Nỗi ân hận của "osin" sát hại chủ nhà, cướp tiền vàng

ANTĐ - Ba năm qua, khi đủ tĩnh tâm để nhận ra, thì điều tôi hoang mang nhất là ngộ nhỡ có bất trắc nào đấy, mà bố mẹ tôi không còn nữa thì khi ra khỏi trại giam, điều ân hận lớn nhất của tôi là đã không phụng dưỡng được đấng thân sinh dù chỉ một ngày.

LTS: Phạm nhân Trần Thị Vui, 21 tuổi, quê ở xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), kẻ đã gây ra vụ án "osin giết chết chủ nhà" đế cướp tiền vàng gây rúng động dư luận tại Hà Thành vào năm 2009 hiện đang thụ án tại trại giam số 6 Bộ Công an. Với bản án 18 năm tù, đường về còn xa ngái, song hơn 3 năm cải tạo trong trại giam, nữ sát thủ tuổi teen này đã có những thời khắc nhìn lại mình, để ăn năn hối cải với những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ.

Tôi tên là Trần Thị Vân, nhưng ở nhà mọi người vẫn thường gọi tôi bằng cái tên Vui. Vậy nên từ bé đến bây giờ, cái tên Vân mĩ miều ấy chỉ được sử dụng trong giấy khai sinh, còn gần như mọi người, kể cả tôi chỉ quen gọi Vui để giao tiếp. Nhưng dù Vân hay Vui thì cũng chẳng quan trọng, điều mà tôi tâm niệm lúc này là mình phải cải tạo thật tốt để được sớm trở về làm lại cuộc đời sau khi đã gây ra thảm án giết chết mẹ của chủ nhà trong thời gian đi làm osin tại Hà Nội. Tuổi trẻ dại khờ, đứng trước sức cám dỗ của kim tiền, không kìm được lòng mình, tôi đã gây họa. Cái giá phải trả không chỉ là việc bản thân tôi phải lãnh bản án 18 năm tù mà bố mẹ, anh chị em ở quê phải đối mặt với tòa án dư luận khắc nghiệt hơn, đau đớn hớn, ấy là những ánh mắt dị nghị, những lời gièm pha khi trót sinh ra một đứa con gái hư hỏng, vì tiền mà dám ra tay tước đi mạng sống của một con người.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xứ Thanh. Cũng vì nghèo nên năm 15 tuổi, tôi đành gác lại giấc mơ đèn sách để đi kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Tôi là chị cả trong gia đình có 2 chị em. Bố mẹ làm ruộng, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, chưa kể đến những khoản nợ từ tiền kiếp chẳng biết đến bao giờ mới trả được. Sau khi nghỉ học được vài tháng, nhân có một đứa bạn cùng trang lứa đi làm ở Hà Nội về quê rủ lên làm việc, tôi đã xin phép bố mẹ thử vận may. Dù rất thương tôi, nhưng bố mẹ cũng đành vay mượn được mấy trăm ngàn lận lưng để tiễn tôi đi mà không biết rằng, một đứa con gái chưa đến tuổi trưởng thành, với nhiều tham vọng và cám dỗ như tôi đã bị gục ngã ngay từ những ngày đầu mới bước chân đến thành thị.

Cũng từ sự giới thiệu của đứa bạn thân, tôi được vào giúp việc cho gia đình chị Nguyễn Thị Hoài An ở số nhà 107-109 Khu tập thể thủ công mĩ nghệ ở phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đó là một gia đình gia giáo, nề nếp và giàu sang. Ngay từ khi bước vào ngôi nhà ấy, đôi chân tôi đã run rẩy trước vẻ hào nhoáng, lộng lẫy và quỷ phái của cảnh vật và con người ở đây. Nó đối lập hẳn với thế giới lấm lem ruộng đất, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Khi nghe chị An nói sẽ trả tôi mỗi tháng 1 triệu đồng, sẽ nuôi ăn ở, sắm đồ đạc, quần áo không tính vào lương thì tôi đã gật đầu ngay tắp tự. Đó là cả một gia tài khổng lồ mà một cô bé quê mùa 16 tuổi đầu như tôi chữa từng nghĩ đến. Số tiền đó thực sự là rất quý giá trong hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó.

Vợ chồng chị chủ nhà đối xử rất tốt với tôi, chưa bao giờ chửi mắng, bắt nạt kể cả khi tôi làm điều gì đó sai ý muốn hoặc vô tình làm vỡ cái cốc, cái chén. Trong ngôi nhà ấy, ngoài vợ chồng chị An và hai đứa con, thi thoảng còn có mẹ đẻ của chị An là bà Nguyễn Thị Kim Khanh (SN 1942), sang chơi trông nhà và trông cháu. Bà Khanh rất tận tình, thường thủ thỉ tâm sự động viên tôi những khi cả hai bà cháu cùng rỗi việc. Thậm chí có lần tôi ốm, chính bà đã ra chợ mua lá xông về nấu cho tôi. 6 tháng, ấy là quãng thời gian không dài nhưng cũng vừa để những mối quan hệ ấy trở nên thân quen, gần gũi. Và cũng chính sự thân thiết ấy là căn nguyên khởi đầu cho tấn bi kịch nhói lòng sau này.

Phạm nhân Trần Thị Vui

 

Chuyện xảy ra vào ngày 2/7/2009, tôi vẫn còn nhớ lúc ấy khoảng 4 giờ 30 phút sáng. Trước đó, vợ chồng chị An đã đi du lịch ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) và nghỉ lại đó nên có nhờ bà Nguyễn Thị Kim Khanh sang trông nhà và ở với tôi cho vui. Đêm trước khi tôi gây ra tội ác, tình cờ nhìn thấy bà Khanh mở két sắt trong phòng ngủ của vợ chồng chị An để kiểm tra tài sản, nhìn thấy rất nhiều tiền mặt, vàng bạc, mĩ kí, tôi đã bị thôi miên, cả đêm không ngủ được nên đã lên kế hoạch chiếm đoạt.

