Nỗi ận hận sau song sắt của kẻ lãng tử 20 năm trốn truy nã

ANTĐ - Gây ra tội lỗi nhưng lại không dám nhận, cũng không dám đối đầu với sự thật, kẻ tử ấy trốn chạy khắp nơi. Sống cuộc sống lang bạt trên sông nước bằng ngón nghề ăn cặp vặt suốt 20 năm trong khi lệnh truy nã vẫn treo lơ lửng trên đầu. Giờ, ngồi sau song sắt, gã mới thấm thía và ân hận vì nếu đầu thú sớm thì đã trả án xong từ lâu.

Đoàn Văn Thỏa gậm nhấm nỗi tiếc nuối sau song sắt

Hào hoa một thuở

Gã là Đoàn Văn Thỏa (sinh năm 1970), quê tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Giờ đây hàng ngày, khi màn đêm buông xuống, ngồi trong phòng giam của Trại giam Đồng Sơn (TP. Đồng Hới, Quảng Bình), Đoàn Văn Thỏa không còn phải phấp phỏng lo sợ như những ngày chốn chui, chốn lủi nữa. Gã trở về là một con người thuần phác như một nông dân. Nhắc lại quãng đời đã qua, đầy tiếc nuối Thỏa giãi bày: Nhà tôi làm nghề chài lưới. Không khá giả nhưng trong xã Quảng Lộc thì nhà tôi cũng thuộc diện đủ ăn đủ mặc. Tuổi nhỏ tôi lại học rất giỏi nên sinh tính kiêu căng. Khi lớn lên chút, bạn bè lại hay chêu trọc tính khí ẻo ẻo như phụ nữ, cứ thế mãi tôi đâm bực tức và không muốn đi học nữa. Có lẽ đó cũng là quyết định sai lầm đầu tiên và tai hại với cuộc đời đằng đẵng những ngày chốn chạy của tôi”. 

17 tuổi nghe bạn bè rủ vui tai, Thỏa bỏ học. Cũng từ đó, Thỏa đắm chìm trong những cuộc bù khú với bạn bè của mình. Không kiếm ra tiền thì gã về nhà tróc bố mẹ xin tiền, xin không được thì cạy tủ để lấy trộm. Khi gia đình không còn tiền nữa thì gã nảy ra ý định đi ăn cắp bên ngoài. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm từ nghề chài lưới của gia đình Thỏa lấy dần, lấy mòn đi chơi hết. Càng được bạn bè khen hào hoa và chịu chơi hắn càng tỏ ra thích thú và về nhà trộm hết cả những thứ tài sản của gia đình mang đi bán, nướng vào các cuộc ăn chơi. Đã nhiều lần cha mẹ hắn khuyên nhủ không được, vì những bồng bột của tuổi mới lớn nên hắn cự lại quyết liệt. Thỏa cay đắng nhớ lại: “Có lần, tôi còn hỗn láo không xem bậc sinh thành ra gì cả. Giờ đây cha mẹ tôi đều đã không còn nữa. Điều đó càng khiến cho lòng tôi có thêm nhiều nỗi niềm cay đắng và ân hận lắm”.  

Bước chân vào chốn giang hồ

Bước sang năm 1988, Thỏa chính thức bỏ nhà ra đi. Đó là một đêm trời mưa gió, đầu năm 1988, bố mẹ tôi một mực níu kéo ở lại nhưng tôi vẫn quyết bỏ nhà ra đi chọn cách sống cho riêng mình. Nói cách sống cho hay chứ thật ra là đi nhập bọn với một băng nhóm ở thị xã Quảng Bình. 

Sau khi gia nhập băng đảng này càng ngày Thỏa đã trở thành một kẻ hung hãn và hiếu chiến hơn. Để có tiền sinh sống, băng của Thỏa chuyên đi ăn cắp vặt ở các hàng quán, rồi trộm cướp cả người đi đường. Thỏa kể lại: “Băng nhóm của tôi khi ấy gồm có 8 tên đều sàn sàn tuổi như nhau nên đứa nào cũng thích cầm đầu. Lúc nhỏ tôi có học được một số miếng võ nên cả bọn quyết định đánh nhau đứa nào thắng thì cầm đầu băng nhóm. Cuối cùng không đứa nào thắng được tôi, tôi lên cầm đầu băng nhóm. Ngày thì thuê một căn phòng sống chung, ăn nhậu chung và thậm chí nếu đứa nào kiếm được các cô gái quán bar thì cũng về ở chung đó luôn”. 

Thực hiện hàng loạt các cuộc cướp giật trên đường phố và trường học trong suốt năm 1988, nhưng băng nhóm của Đoàn Văn Thỏa vẫn lọt lưới công an. Đặc biệt, băng nhóm của bọn chúng còn tiếp cận và cướp giật cả của những người già và học sinh. Bất kỳ ai, cứ có tài sản bên mình là cướp. “Ban đầu chúng tôi cũng có nguyên tắc lắm. Tôi đặt ra là không cướp giật của người già. Nhưng rồi vì sa ngã quá sâu vào những cuộc ăn chơi, cần có nhiều tiền nên đi cướp tuốt. Bữa nào mà không lê la ra quán và phục kích người đi đường là không chịu được”- Thỏa kể. Hành động trong băng nhóm của Đoàn Văn Thỏa ngày càng trở nên manh động và liều lĩnh. Vì cả băng nhóm đều là một lứa hư hỏng nên không đứa nào can ngăn đứa nào mà thậm chí còn cổ vũ cho nhau nữa. Sang năm 1989, tôi đã dẫn cả băng nhóm đi đến địa bàn giáp danh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh để thực hiện một vụ cướp lớn. Trước khi đi có chuẩn bị đầy đủ hung khí. Quả như dự đoán từ trước, những người bị cướp lần này chống trả quyết liệt nên băng nhóm chúng tôi đã đánh chém nhiều người bị trọng thương”. Vụ cướp lớn này đã bị CQĐT ráo tiết truy bắt. Đối tượng cầm đầu Đoàn Văn Thỏa nhanh chân tẩu thoát ra Đà Nẵng nhưng chỉ ít ngày sau thì hắn bị tóm gọn và nhận mức án gần 10 năm tù giam. 

