Người chưa thành niên phạm tội
Nỗi đau không của riêng ai
(ANTĐ) - Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm chưa thành niên trong những năm gần đây có nhiều diễn biến rất phức tạp. Trong khi các ban ngành đang đẩy mạnh những phương pháp phòng chống, ngăn ngừa loại tội phạm này thì gia đình và nhà trường cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái.
Người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng |
Ngày 24-5-2010, sau khi dự lễ bế giảng năm học, Nguyễn Văn Đạt (SN 1994), trú tại thôn Tiền, Dục Tú, Đông Anh, học sinh lớp 10 A9, trường THPT Cổ Loa, đi ra cổng trường khoảng 20m thì bị một nhóm thanh niên đánh bị thương. Trên đường đưa đi cấp cứu, Đạt đã tử vong.
Đối tượng gây án ngay sau đó được xác định là 6 đối tượng đều sinh năm 1994 gồm Trần Cao Cường, trú tại 30A Tân Mai; Trần Văn Minh, Nguyễn Hữu Ngọc, Lê Ngọc Lâm, đều trú tại Ngọc Chi, Vĩnh Ngọc, Đông Anh; Đỗ Ngọc Tuấn, trú tại Lực Canh, Xuân Canh, Đông Anh; Nguyễn Tiến Hữu, trú tại Mai Hiên, Mai Lâm, Đông Anh.
Cần sự quan tâm của toàn xã hội
Người chưa thành niên phạm tội thường ít được các gia đình quan tâm, hoặc do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân các em là người phụ thuộc, nhận thức còn non nớt nên việc mời người bào chữa ít khi được chú trọng. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc tái phạm của người chưa thành niên. Để ngăn ngừa tái phạm, ở giai đoạn thi hành án, việc phân loại đối tượng theo nhân thân tốt xấu, theo độ tuổi, theo tính chất, mức độ, hành vi phạm tội cần phải được đặt ra và giải quyết hợp lý. Việc đối xử công bằng và đầy tình nhân ái, việc triển khai tốt công tác dạy nghề, dạy việc, giúp đỡ tìm kiếm việc làm cho người chưa thành niên sau khi thụ án xong cũng là những vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của xã hội. Luật sư Phạm Quang Vinh (Văn phòng Luật sư Tùng Anh) |
Đây chỉ là một trong hàng nghìn vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên trên toàn quốc. Theo thống kê tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội, năm 2010, toàn thành phố đã điều tra khám phá được 222 vụ gồm 348 đối tượng phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên.
Cụ thể giết người: 3 vụ, 9 đối tượng; cướp tài sản: 37 vụ, 79 đối tượng, cưỡng đoạt tài sản: 4 vụ, 5 đối tượng... Trong đó trẻ phạm tội từ 16-18 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (73,6%). Còn theo số liệu của Bộ Công an, hiện cả nước có khoảng 20.000 trẻ em trong độ tuổi tới trường lang thang bụi đời, tụ tập băng nhóm ngoài xã hội. Đó chính là mầm mống của tội phạm đã và đang nảy sinh trong lứa tuổi chưa thành niên.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tội phạm, có nhiều nguyên nhân khiến lứa tuổi còn cắp sách đến trường vi phạm pháp luật. Phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% do cách đối xử của bố mẹ...
Trong một cuộc khảo sát của VKSNDTC cũng cho thấy, 71% trẻ chưa thành niên phạm pháp do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm gần 52%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút.
Một thực tế khác không thể phủ nhận là việc bùng nổ công nghệ thông tin. Nhiều học sinh đã bỏ học vùi đầu vào các quán net để chát, chơi game online, nhất là các trò chơi game bạo lực đẫm máu và kích động mạnh...
Thiếu tiền chơi điện tử, thiếu tiền tiêu xài, hút chích là nguyên nhân những nhóm cướp trẻ con ra đời. Bên cạnh đó là sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: Gia đình - nhà trường - xã hội.
Tuổi trẻ thường bồng bột, các em không thể hình dung hết tính chất nghiêm trọng và hậu quả do mình gây ra. Vì vậy việc phòng ngừa đối tượng này phạm pháp cần được coi là ưu tiên hàng đầu, trong đó gia đình, nhà trường, xã hội phải tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh, quan tâm, sẻ chia những suy nghĩ, vướng mắc của trẻ. Từ đó sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp ngăn ngừa ngay từ đầu.
Nhiều biện pháp phòng ngừa
Tuổi trẻ thường rất nhạy cảm và hiếu động, muốn tìm hiểu những điều mới lạ nhưng chúng lại không hình dung hết được mức độ nguy hiểm và thiệt hại do mình gây ra. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự thường lợi dụng đối tượng này để gây án. Những vụ án do loại tội phạm này gây ra thường rộng lớn và có độ thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên kết quả điều tra không khó vì chúng không có thủ đoạn, không kinh nghiệm để che dấu hành vi phạm tội của mình. Thượng tá Nguyễn Viết Chức (Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội) Chú trọng giáo dục truyền thống
Bên cạnh đó là thiếu sự quan tâm của gia đình. Thực tế, có những ông bố mải mê với sự nghiệp, chức tước, những bà mẹ say sưa kiếm tiền… đã bỏ rơi con trẻ, đến khi chúng “sa lầy” thì trở tay không kịp. Cá nhân tôi thì nghiêng về cách giáo dục theo kiểu truyền thống tức là phải nghiêm khắc ngay từ đầu. Một nguyên nhân khác là Internet, trò chơi trên mạng - những thứ này thì đã rõ. Nhưng có một yếu tố nữa là những thông tin bạo lực, gây sốc trên báo chí. Những thông tin kiểu này xuất hiện nhiều và đậm nét trên báo sẽ rất nguy hại vì nó sẽ làm cho trẻ “chết” cứng về mặt cảm xúc và coi việc đâm, chém ở ngoài xã hội là một điều gì đó rất bình thường. Vì vậy, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh bị kích động hoặc gặp chuyện mâu thuẫn, chúng cũng sẽ bắt chước kiểu nói chuyện với nhau bằng… đao, kiếm, bạo lực. GS.TS Trịnh Duy Luận (Tổng Biên tập tạp chí Xã hội học) Cần phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng, một trong những nguyên nhân chủ yếu đã được nghiên cứu và chỉ ra: Do tâm sinh lý ở lứa tuổi này phát triển chưa đầy đủ nên dễ bị kích động, lôi kéo. Ngoài ra, còn do những tác động tiêu cực thường xuyên, mạnh mẽ khác đối với nhóm đối tượng này như: phim ảnh bạo lực, những trò chơi điện tử... Có thể khẳng định, sự buông lỏng về giáo dục của gia đình, sự thiếu quan tâm của nhà trường chính là những nguyên nhân quyết định. Do đó, để phòng ngừa trẻ chưa thành niên phạm tội, tôi cho rằng, sự kết hợp chặt chẽ, liên tục và thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò quan trọng nhất. Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) |
Nhóm PV Ban Cuối tuần