Trận tỉ thí giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Flores là sai luật

ANTD.VN -Chiều 12-7-2017, tại Hà Nội diễn ra trận tỉ thí giữa võ sư Đoàn Bảo Châu (Karate) với võ sư Pierre Francois Flores (môn phái Vịnh Xuân Nam Anh), với kết thúc chóng vánh nghiêng về võ sư Flores. Vấn đề đặt ra là tính pháp lý của trận đấu này như thế nào? Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với võ sư Đặng Tam Thuận, Giám đốc Trung tâm đào tạo võ thuật tài năng trẻ Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Trận tỉ thí giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Flores là sai luật ảnh 1

PV: Liên quan vụ đấu võ chiều 12-7 giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Flores, anh có nhận xét thế nào?

Võ sư Đặng Tam Thuận: Đó là một trận đấu giao lưu của hai cá nhân tập luyện ở hai trường phái võ khác nhau, nhưng đậm chất ăn thua, vì trước khi trận đấu diễn ra đã có khá nhiều lời nói thể hiện về quan điểm cá nhân của mình. Đây cũng không phải là trận đấu chính thống được luật pháp cho phép.

- Trong làng võ, chuyện giao đấu là bình thường, nhưng có phải xin phép cơ quan nào không? Tính pháp lý của trận đấu võ trong đời sống như thế nào, thưa võ sư?

Khi tham gia tập luyện võ thuật thì chuyện giao đấu là bình thường trong môn phái của mình. Tuy nhiên với những trận thách đấu như thế này thì khác, và phải được luật pháp cho phép. Ở Việt Nam, luật không cho tổ chức các trận thách đấu như thế này. Võ thuật là môn có tính đối kháng và sát thương cao, chính vì vậy phải được luật pháp cho phép mới có quyền đứng ra tổ chức thi đấu. Tất cả các cuộc tỉ thí tự phát khác đều vi phạm luật. Những trận đấu như vậy, ngoài nguy cơ mất an toàn, còn có thể gây ảnh hưởng và kích động tính bạo lực, hơn thua trong nhiều người. Nghiêm trọng hơn còn tạo nên làn sóng đối đầu bài xích, hơn thua giữa các bộ môn võ, gây mất an ninh trật tự.

Võ sư Đặng Tam Thuận

- Như vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thể thao của Hà Nội đề nghị công an vào cuộc vụ thách đấu này là đúng?

Cơ quan chức năng làm vậy là đúng. Bởi lẽ một cuộc giao đấu như vậy là sai quy định. Chưa kể việc các võ sư thách đấu tự do có thể gây thương tích. Điều này không được cho phép vì có hành vi “gây sát thương”, gây hại sức khoẻ tới con người.

- Trở lại với trận đấu chiều 12-7, dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch hạng cân giữa hai võ sư là quá lớn, như thế thì đánh giá thắng – thua có thuyết phục?

Trong võ thuật truyền thống thì tuổi tác hay hạng cân lâu nay vẫn đang là vấn đề bàn cãi, vì có nhiều giai thoại nói các võ sư Việt Nam rất tài giỏi, có thể đánh gục cả những đối thủ to khoẻ hơn mình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, các trận đấu luôn được quy định bằng các hạng cân, lứa tuổi. Thường dao động từ 2-4kg và tuổi từ 2-4 tuổi. Trong trận giao hữu chiều 12-7 thì cả hai võ sĩ đều quá lệch về tuổi cũng như hạng cân, vì vậy không thể có kết quả công bằng được.

Xem lại video võ sư Đoàn Bảo Châu giao đấu với võ sư Flores

- Năm 2010 tại Hà Nội, võ sư Flores từng đấu với VS Tuấn "Hạc", ngang hạng cân. Và thua, dù võ sư Tuấn "hạc" chân đau, đi giày và mặc quần bò? Điều này cho thấy, nếu ngang tầm hạng cân thì "ăn" nhau không dễ?

Đúng vậy, nếu cùng hạng cân, lứa tuổi và đều có một thời gian tập luyện nhất định, thì trận đấu sẽ khác nhiều.

- Học võ để rèn luyện sực khỏe, bản lĩnh... Nếu đem ra thi đấu hơn thua thì có đúng với tinh thần võ học?

Võ thuật có nhiều mục đích khác nhau. Có người tập võ để thi đấu đối kháng, tranh huy chương, thứ hạng. Có người tập võ để rèn luyện sức khoẻ. Lại có người tập võ vì cuộc sống, đam mê. Có người tập võ vì muốn bảo tồn gìn giữ những tinh hoa của cha ông để lại.

Tuy nhiên không tránh khỏi có những người muốn thể hiện cái tôi và tính hơn thua, nên bằng mọi cách để thực hiện cuộc giao đấu. Võ thuật là để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và bảo vệ lẽ phải, cũng như bảo vệ người yếu thế. Đỉnh cao của võ thuật là biết tránh né và hoá giải, chứ không phải thích là tụ tập thách thức đánh nhau. Có rất nhiều giải thi đấu được tổ chức hợp pháp, nếu vì tính hơn thua thì nên lên võ đài tham dự.

Xin cảm ơn võ sư!