Một năm xung đột quân sự Ukraine: Châu Âu khao khát hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine không chỉ cuốn hai quốc gia này mà cả thế giới, nhất là châu Âu, vào một vòng xoáy kinh khủng với những tổn thất, thiệt hại nằm ngoài sức tưởng tượng khi chiến sự mới bùng nổ cách đây gần một năm. Cho đến nay, vẫn chưa ai nhìn thấy tia hy vọng mong manh về việc chấm dứt cuộc xung đột thông qua bàn đàm phán. Chính vì thế, hòa bình càng trở thành nỗi khao khát của người dân hai bên trực tiếp tham chiến cũng như của cả châu Âu.

Tổn thất vượt xa tưởng tượng ban đầu

Chẳng những chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” vào thời điểm sắp tròn một năm cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine mà giới quân sự thế giới lại đang cảnh báo về khả năng Nga có thể sắp mở cuộc tấn công quân sự mới ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, nhiều trang thiết bị vũ khí hạng nặng như pháo tầm xa, xe tăng cùng đạn dược… đang được Mỹ và các nước châu Âu chuyển giao cho Ukraine để ngăn chặn đà tấn công, phản kích của Nga.

Cuộc xung đột ác liệt Nga - Ukraine kéo dài gần 1 năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên

Cuộc xung đột ác liệt Nga - Ukraine kéo dài gần 1 năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên

Có thể thấy, thay vì nói về khả năng, triển vọng đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine người ta lại thấy chủ yếu là những thông tin gia tăng căng thẳng, leo thang chiến sự vào thời điểm cuộc xung đột này sắp tròn một năm ngày bùng nổ, 28-2-2022. Một năm qua, những tổn thất, thiệt hại mà cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra cho không chỉ hai bên tham chiến mà cả châu Âu cũng như thế giới vượt xa sự tưởng tượng ban đầu.

Tổn thất lớn nhất và cũng là tổn thất không gì có thể bù đắp được là con số thương vong mà Ukraine và Nga phải gánh chịu. Hiện chưa có công bố chính thức từ hai phía Ukraine và Nga về tổn thất sinh mạng, song một báo cáo công bố hồi tháng 1 vừa qua cho biết, con số thương vong ở phía Ukraine là khoảng 100.000 người. Phía Nga chưa có một báo cáo nào liên quan, nhưng tổn chất về sinh mạng cũng chắc chắn rất lớn.

Chiến sự ác liệt, theo Liên hợp quốc, đã khiến khoảng 1/3 người Ukraine buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt để đi lánh nạn. Trong đó, khoảng 5 triệu người tị nạn Ukraine đã đến các nước châu Âu, trong làn sóng tị nạn mà Liên hợp quốc đánh giá là “cuộc khủng hoảng di cư gia tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến II”.

Cuộc xung đột kéo dài suốt gần năm qua đã đẩy nền kinh tế đất nước và người dân Ukraine vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Dù được Mỹ và các nước châu Âu cùng đồng minh hỗ trợ tài chính, vật chất rất lớn, song giao tranh ác liệt đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Ukraine. Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Ukraine ước tính giảm tới 1/3 vào trong năm 2022. Chi phí tái thiết Ukraine, với mức độ tàn phá tính tới hiện nay đã dự kiến vượt hơn 1.000 tỷ USD.

Nga tỏ ra chống chọi khá tốt với liên tiếp các đòn trừng phạt kinh tế, cấm vận khắc nghiệt chưa từng thấy của Mỹ và quốc gia đồng minh nhưng cũng phải chịu những khó khăn nghiêm trọng. Theo số liệu được Hãng thông tấn Nga Tass trích dẫn từ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính nước này Anton Siluanov, GDP của Nga đã tăng trưởng -2,7%, mức suy giảm được xem thấp hơn nhiều so với dự đoán của phương Tây là từ 3,4% - 4,5% sau khi kinh tế Nga phải chịu hơn 10.000 lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine còn cuốn cả kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng khiếp của nó, trong đó gây bất ổn và thiệt hại nặng nhất là hai cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực. Hai cuộc khủng hoảng này đẩy lạm phát leo thang khiến đời sống người dân nhiều nơi trên thế giới vốn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục giảm sút.

