Nỗi buồn làng võ Việt nhân chuyến giao lưu võ học của cao thủ Vịnh Xuân Flores

ANTD.VN - Từ Canada xa xôi đến Việt Nam với mục đích chính là thi đấu giao lưu võ học với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo – ông Huỳnh Tuấn Kiệt, nhưng chưa được đáp ứng, cao thủ Vịnh Xuân quyền Pierre Francois Flores vẫn vui vẻ nhận lời thi đấu cùng các võ sư khác của Việt Nam. Nhưng sau 2 trận thắng hoàn toàn áp đảo, có lẽ võ sư Flores bắt đầu nhận ra những “mặt trái” mà một số võ sư Việt đang thể hiện. Đó thực sự là một nỗi buồn!

Dù thắng dễ hai võ sư Việt Nam, cao thủ Vịnh Xuân Flores không tỏ ra kiêu căng, mà rất khiêm tốn và hòa đồng

Cao thủ Vịnh Xuân quyền Pierre Francois Flores đến Việt Nam để làm gì? Chắc chắn không phải để thể hiện rằng ông là truyền nhân số 1 trong làng võ Việt (sư phụ của võ sư Flores là người Việt Nam).

Mục đích của chuyến đi này, như nhiều người đã biết, là để cao thủ Vịnh Xuân Flores “so tài cao thấp” với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo – ông Huỳnh Tuấn Kiệt, vì võ sư người Chile cảm thấy màn biểu diễn nội công “như thể truyền điện” mà ông Kiệt thể hiện qua video trên internet là… lừa đảo.

Cùng với mối duyên nợ trong quá khứ (võ sư Flores nói rằng, hồi trẻ, ông Kiệt nhiều lần tới xin học kỹ thuật đánh mộc nhân của đại sư Nam Anh – điều mà ông Kiệt hoàn toàn phủ nhận), cao thủ Vịnh Xuân càng có lý do để cất công đi từ Canada xa xôi về Việt Nam nhằm “giữ gìn uy danh của võ thuật truyền thống”.

Thế nhưng, bất chấp sự cầu thị, và tinh thần thượng võ mà võ sư Flores thể hiện, ông Huỳnh Tuấn Kiệt đã để cho phái đoàn thách đấu ở lại TP.HCM một ngày trong thất vọng, để rồi họ lại phải di chuyển ra Hà Nội và nhận lời thách đấu của các võ sư khác.

Đây là nỗi buồn thứ nhất!

Sau đó, ở cả 2 trận đấu với võ sư Karate Đoàn Bảo Châu và võ sư Vịnh Xuân Trần Lê Hoài Linh, cao thủ Flores đều thắng hết sức dễ dàng, nhờ chênh lệch quá lớn về thể hình và tuổi tác.

Không bàn về kết quả các trận đấu đó, điều nổi lên là dấu ấn tinh thần thượng võ của các võ sư tham gia. Trong đó, có thể thấy rõ là cao thủ Flores thi đấu hoàn toàn không hết sức, ông ra đòn “rất biết mình biết người” trước những đối thủ nhẹ cân hơn, và những đòn đánh đều không có tính sát thương cao. Điều này thể hiện sự khiêm tốn của một võ sư từng bôn ba nhiều nơi để giao lưu võ học.

Thế nhưng, ngược lại với nét đẹp đó, sau 2 trận thắng chóng vánh của cao thủ Vịnh Xuân người Chile, làng võ Việt bắt đầu bộc lộ một số nét… xấu xí.

Như những lời nhận xét chê bai thực lực của võ sư Flores, do một số vị “chuyên gia võ thuật” đưa ra. Rõ ràng, cao thủ Vịnh Xuân này chưa tung hết khả năng của mình trong những trận đấu quá chênh lệch như vậy, nên việc chê bai thực lực của ông không chỉ là vội vã, mà còn đượm màu không đẹp.

Đẳng cấp của võ sư Flores không chỉ nằm ở kỹ năng võ thuật, mà còn là tinh thần thượng võ và thái độ ứng xử

Tệ hơn nữa, là bỗng dưng một loạt võ sư Việt Nam khác lên tiếng thách đấu Flores, theo kiểu “tôi ở đây, ông hãy đến gặp tôi”. Từ một võ sư môn Muay Thái với lời khẳng định “có khả năng thực chiến cao hơn”, cho tới võ sư môn võ cổ truyền ở tận Đồng Nai chê bai võ sư Châu “thực chiến kém nên mới bị thua như thế”.

Vậy là, những cảnh báo mà Báo ANTĐ từng phỏng vấn võ sư Đặng Tam Thuận, Giám đốc Trung tâm đào tạo võ thuật tài năng trẻ Hà Nội, dần trở thành hiện thực. Đó là những trận tỉ thí kiểu như vậy có thể gây ảnh hưởng và kích động tính bạo lực, hơn thua trong nhiều người. Nghiêm trọng hơn, nó còn tạo nên làn sóng đối đầu, bài xích, hơn thua giữa các bộ môn võ, gây mất an ninh trật tự.

Nhìn xa hơn, không rõ các võ sư lên tiếng thách đấu cao thủ Vịnh Xuân Flores có muốn… đấu thật không, có tinh thần giao lưu võ thuật thật sự không, hay chỉ là sự “cay cú” thắng thua, hoặc tệ hơn thế, là bám lấy cơ hội này để quảng bá cho tên tuổi sàn võ nơi mình đang huấn luyện?

Mà nếu đúng như thế, thì điều này lại hoàn toàn đi ngược với tinh thần thượng võ – điều mà cao thủ Vịnh Xuân Flores luôn thể hiện khi cất công tới Việt Nam.

Như vậy, có thể nói chuyến đi của võ sư Flores không mấy thành công như mong đợi. Bởi trong khi người cần gặp chẳng thấy đâu, phái đoàn của ông lại phải chứng kiến những màn thách đấu “hội đồng” dồn dập…

Đây quả thực là nỗi buồn thứ hai không dễ “nuốt trôi” của làng võ chúng ta, với những điều ca ngợi bấy lâu.

Dẫu sao, biết buồn để nhận ra và thay đổi, còn tốt hơn cứ để tồn tại mãi những điều xấu xí. Chẳng riêng gì võ thuật, lĩnh vực nào biết buồn, biết xấu để cải đổi, thì cũng đều đáng trân trọng cả!

>> Xem lại trận đấu giữa cao thủ Vịnh Xuân Flores với võ sư Karate Đoàn Bảo Châu

>> Xem lại trận đấu thứ 2 ở Việt Nam, giữa võ sư Flores với võ sư Trần Lê Hoài Linh

>> Xem lại trận thua cách đây 8 năm của cao thủ Flores tại Việt Nam, trước võ sư Tuấn "hạc"