Nối 2 bờ Thái Bình Dương

ANTĐ - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2011 lần đầu đưa ra những nét phác thảo chính được xem như cây cầu kết nối giữa hai bờ đại dương.

Nối 2 bờ Thái Bình Dương ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ ba từ trái sang) cùng các nhà lão đạo thành viên TPP
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2011 lại được tổ chức tại thủ phủ Honolulu của quần đảo Guam (Mỹ). Nằm giữa Thái Bình Dương, chọn nơi đây để tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay bao hàm ý nghĩa nhấn mạnh tới việc thúc đẩy mạnh mẽ việc kết nối kinh tế giữa hai bờ của đại dương rộng lớn nhất thế giới. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi khá mong manh cũng như cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đe dọa đẩy thế giới vào vòng xoáy suy thoái mới, Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế sao cho khu vực giữ vai trò đầu tàu kinh tế thế giới trong lúc khó khăn. Đồng thời, phải bảo đảm cho đầu tàu này tiến lên một cách vững chắc và ổn định. Điều đó thể hiện ngay trong chủ đề “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại” với việc các nhà lãnh đạo APEC tập trung trao đổi các biện pháp nhằm hướng tới mục tiêu tiêu xây dựng một khu vực tự do thương mại. Thể hiện quan điểm phát triển bền vững, Hội nghị thượng đỉnh APEC 2011 lần đầu tiên đưa ra các cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, trong đó có việc giảm quy mô sử dụng năng lượng ít nhất 45% vào năm 2035 so với năm 2005. Song “điểm nhấn” thu hút sự chú ý và quan tâm tại APEC 2011 là việc lần đầu tiên đưa ra được phác thảo về việc hình thành mối quan hệ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà lãnh đạo 9 quốc gia thành viên Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam công bố, hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế, xóa bỏ các hạn chế về dịch vụ… Đây được xem là hiệp định đầu tiên nối liền hai bờ Đông và Tây của Thái Bình Dương, mở ra một tiến trình hội nhập thương mại kinh tế lớn nhất trong lịch sử khu vực. Khi hoàn thành, TPP sẽ là một khu vực thương mại và đầu tư tự do chiếm 25% sản lượng kinh tế thế giới với GDP 16.000 tỷ USD và một thị trường với 472 triệu dân. Trước sức cuốn hút của TPP, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết đã quyết định tham gia các cuộc đàm phán hình thành TPP. Sau quyết định của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ xem xét tham gia các cuộc đàm phán về TPP nếu được mời. Bởi thế, TPP còn được coi là hòn đá tảng, đặt nền móng vững chắc cho Khu vực Tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), có thể liên kết các nền kinh tế quanh đại dương này. Đó sẽ là một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% dân số, 55% GDP và hơn 44% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.