Nỗi lòng đứa con mong bố... chết sớm

ANTĐ - Khi được hỏi, em ước điều gì cho gia đình mình, em bảo rằng "em cầu mong hoặc là bố em đừng cờ bạc, rượu chè và đánh đập chửi bới vô cớ vợ con nữa, hoặc là bố em chết đi!"

Cậu bé ngồi trước mặt tôi với ánh mắt còn ngây thơ nhưng đầy lửa căm hận pha lẫn ánh nhìn sợ hãi, thảng thốt. Cậu là khách hàng đầu tiên không tự nguyện khi đến gặp nhà tư vấn và còn bởi dẫn cậu đến là một người dì ruột cùng một cán bộ phụ nữ địa phương và một đồng chí công an có nhiệm vụ tháp tùng. Lần đầu tiên trong đời làm tư vấn của mình, tôi không khỏi chạnh lòng xót xa, thương cho một mầm xanh vừa nhú đã bị sóng gió cuộc đời xô đẩy đến bầm dập.

Em là Tuyến, năm nay 16 tuổi, là con cả trong gia đình có 3 anh em, bố mẹ đều làm ruộng ở một xã thuần nông nghèo của huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nhà Tuyến đã nghèo, anh em Tuyến lại còn khó vì một người bố nát rượu. Bố Tuyến năm nay 51 tuổi, lấy mẹ Tuyến là vợ thứ hai vì người vợ thứ nhất không chịu được sự nghiện ngập rượu chè, lười biếng của ông nên đã bỏ đi. Mẹ Tuyến suốt ngày lo ruộng đồng, hết ngày vụ lại đi thu mua đồng nát khắp nơi trong vùng lấy tiền nuôi con. Ngày nào mẹ cũng ra khỏi nhà từ 6h sáng và về đền nhà lúc 6-7h tối. Bố Tuyến vốn lười lao động lại ham chơi, rượu chè suốt ngày. Mỗi lần say rượu, ông lại quát nạt, đánh đập, chửi bới anh em Tuyến rất vô cớ.

Anh em Tuyến lúc nào cũng lầm lũi, cam chịu vì mẹ đi vắng, bố đánh không ai bênh nên chỉ biết bảo nhau, hễ bố say rượu là tránh đi chỗ khác. Ba anh em rất ngoan, ngày ngày bảo nhau học hành, tự nấu nướng ăn uống, tắm giặt. Bố ở nhà nhưng la cà quán xá suốt ngày, chỉ về nhà khi đến bữa và với thái độ hằn học, chỉ cần những lúc đó anh em Tuyến ho he một câu là ông sẽ tát hoặc cầm bất cứ thứ gì vớ được để đánh. Nếu tối về mấy anh em mách mẹ, bố Tuyến sẽ đánh cả mấy mẹ con và chửi bới suốt đêm.

Ảnh minh họa

Hàng xóm láng giềng không ai muốn can ngăn vì tính bố Tuyến "Chí Phèo" mọi người không muốn dây. Họ hàng thì ở xa, ông bà nội không nói nổi bố Tuyến. Các chú các bác cũng vậy, ai cũng bận rộn với cuộc sống của mình, thành ra có biết bố Tuyến cờ bạc rượu chè cũng chỉ góp ý phần nào, còn việc bố Tuyến có nghe hay không đành chịu. Thương các cháu, mọi người cũng chỉ biết vậy chứ không thể làm gì khác được. Mẹ thì quá hiền lành, nhẫn nhịn đến mức nhu nhược, suốt ngày chỉ lo đi làm lấy tiền nuôi con, nên bố Tuyến như ông vua con ở trong nhà. Hậu quả là càng ngày ông càng trở nên nghiện ngập nặng nề hơn, lười biếng hơn và thô bạo hơn.