Lúc đầu, tôi cùng chỉ nghĩ sẽ trộm cắp một ít rồi bỏ trốn chứ nhưng trong quá trình thực hiện, do hoảng loạn vì bị phát hiện, tôi đã biến mình thành kẻ sát nhân đáng ghê tởm. Nằm thao thức đến khoảng 3 giờ sáng, tôi lặng lẽ trở dậy xuống bếp lấy con dao nhọn để cạy két sắt. Thế nhưng khi vào phòng, thấy bà Khanh đang say ngủ, chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào tôi đã đâm bà Khanh một nhát vào bụng. Bà Khanh vùng dậy chống trả. Có sức trẻ, lại cầm hung khí trong tay nên trong quá trình vật lộn, tôi đã đâm nhiều nhát vào người bà Khanh, đến lúc thấy nạn nhân quỵ xuống, tôi lấy hết sức bình sinh cứa một nhát chí mạng vào cổ khiến bà tử vong tại chỗ.

Biết nan nhân đã chết, tôi vội vã lúc tìm chìa khóa két sắt, mở ra rồi lấy đi nhiều thứ có giá trị bao gồm: 82 triệu đồng tiền mặt, hơn 3.000 đô la Mỹ, 63 dây chuyền, nhẫn, lắc vàng với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Tôi cho tất cả vào 2 túi ni lon, định bụng sẽ trốn khỏi nhà nhưng sau một phút trấn tĩnh, tôi biết rằng tội ác của mình sẽ sớm bị phanh phui nên đã nghĩ ra cách khác hòng qua mắt cơ quan chức năng. Đưa tất cả tài sản cướp được lên sân thượng, tôi giấu vào gầm bồn nước, con dao gây án thì vùi dưới chậu cây cảnh. Sau đó, trở về phòng tạo hiện trường là một vụ giết người cướp tài sản rồi tẩy rửa, xóa mọi dầu vết liên quan. Sau đó, tôi đi báo cho người bạn đồng hương, nhờ điện báo công an về việc chủ nhà bị giết, cướp.

Không ngờ rằng, màn kịch vụng về của tôi đã bị các điều tra viên dạn dày kinh nghiệm bóc mẽ chỉ sau mấy tiếng đồng hồ kể từ khi thảm kịch xảy ra. Mặc dù, đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ để đối phó, rằng đang ngủ thì có hai thanh niên xông vào đâm bà Khanh, còn với tôi thì chúng sau khi sàm sỡ xong đã vục đầu vào thùng nước đến bất tỉnh rồi cướp tài sản, nhưng mọi lời nói cũng như dấu vết hiện trường đã trở thành công cụ "tố" tại tôi trước cơ quan điều tra.

Cúi đầu nhận tội với các bản án "giết người" và "cướp tài sản", tôi phải trả giá bằng bản án 18 năm tù. Ngày đứng trước vành móng ngựa, hình ảnh người cha già khắc khổ vượt cả trăm cây số ra Hà Nội làm giám hộ cho con gái cứ mãi ám ảnh trong tôi. Phiên tòa ấy rất đông người dự khán, có cả vợ chồng chị An chủ nhà, nhưng tôi đã không dám ngước mắt nhìn họ dù chỉ một lần. Tòa tuyên án, mọi người lục đục về hết, riêng bố tôi vẫn ngồi ủ rũ một mình nơi hàng ghế dành cho người thân bị cáo, tôi thấy đôi vai ông rung lên bần bật.

Sau đó một thời gian, tôi được đưa về cải tạo tại trại giam số 6 Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). So với ba năm trước, nay tôi không còn là cô bé có gương mặt bầu bĩnh, nước da trắng ngần mà thay vào đó là đôi mắt buồn luôn nhìn xuống đất. Bởi nếu nhìn vào nơi khác, hoặc bất cứ ai đó, tôi cũng nhìn ra đó là bà Khanh. Hơn một năm đầu sau khi gây án, tôi gần như thức trắng đêm, tôi sợ giấc ngủ đến trong chập chờn vì hễ chợp mắt là hình ảnh của bà Khanh, với những vệt máu loang lại hiện về ám ảnh tâm trí. Số tiền 81 triệu đồng bồi thường cho gia đình chị An, đến nay gia đình tôi vẫn chưa xoay xở nổi.

Ba năm ở trại, đã hai lần bố mẹ tôi bắt xe đò lên thăm nuôi, động viên. Tôi biết, để có được những chuyến đi ấy, bố mẹ đã cố gắng rất nhiều. Ba năm qua, khi đủ tĩnh tâm để nhận ra, thì điều tôi hoang mang nhất là ngộ nhỡ có bất trắc nào đấy, mà bố mẹ tôi không còn nữa thì khi ra khỏi trại giam, điều ân hận lớn nhất của tôi là đã không phụng dưỡng được đấng thân sinh dù chỉ một ngày. Ở trại, tôi được dạy cách sống hòa đồng, được làm nghề mi mắt giả và nhờ chị em phạm nhân cũng như cán bộ quản giáo động viên thường xuyên nên tôi cũng đã bớt ám ảnh hơn với những lỡ lầm của quá khứ. Sống trong tình thương và sự bao dung ấy, tôi tin rằng, mình sẽ hướng thiện để sớm trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.