Dưới đó đúng là có nhiều ngôi miếu từ ngày xưa để lại nhưng vị trí như thế nào thì tôi chịu. Còn việc nhiều người chết, chúng tôi khẳng định không có chuyện đó, ít nhất trong vòng một năm trở lại đây. Còn những vụ việc liên quan tới hai gia đình bà cụ và con rể - mẹ vợ kia thì diễn ra lâu lắm rồi. Và đều có căn nguyên của nó chứ không phải vì ngôi miếu nào cả. Tất cả chỉ là lời đồn đại mà thôi".