Nobel Kinh tế 2012 về tay người Mỹ

ANTĐ - Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, giải Nobel Kinh tế năm 2012 đã được trao cho 2 ứng cử viên sáng giá là Alvin Roth và Lloyd Shapley, hai nhà kinh tế học người Mỹ .

Nhà kinh tế học Shaley (phải) và nhà kinh tế học Roth (trái) đoạt Giải Nobel Kinh tế 2012

Thông báo đưa ra chiều  15-10 của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) cho biết, giải Nobel Kinh tế năm nay với tên gọi chính thức là Giải Sveriges Riksbank trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2 triệu USD) được trao cho 2 nhà kinh tế học người Mỹ là Alvin Roth và Lloyd Shapley. Đây cũng là giải Nobel cuối cùng được công bố trong tổng số 6 giải Nobel danh giá hàng năm được trao cho các lĩnh vực: văn học, y học, vật lý, hóa học, hòa bình và kinh tế.

Theo RSAS, hai nhà kinh tế Roth và Shapley được tôn vinh vì công trình nghiên cứu “thuyết phân bổ và thực hành ổn định thiết kế thị trường”. Nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học này có thể được áp dụng  trong thực tiễn cuộc sống: từ việc tìm đúng người có thể hiến nội tạng cho bệnh nhân, giúp học sinh chọn trường phù hợp... đến việc đưa những người cần quảng cáo đến các công cụ tìm kiếm internet cần thiết.

Nhà kinh tế Roth sinh năm 1951, hiện giảng dạy môn Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tại Đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ. Ông được các nhà kinh tế thế giới biết tới với các đóng góp về lý thuyết trò chơi (game theory), tạo lập thị trường và kinh tế học thực nghiệm. Nhà kinh tế Shapley sinh năm 1923, hiện giảng dạy môn Toán và Kinh tế học tại Đại học California (Mỹ). Ông được rất nhiều chuyên gia kinh tế coi là biểu tượng của “Lý thuyết trò chơi”.

Trong nghiên cứu của mình, nhà kinh tế Shapley đã sử dụng một phương tiện được gọi là lý thuyết trò chơi mang tính hợp tác để nghiên cứu và so sánh các biện pháp kết hợp giữa các đối tượng khác nhau. Trong khi đó, nhà kinh tế Roth nhận ra rằng các kết quả mang tính lý thuyết của Shapley có thể làm sáng tỏ việc vận hành của các thị trường quan trọng trên thực tế. 

Hai nhà kinh tế Shapley và Roth làm việc hoàn toàn độc lập với nhau, song sự phối hợp kết quả nghiên cứu của họ đã tạo ra giá trị thực tiễn. Sự kết hợp giữa lý thuyết cơ bản của Shapley và kết quả thực nghiệm của Roth đã tạo ra một phạm vi rất rộng cho các công trình nghiên cứu, cải thiện tính năng động của nhiều thị trường. "Hai nhà kinh tế này đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu phương pháp kết hợp các đối tác kinh doanh theo cách hiệu quả nhất", RSAS đánh giá. 

Việc hai nhà kinh tế Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay một lần nữa khẳng định ưu thế áp đảo của người Mỹ trong giải thưởng danh giá này. Trong số 20 người đoạt giải và đồng đoạt giải Nobel Kinh tế 10 năm qua có đến 17 là người Mỹ và giải thưởng gần đây nhất năm 2011 cũng được trao cho 2 người Mỹ là Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims với công trình “mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế”.

Việc quá nhiều người Mỹ được trao giải Nobel Kinh tế đã khiến có ý kiến cho rằng RSAS “thiên vị” các học giả Mỹ, song thành viên của Viện Hàn lâm này đã bác bỏ. “Vấn đề là các chuyên gia Mỹ thống trị trong các nghiên cứu về kinh tế. Ở Mỹ có nhiều nghiên cứu kinh tế hơn ở châu Âu”, chuyên gia Olof Somell thuộc RSAS lý giải.