Phong cảnh đền Nguyệt Hồ
Nằm giữa những triền núi non trùng điệp, từ lâu, hát văn đã trở thành “đặc sản” tại đền Nguyệt Hồ. Cách địa phận huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chỉ vài cây số, các sinh hoạt, tập quán của đồng bào quanh vùng mang đậm dấu ấn vùng núi. Bà Nguyễn Thị Chắt, 79 tuổi - thủ nhang tại đền kể rằng: Cả nước duy chỉ có đền này thờ “chúa Bói”, theo quan niệm, những thầy chiêm tinh, địa lý, thanh đồng khi trình đồng mở phủ đều lên đây dâng văn, xin lộc. Trong đó một trong những hoạt động không thể thiếu là hát văn.
Truyền thuyết kể rằng: “Bà Nguyệt Nga là người vùng Yên Thế, từ nhỏ sống trong cảnh cơ hàn nhưng có lòng nhân hậu, lão tổ Quỷ Cốc Tử tiên sinh đã thương tình và truyền dạy cho bà pháp thuật chiêm tinh, tướng số và đặt tên hiệu là Nguyệt Hồ. Để ghi nhớ công lao và cuộc đời của chúa, người đời sau dâng văn rằng: “Sống âm thầm mồ côi cha mẹ/Gặp được thầy Quỷ Cốc tiên sinh/Một đời người đi làm phúc cứu dân/Tiên sinh ban phép đặt tên Nguyệt Hồ”. Sau khi học được phép của Tiên Sinh, bà dành cả đời mình làm phúc giúp dân lành. Chẳng bao lâu, danh thơm ấy đã lan truyền tới kinh đô, đức vua bèn mời chúa về, mỗi lần ra trận chống giặc xâm lăng, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ bà xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược. Sau khi mất, chúa bà vẫn hiển linh xem bói giúp dân lành trừ diệt tai ương. Giới thanh đồng thường bảo rằng: Bà chúa Nguyệt Hồ khi ngự đồng thường mặc áo xanh, múa mồi, đôi khi “chúa ngự” về còn dùng lá trầu, quả cau để xem bói, phán bảo trần gian. Ngày lễ tại đền Nguyệt Hồ vào 15-2 âm lịch, tại đây phần tế được tiến hành với những nghi lễ độc đáo là lễ hát dâng văn. Người được chọn diễn xướng hát văn phải có giọng hát hay, đàn giỏi, đức tài trọn vẹn và gia đình không có tang bụi.
Một canh hầu đồng
Tiếng trống từ từ vang lên, âm thanh nỉ non của sáo trúc, đàn nguyệt hòa quyện giữa núi rừng khiến cho buổi lễ có sức hút lạ kì. Trên ban thờ, lễ vật đã tươm tất bánh kẹo, hoa quả. Phía dưới chiếu, thanh đồng, cung văn và người đi lễ trang nghiêm chắp tay thành kính, một canh hát văn tại đền Nguyệt Hồ được bắt đầu như vậy. Những ai đến đây đều mê đắm những điệu hát văn trầm lắng, sâu sắc và bay bổng như nghiêng ngả đất trời. Lời văn hát mừng chúa bản đền không chỉ mang âm hưởng núi rừng, bản sắc văn hóa của địa phương mà còn thể hiện được phong cách, cuộc đời chúa. Khi diễn xướng, mỗi thanh đồng, cung văn như một diễn viên thể hiện say sưa trong từng bản nhạc, điệu múa. Những câu chuyện huyền thoại của các nhân vật lịch sử trong mỗi giá hầu đồng lần lượt được “kể” nối tiếp nhau bằng màn diễn xướng nghệ thuật qua điệu bộ, cử chỉ của thanh đồng và lời ca của cung văn một cách đầy hưng phấn. Âm nhạc khi bổng, khi trầm đã khiến cho những ai chứng kiến buổi lễ đều thấy phấn chấn, vui tươi và chắc chắn dư âm ấy sẽ còn lắng đọng với nhiều người. “Tiếng lành đồn xa”, hằng năm đặc biệt vào mùa xuân có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các địa phương trong nước hành hương về đền Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an. Đây còn là một trong những không gian chung của tín ngưỡng thờ Tứ phủ như: Đền Suối Mỡ (Lục Nam), Bắc Lệ (Lạng Sơn), Phủ Dầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), Bảo Hà (Lào Cai)…
Nghi lễ hát văn, hầu đồng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên bên cạnh những nét đẹp vẫn còn một số người lợi dụng gây biến tướng. Do đó mỗi thanh đồng, cung văn cần có ý thức tích cực giữ gìn sự trong sáng trong nghi lễ này.