Tận cùng bi ai
Vợ già cả lại bị mù, câm điếc phải ngồi một chỗ. Đứa con gái mắc bệnh tâm thần một mình nuôi con suốt 20 năm nay. Đau khổ chồng chất đau khổ, thế nhưng người đàn ông hơn 70 tuổi vẫn âm thầm cáng đáng, nuôi dưỡng những con người bất hạnh trong gia đình. Đó là hoàn cảnh quá bi đát của gia đình ông Trần Văn Thuận (73 tuổi), trú phường Vĩ Dạ, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế).
Được sự giới thiệu của bác sỹ Huy ở khoa Tâm thần, Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi tìm đến gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó. Mặc dù trước khi đi, chúng tôi đã nghe họ nói nhiều về trường hợp này, thế nhưng khi chứng kiến căn nhà nhỏ nằm cạnh khu ở của dân vạn đò dọc ven sông của thành phố Huế, chứng kiến hình ảnh những con người sống tại đây, chúng tôi mới thấu hiểu những đau khổ, bất hạnh mà gia đình này đang phải trải qua.
Trên chiếc gường lụp xụp trong ngôi nhà nhỏ, người phụ nữ gầy gò, nhỏ thó đang ngồi bíu lấy cánh cửa sổ. Thấy có tiếng động bước vào bà cố mở hai con mắt lem nhem của mình lên, rồi lại ngồi im lặng trên chiếc giường nhỏ. Bà Bùi Thị Hợi (79 tuổi) vợ ông bị mù và điếc cách đây gần 3 năm. Khi chúng tôi đến bắt chuyện, gương mặt bà bỗng rạng ngời, bàn tay nhăn nheo của bà nắm chặt lấy bàn tay người đối diện mà nói: “Tui chừ mù ri khổ quá, đã vậy nghe thì câu được câu mất nữa. Chỉ thương ông nhà tui một mình, nặng gánh hai vai!”.
Vợ chồng ông Thuận, bà Hợi sinh được hai người con, nhưng đứa con đầu đã mất khi mới lên 7 tuổi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ông bà vẫn dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, đến năm 18 tuổi Toàn bỗng có biểu hiện khác người, thường xuyên cười cười, nói nói, nhiều lúc lại đánh đập người khác kể cả những người thân trong gia đình. Ông Thuận trước đây làm bảo vệ cho một công ty bảo hiểm ở thành phố Huế. Mỗi ngày ông được trả 25.000 đồng tiền công. Với số tiền ít ỏi, ông chi tiêu hết sức tằn tiện. Vậy nhưng, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám ông, trong một lần đi làm, chiếc xe đạp cọc cạch hàng ngày ông vẫn thường đi đã bị kẻ gian “xin mất”. Vậy là, từ đó ông phải dậy sớm hơn để đi bộ từ nhà đến cơ quan với chiều dài gần 6 km. Dù mệt mỏi, nhưng ông Thuận vẫn không dám mua cho mình chiếc xe đạp khác. Thương hoàn cảnh ông, một số đồng nghiệp tại cơ quan đã góp tiền mua tặng ông chiếc xe đạp làm phương tiện để ông đi lại. Thế nhưng cách đây 3 năm, ông Thuận bất ngờ bị cắt hợp đồng lao động khi công ty thực hiện việc cắt giảm nhân công. Sau hơn 26 năm làm bảo vệ, ông ra đi với hai bàn tay trắng. Cũng tại thời điểm đó, người vợ bỗng dưng phát bệnh nặng rồi bị mù và điếc, rồi cô con gái mắc bệnh tâm thần cũng phá phách nhiều hơn.
Bị mất việc và mặc dù sức khỏe già yếu, nhưng ông Thuận vẫn cố gắng tìm việc làm thuê để kiếm tiền về nuôi gia đình, nhưng khổ nỗi hễ khi nào ông ra khỏi nhà đứa con gái lại thẳng tay đánh đập mẹ không thương tiếc. “Nhiều hôm vừa bước vào nhà, tui thấy nó đang tát liên tục vào mặt vợ tui. Bà ấy già yếu lại bị mù nên có chống cự nổi nên đành chịu trận!”, ông kể lại. Mỗi lúc bị con gái đánh đập, bà Hợi không dám chống cự một phần vì sức khỏe yếu, phần khác vì thương con gái. “Dù nó có làm sao đi chăng nữa thì nó vẫn là đứa con do tôi dứt ruột sinh ra mà!”, người mẹ già nghẹn ngào.
Mong cuộc sống được bình an
Với đôi mắt sâu thẳm, ông Thuận nhìn đứa con gái rồi nói: “Giờ tui chỉ sợ mình không may “ra đi sớm” thì không biết ai sẽ chăm sóc cho vợ con và đứa cháu nhỏ”. Những lời tâm sự mặn chát của ông, giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống quá đỗi vất vả của gia đình và quá khứ cay đắng của người con gái mắc bệnh thần kinh.
