Nỗi đau của người mẹ trẻ

(ANTĐ) - Nhận tin chồng giết người trước khi diễn ra lễ cưới hai tuần, cô gái trẻ Lương Thị H. tưởng mình đang gặp ác mộng. Tỉnh dậy sau nỗi đau mất chồng và một đám cưới không bao giờ được diễn ra, cô vật vã trong cay đắng, lặng lẽ vác bụng bầu 5 tháng về làm dâu nhà người trong nỗi đau tột cùng...

Nỗi đau của người mẹ trẻ

(ANTĐ) - Nhận tin chồng giết người trước khi diễn ra lễ cưới hai tuần, cô gái trẻ Lương Thị H. tưởng mình đang gặp ác mộng. Tỉnh dậy sau nỗi đau mất chồng và một đám cưới không bao giờ được diễn ra, cô vật vã trong cay đắng, lặng lẽ vác bụng bầu 5 tháng về làm dâu nhà người trong nỗi đau tột cùng...

Bi kịch trước ngày cưới

Nhắc đến H., những người dân ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đều tỏ lòng thương cảm. H. kể rằng, hôm ấy, cô đi chợ sắm đồ chuẩn bị lễ cưới. Khi chiếc xe đỗ xịch ở sân, người chị dâu đứng ở cửa, nói trong nước mắt “Thằng Sơn (chồng sắp cưới của H.) bị bắt rồi, nghe nói nó giết người em ạ” - chỉ nghe đến thế, H. rụng rời chân tay.

Đêm đó, H. bỏ ăn, khóc sưng cả mắt. Cả nhà rất lo lắng.

Theo đúng lịch thì ngày 19-11-2009, nhà trai sẽ sang rước dâu về. Tuy nhiên, vì gia đình chồng H. đi xem bói, ông thầy phán ngày xấu nên quyết định lùi thời gian lại hai tuần sau. Giấy tờ thủ tục đã xong, gánh cưới (hai bên gia đình gặp gỡ trao đổi trước khi lễ cưới diễn ra) cũng đã hoàn thành, chỉ chờ ngày tổ chức hôn lễ. Thế nhưng, “số phận không chiều em dù chỉ một lần” - H. nói trong cay đắng. H. về làm dâu khi chồng cô đã bị bắt về tội giết người.

Lúc Sơn bị bắt, H. có thai năm tháng. Vì hai đứa đã làm đăng ký kết hôn nên bố mẹ Sơn sang nói chuyện với thông gia xin cho H. về bên nội. Lúc đầu, gia đình cô và hàng xóm ngăn cản. Có người còn bảo “H. dại, chồng giết người như vậy, tử hình là cái chắc, về bên ấy thành vợ góa cả đời mà chưa một lần được lên xe hoa, rồi sống trong điều tiếng”, có người thì bảo “dù sao cũng là cái số…” - chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ nữa, gạt mọi đau khổ, gạt mọi đắng cay, gạt mọi dèm pha, mọi dè bỉu của người đời, H. khăn gói sang nhà chồng trong dòng nước mắt. “Đã là số phận thì tránh đâu cũng không thoát được” - cô nói.

Giết người để lấy tiền cưới vợ

Khi được hỏi về cái chết Sơn gây ra cho hàng xóm của mình - bà Lê Thị Lan, Sơn đã nói rằng “cháu giết người vì không có tiền cưới vợ”.

Sơn kể rằng, bà Lan vốn rất tốt với gia đình Sơn, ngày Sơn chuẩn bị cưới vợ, bố cậu qua vay tiền, nhà làm nông không có tiền mặt, bà chỉ có mấy con gà nhỏ, mang ra chợ bán lấy tiền cho ông Lê Quang Minh (bố Sơn) vay. Buổi trưa hôm xảy ra chuyện, Sơn qua nhà bà Lan hút thuốc lào, thấy người cháu họ bà Lan hỏi vay tiền, đoán bà Lan có của nên Sơn mới nghĩ đến chuyện giết bà cướp ít tiền.