Trốn trại, đội lốt tên người khác

Tuổi trẻ cộng với bản tính hung hãn nên ngay sau khi nhập trại không được bao lâu, Thỏa đã nghĩ ngay đến cách trốn trại. Sau khi khảo sát kỹ, trong một buổi đi lao động tập thể, gã đã lợi dụng lúc trời mưa bão trốn thoát. Bị cơ quan công an ra quyết định truy nã toàn quốc. Sau khi trốn trại, biết mình bị truy lùng gắt gao nên Thỏa đã không về quê mà mưu tính tìm đến một nơi khác để an toàn hơn. Do từ nhỏ tiếp xúc với môi trường lao động của ngư dân nên Thỏa cũng có biết chút ít nghề chài lưới. Sau khi về Quy Nhơn giật được một món đồ và “xin đểu” được của một số người, Thỏa lần mò về vùng biển hoang vắng của tỉnh Bình Định dựng một chiếc lều nhỏ sinh sống dưới cái tên giả Trần Văn Bình. Hàng ngày gã thả lưới bắt cá để ăn và mang đi bán lấy nhu yếu phẩm. Nhưng là một kẻ trốn trại nên trong lòng gã lúc nào cũng nơm nớp lo sợ một ngày nào đó mình sẽ bị bắt trở lại. Sống ở Bình Định được vài năm, Thỏa thấy có vẻ không an toàn lắm nên hắn lại âm thầm cuốn gói vào Vũng Tàu. Vẫn giở trò ăn cắp vặt tinh vi, gã trộm được chút tiền và chọn xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm điểm dừng chân vì gã biết vùng đất này có nhiều dân tứ xứ đến lập nghiệp nên có thể an tâm trà trộn và trốn nã. Và để cho không bị lộ diện, Thỏa lấy lai lịch của mình là tỉnh Ninh Bình và tên là Lâm Hoài Trung chứ không phải Đoàn Văn Thỏa nữa. Cũng dựng một chiếc lán ở và suốt ngày rông thuyền thúng ra khơi đánh lưới đến nhập nhoạng tối mới về nhà. Định bụng cứ ở thế thôi chứ không vướng bận làm gì. Nhưng rồi đến năm 1998, chỉ sau một lần gặp gỡ, Thỏa đã đem lòng cảm mến cô Huỳnh Thị Huệ. Tìm hiểu nhau được vài tháng thì nên vợ, nên chồng.  

Tiếc nuối

Buông cái nhìn đầy tiếc nuối ra phía ngoài song sắt, Đoàn Văn Thỏa ngậm ngùi kể tiếp: Năm tháng cứ thế trôi qua. Vợ chồng tôi chẳng mấy chốc đã có mấy mặt con. Nhưng trong lòng tôi không ngày nào được yên vì tâm lí phấp phỏng có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. Nếu trước đây khi chưa vợ đìu con ríu thì tôi lo lắng một, nay lại lo lắng mười. Nếu bị bắt, thì vợ con mình sẽ ra sao. Cứ bị những suy nghĩ ấy ám ảnh, dằn vặt, nhiều đêm Thỏa không sao chợp mắt được.  Ngày nào, Thỏa cũng ra khỏi nhà từ rất sớm và về nhà rất muộn. Vợ con hỏi han mãi cũng không dám nói. “Khi các con tôi càng lớn tôi càng thấy mình hoang mang hơn. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để nói ra sự thật và cũng không dám ra đầu thú. Chỉ thấy tiếc nuối cho những lỗi lầm của những năm tháng tuổi trẻ mà thôi”.

 Năm 2012, trong một lần kiểm tra hành chính đột xuất, thấy Đoàn Văn Thỏa có nhiều dấu hiệu đáng nghi nên Công an Xuyên Mộc đã báo cáo lên cấp trên. Đối chiếu với nhiều thông tin và hình ảnh cho thấy Lâm Hoài Trung có nhiều nét tương đồng với tên tội phạm đang bị Công an Quảng Bình truy nã toàn quốc. Đấu nối các thông tin, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt Thỏa. Và cái vỏ bọc đã được lột ra: Lâm Hoài Trung chính là  Đoàn Văn Thỏa. Tháng 5-2014, Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã bàn giao Đoàn Văn Thỏa cho Công an Quảng Bình và phải đi trả án bỏ lại sau lưng vợ con, và nỗi niềm ân hận. Đến lúc này, Thỏa mới nhận ra rằng: “Giá như tôi không trốn nã thì có lẽ đã ra trại từ lâu. Giờ tội nặng thêm, nhưng được vợ con cảm thông, tôi sẽ quyết tâm hoàn lương và cải tạo tốt chứ không còn có ý định trốn trại như trước nữa”.