Dù hoàn cảnh như vậy nhưng anh em Tuyến vẫn luôn được đánh giá là ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ chịu khó, biết yêu thương nhau, tự bảo nhau học hành, làm lụng việc nhà đỡ mẹ. Những đòn roi vô cớ như cơm bữa biến ba đứa trẻ trong độ tuổi thơ ngây trở thành những cái bóng lầm lũi, lúc nào cũng sống trong sợ hãi lo âu. Là anh cả phải sống trong một hoàn cảnh như vậy, Tuyến phải gồng mình lên để bảo vệ, che chắn cho các em. Nó thôi thúc bản năng làm anh của một đứa trẻ, đang ở độ tuổi muốn khẳng định mình như một người lớn trở nên mãnh liệt. Có những trưa chứng kiến đứa em gái út ngủ say, trong cơn mơ nó khóc ú ớ rồi hoảng loạn, mồm vẫn nói "con xin bố, bố đừng đánh con nữa" khiến một đứa anh như Tuyến cảm thấy đau thắt ruột gan.

Càng thương em, thương mẹ, Tuyến càng căm hận bố, trách bố sao nhẫn tâm độc ác và không có tình thương với các con như vậy. Sự ngầm chống đối, uất ức, không chịu khuất phục ngày càng lớn lên trong đứa con đang ở độ tuổi mới lớn. Và như vậy khoảng cách giữa em và bố ngày càng lớn hơn, sự hằn học trút lên đứa con trai lớn càng nhiều hơn vì cho rằng con láo, dám cãi bố, sự hận thù trong đứa con cũng ngày càng ngùn ngụt.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra vào một ngày tháng sáu nóng nực. Ba anh em được nghỉ hè ở nhà trông nhau. Bố Tuyến để có tiền trả nợ nhậu nhẹt đã gọi người về nhà bán thóc. Mẹ đi vắng, Tuyến ở nhà thấy vậy hết sức bất bình liền nói: "Bố không được bán, khi nào mẹ về mới được bán". Kết thúc câu nói của em là một cái tát nảy đom đóm mắt mà bố giáng xuống. Choáng váng, đau đớn càng khiến Tuyến căm hận người bố vô lương tâm nhiều hơn. 

Sự ngăn cản của em khiến cuộc trao đổi, mua bán phải dừng lại. Ngay khi mọi người ra về, bố Tuyến trút cơn giận lên đứa con trai tội nghiệp, ông cầm được cái phích ném vào em nhưng ém tránh được, ông lại tìm cây đòn gánh đuổi đánh Tuyến. Dù cố gắng tránh nhưng em cũng không thoát hết được những đòn vụt chí mạng của bố lên thân mình.

Cuộc chiến xảy ra giữa một người bố lực lưỡng ở tuổi 40 chủ động ở thế tấn công với một sự trút bực tức không thương tiếc và một đứa trẻ con mới 16 tuổi chống cự yếu ớt, chỉ dám tránh mà không dám đánh trả. Hai đứa em gái gào khóc sợ anh bị bố đánh đau, van xin bố những tất cả đều ngoài tai.

Để phòng vệ cho mình, Tuyến đẩy chiếc ghế nhựa về phía bố để cản bước chân của bố, tránh cái vụt chí mạng lên đầu mình, làm ông bị ngã. Vì đang hăng sức đuổi đánh con, bị hẫng bước, va chân vào cái ghế nên mất đà, ông ngã va đầu vào thành bàn uống nước bằng kính. Cú ngã đập mạnh vào thành bàn khiến bố em chảy rất nhiều máu, mọi người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả giám định ông bị chấn thương hộp sọ, tổn hại sức khỏe 15%.

Hàng xóm láng giềng, gia đình nhà nội không ai hiểu hết câu chuyện đã đến làm ầm lên, yêu cầu công an phải bắt để "dạy cho cái thằng mất dạy bài học", "con giết cha". Tuyến bị công an xã bắt giải xuống xã nhốt vào nhà kho. Hai đứa em như gà con mất mẹ khóc lóc thảng thốt, mẹ vẫn chưa đi làm về. Tuyến sợ hãi, hoang mang, em đã mắc vào tội bất hiếu, "tội giết bố".