Vì gần nhà nhau nên Sơn nắm khá rõ lịch trình của chồng và con bà Lan. Buổi chiều hôm ấy, bà Lan một mình ở nhà chuẩn bị cơm nước, Sơn lại sang hút thuốc lào, ngồi một lúc chẳng hiểu ma xui quỷ khiến gì, Sơn ra tay giết bà rồi vứt xác xuống giếng. Sau đó, tạo hiện trường giả, Sơn về nhà mượn xe bố, sang nhà vợ sắp cưới cách đó mấy chục cây số để tạo chứng cứ ngoại phạm.

Tuy nhiên, khi các trinh sát vào cuộc, kẻ thủ ác đã bị bắt.

Ban đầu, Sơn một mực không nhận tội. Chỉ đến khi Cơ quan điều tra nhặt được một đoạn cây bạch đàn gãy ở nhà cậu rất khớp với đoạn cây dính máu ở nhà bà Lan, Sơn mới chịu thừa nhận hành vi của mình.

Từ ngày con trai giết người, bố mẹ Sơn sống trong tủi hổ với xóm làng. Con dại thì cái mang. Đứa con trai duy nhất của gia đình vì không có tiền cưới vợ đã lấy đi mạng sống của người hàng xóm bao nhiêu năm sống rất tốt với gia đình. Nghĩ vậy nên bố mẹ Sơn sang xin gia đình nạn nhân cho Sơn một cơ hội làm lại cuộc đời nhưng người thân của bà Lan không chấp nhận.

“Mong anh luôn bình yên…”

Đó là lời tâm sự của H. khi tôi kể sơ qua về Sơn trong phòng biệt giam của Trại tạm giam - Công an tỉnh Phú Thọ. Từ ngày Sơn bị bắt, H. chỉ được gặp lại anh ta hai lần. Một lần là khi Sơn được đưa về nhà cô Lan để làm lại hiện trường và một lần là khi Sơn được xử sơ thẩm lưu động tại UBND xã.

Hôm ấy, bụng H. đã vượt mặt, mọi người trong gia đình không cho H. đến vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. “Em nhất định đòi đến vì em biết đó là cơ hội gặp chồng hiếm hoi chứ không phải đến để trách anh ấy”, H. chia sẻ. Hôm ấy, H. khóc nhiều lắm, khóc vì thấy tủi thân. Người ta trong lúc bụng mang dạ chửa, lúc nào cũng có chồng bên cạnh, hắt xì hơi, sổ mũi đều có chồng đưa đi khắp nơi, bước chân lên xe có chồng đỡ, xuống xe có chồng dắt… nhưng H. thì không có được may mắn ấy.

Khi tòa tuyên Sơn án tử hình, H. như người rơi xuống vực thẳm, vậy là hết. Nhiều gương mặt hàng xóm biết H. là vợ Sơn, ai cũng chỉ trỏ, bàn tán, xì xào… nhưng cô chẳng quan tâm được nữa. Cô chỉ nhớ trước khi Sơn bị đưa lên xe về trại giam, cô đã cố nhìn anh một lần để có thể thì thầm với con rằng “người ấy là bố và vì bất đắc dĩ nên phải xa hai mẹ con mình”.

Cho đến khi được người thân đưa về nhà, H. dường như vẫn chưa hoàn hồn. Nhiều đêm sau đó, nằm trên giường, nghĩ về chồng, về con mà cô không thể nhắm mắt được. Nói rồi H. nhìn xa xăm, giây phút hạnh phúc mong manh thuở xưa như chợt ùa về. Hướng đôi mắt đỏ hoe về phía cậu con trai, H. nói buồn bã: Giờ đây, em chỉ cố gắng để chăm con thật tốt, đó chính là niềm an ủi duy nhất của cả nhà. Có lẽ, khoảnh khắc ấy làm tim cô nhói đau khi nghĩ đến người chồng đang trong phòng biệt giam chờ ngày ra pháp trường. Nhìn H., không ai nghĩ cô vừa bước qua tuổi 24.

Trên tấm phản đặt ở góc nhà, cậu con trai gần 7 tháng tuổi đang huơ chân múa tay nói chuyện với “bà mụ”. Trông cậu bé khá cứng cáp. H. bảo “có lẽ thấy mẹ vất vả nên con trai lớn nhanh và không quấy mẹ bao giờ” - nói rồi H. quay mặt đi, giấu giọt nước mắt xót xa vào sau làn áo bạc màu.

Tiểu Linh