Vốn phụ thuộc lớn vào năng lượng từ Nga, cú sốc năng lượng đã gây ra thiệt hại khoảng 3-3,5% GDP của châu Âu, tương đương với cú sốc dầu mỏ hồi những năm 1970. Chưa kể, theo ước tính của viện nghiên cứu độc lập Bruegel, tác động kinh tế của cuộc chiến Ukraine đối với chi phí ngân sách trực tiếp ngắn hạn của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên có thể lên tới 175 tỷ euro hoặc khoảng 1,1-1,4% GDP năm 2022.

Mong cùng thỏa hiệp, chấm dứt xung đột

Tổn thất sinh mạng và vật chất đang ngày càng lớn, song điều đang được bàn thảo nhiều nhất lúc này ở các bên tham chiến trực tiếp và hậu thuẫn là giải pháp quân sự để thắng trong xung đột chứ không phải là giải pháp thương lượng hòa bình.

Trong chuyến thăm Anh từ ngày 8-2-2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tặng Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle chiếc mũ của một phi công chiến đấu có mang dòng chữ “Chúng tôi có tự do, hãy cho chúng tôi đôi cánh để bảo vệ điều đó”. Điều này không chỉ ngụ ý đề nghị Chính phủ Anh cung cấp thêm vũ khí và máy bay chiến đấu mà còn mang thông điệp về sứ mệnh bảo vệ châu Âu mà Ukraine đang gánh vác. Nói như cựu Tổng thư ký của NATO Lord Robertson, Ukraine “đang bảo vệ tiền tuyến của chúng ta”.

Lãnh đạo hai nước lớn trong EU là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều cam kết sẽ tiếp tục giúp Ukraine giành chiến thắng. Mỹ và châu Âu bên cạnh việc tiếp tục cung cấp đạn pháo, các trang thiết bị vũ khí khác… đang đẩy nhanh tốc độ chuyển giao xe tăng cho Ukraine, và để ngỏ khả năng sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố, nước này sẵn sàng hỗ trợ các nước đồng minh, nếu họ đồng ý gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Mỹ cũng bắt đầu ủng hộ ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine và điều này có thể khiến cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai với nguy cơ có thể khốc liệt hơn. Vũ khí đang là chủ đề nghị sự chính của Mỹ và phương Tây khi họp bàn Ukraine, thay vì việc tìm kiếm cơ hội đối thoại hòa bình tìm lối thoát cho cuộc xung đột đã gây tổn thất quá lớn này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ngày 18-2 vừa cảnh báo, các nước châu Âu đang gián tiếp tham chiến với Nga. Theo người đứng đầu Chính phủ một quốc gia thành viên EU này, thực ra, các nước châu Âu đang gián tiếp gây chiến với Nga. “Nếu họ - một quốc gia thành viên EU - cung cấp vũ khí, thông tin vệ tinh, hay đào tạo quân đội cho một bên tham chiến; song lại áp dụng trừng phạt với bên còn lại, thì không có vấn đề gì để không nói rằng, bạn đang trong xung đột - đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nguy cơ các nước châu Âu bị lôi vào xung đột luôn thường trực. Từ việc chỉ cung cấp vũ khí không sát thương, giờ là xe tăng máy bay chiến đấu được đưa vào nghị sự; rồi sẽ đến lúc là quân đội gìn giữ hòa bình. Châu Âu đang giống như những kẻ mộng du trên sân thượng vậy” - Thủ tướng Viktor Orban nói.

Những phong trào kêu gọi giải pháp hòa bình cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã nổi lên ở châu Âu thời gian qua. Ngay sau chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Zelensky, hai nhà hoạt động chính trị được nhiều người Đức ủng hộ là Alice Schwarzer và Sahra Wagenknecht đã đồng công bố bản “Tuyên ngôn vì hòa bình”. Bản tuyên ngôn kêu gọi Đức không cung cấp máy bay chiến đấu và không chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời thúc giục Thủ tướng nước này “nên lãnh đạo một liên minh mạnh mẽ cho một cuộc đàm phán ngừng bắn và hòa bình ở cả cấp độ Đức và châu Âu”. Tới nay, bản tuyên ngôn đã thu thập được gần nửa triệu chữ ký.

Áp lực trong dư luận châu Âu về việc ủng hộ hòa bình và thỏa hiệp để chấm dứt xung đột đang gia tăng. Các cuộc khảo sát ở nhiều quốc gia châu Âu như Italia, Áo, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… cho thấy rõ điều này. Châu Âu đang khao khát hòa bình, mong muốn sớm chấm dứt một trong những cuộc xung đột quân sự quy mô lớn nhất và gây tổn thất nhất ở lục địa này sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.