Năm 18 tuổi, sau một cơn đau đột ngột, cô gái xinh đẹp bỗng dưng có biểu hiện tâm lý khác thường. Gia đình ông liền gấp gáp đưa đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần, nhưng càng ngày bệnh tình càng nặng hơn. Ngoài việc đưa đi khám định kỳ, hàng ngày chị còn phải uống thuốc đặc trị riêng. Năm 1998, sau khi phát bệnh được 3 năm, thấy con gái có nhiều biểu hiện khác thường, gia đình liền đưa đi khám thì phát hiện chị đang mang thai. Sự kiện động trời này như dội xô nước lạnh vào mặt ông bà, dư luận bàn tán xôn xao về đứa con gái thần kinh bỗng dưng vác bụng chửa. Gia đình của ông vốn đau khổ nay càng nhục nhã hơn khi phải nghe những lời soi mói của người đời. Sau nhiều lần tra hỏi, đứa con gái khai ra chủ nhân cái thai. Hóa ra, kẻ làm hại kia lại chính là người hàng xóm, chỉ cách nhà ông mấy hàng rào. Cũng từ khi sự việc vỡ lở, gã cao chạy xa bay, rủ bỏ trách nhiệm. “Lúc thấy thằng đó hay qua chơi, tui cứ tưởng nó thấy hoàn cảnh con tui vậy nên quan tâm, hỏi han. Ngờ đâu nó đã hại con gái tui thành ra vậy đó. Nhục nhã lắm”, ông chua xót. Thương hoàn cảnh của con, ông đành nhắm mắt sang nói chuyện tình cảm liền bị họ chửi bới thậm tệ, vì đã “dám vu oan cho con trai tôi, con ông bà điên điên dại dại, con tôi đời nào nó để ý mà làm mấy cái chuyện bậy bạ đó”- ông đành quay trở về trong tủi nhục và uất hận.
Gia cảnh nghèo đói, vợ con bệnh tật, đặc biệt áp lực từ điều tiếng ở miệng lưỡi người đời khiến gia đình nhỏ của ông gần như suy sụp. Nhưng rồi ông đã đứng lên, che chở gia đình mình. Ông động viên con gái ăn uống, còn mình cặm cụi làm việc, tích trữ ít tiền để lo cho tương lai sau này của đứa cháu. “Con dại, cái mang” nhưng tôi không muốn đứa cháu của mình bị loại khỏi trần gian, vì dù sao nó cũng là người của gia đình này!”, ông nói. Giữa năm 1998, người mẹ bị bệnh thần kinh ấy đã vượt cạn, sinh đứa con trai kháu khỉnh trước sự vui mừng vỡ òa của gia đình ông Thuận. Đứa bé được ông đặt tên là Trần Tịnh Yên. “Tôi đặt tên cháu là Tịnh Yên với mong muốn sau này gia đình sẽ được yên bình, mọi người không bàn luận, dò xét để chúng tôi được sống yên ổn”.
Nhưng sau niềm vui mẹ tròn con vuông của ông là biết bao lo lắng về tương lai, khi không có ai chăm sóc đứa cháu nhỏ. Đứa bé được lớn lên trong sự nuôi nấng của bà ngoại và những người hàng xóm tốt bụng. Những lần được bú sữa mẹ của em đếm trên đầu ngón tay, thay vào đó Tịnh Yên phải bú sữa ngoài và ăn cơm của bà ngoại mớm cho. Mặc dù đứa con sinh ra khỏe mạnh, nhưng bệnh tình của chị không những không thuyên giảm mà càng nặng hơn. Thỉnh thoảng khi chưa lên cơn người phụ nữ này vẫn biết yêu thương con mình, thế nhưng khoảng thời gian đó là rất hiếm. Còn bình thường chị không ý thức được những hành động của mình, nhiều lúc đánh đập luôn đứa con nhỏ. Hiện nay, chị còn bị bệnh khớp, bệnh bại liệt.
Tịnh Yên lớn lên trong vòng tay, sự yêu thương chăm sóc của ông bà ngoại. Biết bệnh tình của mẹ và hoàn cảnh của gia đình, cậu bé rất chăm ngoan và siêng năng học hành. Hôm chúng tôi đến, ông bà vội khoe: “Năm ni cháu nó học đến lớp 9 rồi, sáng ni nó xin phép ông bà đi cắm trại ở trường, được cái ngoan ngoãn lắm”. Trong suốt buổi nói chuyện, ông chỉ trăn trở một điều: “Mẹ nó mang thai khi đang mắc bệnh, phải uống thuốc liên tục, nên giờ cháu nó bắt đầu có biểu hiện khác với những đứa bạn cùng trang lứa. Chúng tôi lo lắm, thế nhưng chưa dám đưa cháu đi khám vì sợ…”, nói đến đây ông im lặng. Một sự im lặng đáng sợ vì gia đình ông không dám đối diện với thực tế đau lòng, khi sợ đứa cháu duy nhất của gia đình rồi cũng sẽ mang trong mình căn bệnh giống như mẹ của nó(!?).
Chia tay những con người trong gia đình bất hạnh, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh người mẹ già ngồi bần thần bên khung cửa sổ, đứa con gái “không bình thường” liên tục phát ra những tiếng cười man dại, người đàn ông còm cõi và đứa cháu đáng thương. Dù cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn tin rằng, một cuộc sống bình an sẽ đến với gia đình này, mà cái đơn giản nhất là những lời thăm hỏi, động viên của những con người đồng cảm trong xã hội.