“Nỗi đau” kinh tế sau một năm xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu “xuống thang”, trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề với tốc độ tăng trưởng giảm sút, vật giá leo thang, bóng ma lạm phát vẫn lơ lửng do những yếu tố bất ổn về nguồn cung năng lượng và lương thực.
Xung đột quân sự Nga - Ukraine đẩy giá lương thực lên cao khiến nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói

Xung đột quân sự Nga - Ukraine đẩy giá lương thực lên cao khiến nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói

“Cú sốc” kinh tế ngay sau “cú sốc” xung đột

Cuộc xung đột quân sự bùng nổ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24-2-2022 đã ngay lập tức làm gia tăng bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn còn đang gượng dậy sau “trận càn quét” của đại dịch Covid-19. Tiếp đó, các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây liên tiếp giáng xuống nước Nga - ước tính tổng cộng hơn 10.000 lệnh trừng phạt - đã gây ra những ách tắc, cản trở lớn với thương mại thế giới vốn có “dòng chảy” vô cùng mạnh mẽ sau hàng thập kỷ quá trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng.

Việc dòng chảy năng lượng từ một nhà cung cấp lớn như nước Nga ra thị trường toàn cầu suy giảm đã gây ra cú “sốc” đối với nhu cầu và giá cả khắp toàn cầu, cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cơn gió nghịch đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Lạm phát toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2022, chủ yếu do xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng, lương thực và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp năng lượng, nguyên liệu thô, lương thực và phân bón lớn trên thế giới. Giá dầu thế giới vì thế đã tăng “dựng đứng” và duy trì ở mức trung bình trên 100 USD/thùng trong 5 tháng liên tiếp, từ tháng 3 đến tháng 7-2022. Giá lương thực thế giới cũng leo lên mức kỷ lục mới do cuộc xung đột Nga - Ukraine, làm gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tăng lên mức đỉnh 159,3 điểm trong tháng 3-2022 so với mức chỉ 141,4 điểm vào tháng 2-2022. Chỉ số này sau đó hạ nhiệt dần, nhưng vẫn ở mức cao và góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng.

Giá năng lượng, lương thực và các hàng hóa cơ bản tăng cao đã khiến lạm phát tại nhiều quốc gia có thời điểm tăng lên mức kỷ lục. Tại Mỹ, lạm phát tháng 5-2022 lập đỉnh 40 năm với mức 8,6%. Tại châu Âu, giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ trên 8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao cũng khiến cho lạm phát ở các nước Đông Nam Á ở kỷ lục mới 7,1% tại Thái Lan vào tháng 5-2022 và 5,4% ở Philippines.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine giáng đòn nặng vào kinh tế toàn cầu đang hồi phục mong manh sau 2 năm rơi vào vòng xoáy của đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức 6,02% năm 2021 xuống chỉ còn 3,19% năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,6% giai đoạn 10 năm trước đại dịch (2010-2019). Trong khi đó, lạm phát toàn cầu lên tới 8,66% trong năm 2022 và dự báo 6,35% năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển đều giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm từ mức 5,7% vào năm 2021 xuống còn 1,6% vào năm 2022 và dự báo xuống tiếp 1% vào năm 2023. Kinh tế các thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga - Ukraine, chỉ đạt mức tăng trưởng 3,23% trong năm 2022. Trong đó, khu vực đồng Euro và hầu hết các quốc gia thành viên EU rơi vào suy thoái trong quý IV-2022.

Các nền kinh tế đang phát triển cũng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn cũng như nhu cầu yếu hơn do các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc chỉ đạt 3,21% do tác động “kép” ảnh hưởng đại dịch và xung đột tại Ukraine. Ở một số nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng để kiềm chế lạm phát tăng cao khiến triển vọng kinh tế xấu đi nhanh chóng.

Mong hòa bình trở lại

Cùng chịu tác động nặng nề của xung đột quân sự Nga - Ukraine nhưng các nước phát triển với nền tảng vững chắc, mức sống cao dù suy giảm kinh tế và đời sống song hậu quả còn nặng nề hơn nhiều với các nước đang phát triển, với những người thu nhập thấp, người nghèo. Ông Adam Posen, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Mỹ, cho rằng, chiến sự tại Ukraine là “một thảm họa nhân đạo”.

Tại Ai Cập (nơi 1/3 dân số sống trong nghèo khổ), bà Halima Rabie, một góa phụ 47 tuổi, đã phải chật vật nhiều năm nay để nuôi 5 đứa con còn đang đi học. Người phụ nữ làm lao công tại một bệnh viên ở thành phố Giza này đã phải cắt giảm cả những thực phẩm thiết yếu cho gia đình do giá ngày càng tăng, thịt và trứng trở thành “đồ xa xỉ”.

Tại Nigeria - quốc gia vốn nhập khẩu rất nhiều lúa mỳ Nga, giá lương thực đã tăng 37% trong năm 2022, trong đó giá bánh mỳ tăng gấp đôi tại những nơi thiếu lúa mỳ. Ít nhất 40% hiệu bánh tại Thủ đô Abuja của nước này đã phải đóng cửa do giá bột mỳ tăng 200%. Ông Mansur Umar, Chủ tịch Hiệp hội thợ bánh tại Abuja, cho biết những hiệu bánh còn hoạt động thì chấp nhận không có lãi và rất nhiều người đã dừng ăn bánh mỳ để chuyển sang món rẻ hơn.

Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã phần nào làm dịu “cơn khát” lương thực toàn cầu, nhưng có nguy cơ không được phía Nga gia hạn khi hết hạn vào tháng 3 tới. Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley ngày 18-2 cảnh báo việc không xem xét lại sáng kiến được Liên hợp quốc hậu thuẫn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bị Nga phong tỏa sẽ là thảm họa khi hàng triệu người ở châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.

Theo WFP, thế giới vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có với gần 350 triệu người lâm vào nạn đói. Trong nghiên cứu chung với Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), WFP cho rằng, hiện có tới 828 triệu người, tức hơn 1/10 dân số thế giới, vẫn phải đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm.

Một nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và mô hình hóa tác động trực tiếp và gián tiếp đối với các hộ gia đình ở 116 quốc gia, chiếm gần 90% dân số toàn cầu cho biết, gia tăng giá năng lượng chiếm khoảng 3 đến 5% mức tăng tổng chi tiêu hộ gia đình. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm 78 triệu đến 141 triệu người trên thế có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo khổ cùng cực - sức mua hàng ngày giảm xuống dưới 2,15 USD, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo ghi nhận của Reuters tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, những người bán hàng rong do khó có thể tăng giá khi mà khách hàng đang gặp khó khăn đã có “sáng kiến” giảm khối lượng sản phẩm. Ông Muroki, chủ một quầy đồ ăn cho biết, 1kg gạo trước đây nấu được 8 phần đồ ăn nhưng nay chia ra 10 phần bởi khách hàng “sẽ không ghé vào nếu giá cao”. Bởi thế, ông Murok bày tỏ: “Chúng tôi mong hòa bình trở lại. Vì sau cùng, chẳng ai thắng hay thua cả. Tất cả đều sẽ thành nạn nhân”.