Khi người mẹ về đến nhà thì đã thấy nhà cửa tan hoang, chồng con tan tác hết. Hai đứa bé ôm chặt lấy mẹ khóc lóc sợ hãi. Chị chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì tiếng bà nội đã xối xả vào tai "chị đi làm làm gì, chị bỏ chồng bỏ con ở nhà để chúng nó giết nhau đây này, chị thấy hài lòng chưa, vô phúc, nhà này vô phúc, con giết cha giời ạ...".

Chị bàng hoàng, thẫn thờ cả người, sao lại có chuyện tày trời như vậy. Hỏi bố đâu, đứa bé trả lời "bố đang ở viện", hỏi anh đâu "anh bị công an bắt đi rồi". Lòng người mẹ quặn thắt chị rụng rời chân tay, trời đất như sụp đổ dưới chân, tại sao lại ra cơ sự này.

Chị vội vàng đi tìm con, trời nhá nhem tối, đứa con trai tội nghiệp đang bị nhốt trong nhà kho, thân thể đầy vết bầm tím gục mặt xuống đầy đau khổ. Gặp được mẹ, Tuyến òa khóc nức nở, hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc, mọi thứ vỡ òa trong nước mắt.

Sau 2 ngày bị tạm giam, có lẽ do cảm giác tội lỗi, sự sợ hãi, nỗi ân hận, sự xấu hổ, sự dồn nén những căm giận người bố tàn nhẫn cùng với tâm trạng của một đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn khiến Tuyến căng thẳng thần kinh cao độ, em trở nên mất cân bằng, có lúc hoảng loạn. Em được người dì ruột bảo lãnh cho về nhà, thấy tình hình sức khỏe tâm thần của cháu không ổn, nếu để quá có thể cháu sẽ trở nên bệnh lý nên dì đưa cháu đi tư vấn tâm lý. Và đó là cơ hội cho tôi được giúp đỡ em.

Ảnh minh họa

Sau tất cả những sẻ chia, tâm sự của Tuyến cùng với quá trình tìm hiểu về nhân thân của em, tôi biết ở lớp, em là một học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi, hiền lành được thầy cô, bạn bè yêu mến, ở nhà em là một người anh mẫu mực, đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần của mẹ mặc dù em mới 16 tuổi. Khi được hỏi, em ước điều gì cho gia đình mình, em bảo rằng "em cầu mong hoặc là bố em đừng cờ bạc, rượu chè và đánh đập chửi bới vô cớ vợ con nữa, hoặc là bố em chết đi!"

Tôi không ngạc nhiên và không nỡ trách em có một ước mơ ngược đời và trái với đạo lý, khi em đang ở độ tuổi hồn nhiên nhất như vậy, bởi tôi hiểu những tâm trạng của em, những ước ao một sự bình yên trong em.

Bi kịch xảy đến không thể trách em vì em cũng chỉ là nạn nhân của nạn bạo hành. Gỡ bỏ cho em những mặc cảm tội lỗi, bồi dưỡng cho em đạo lý làm con, sự rộng lượng khoan dung với người bố đẻ ra mình, giải thích cho em hiểu cái đúng cái sai trong hành động của em và sự chẳng may va đập dẫn đến bi kịch đau lòng... tôi đã giúp em bình thản hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn dù em vẫn còn là một đứa trẻ. Tôi không làm được gì nhiều cho em, chỉ có thể thông qua các cơ quan đoàn thể nói một điều giúp em, đó là thương tích của bố em là sự chẳng may chứ không phải sự cố ý của em, sự việc cần được nhìn nhận khách quan và công bằng hơn.

Ai cũng nhìn thấy vết máu trên trán bố em nhưng đó là vết rách duy nhất, nhưng không ai nhìn thấy những vết bầm tím trên cơ thể em, những đòn roi đã trở nên chai dạn làn da em, những tổn thương hằn lên trong trí não non nớt của em. Mọi người ai cũng thấy sự việc con chống đối cha là "bất hiếu", còn người cha hàng ngày đánh đập, gây tổn thương cho da thịt non nớt của con, làm tổn thương trái tim thơ ngây và non dại của con thì mắc tội gì?

Xã hội, cộng đồng, họ hàng người thân của em có nhìn ra?