Nở rộ luyện thi trực tuyến
Bài 1: Khó kiểm soát chất lượng
(ANTĐ) - Gần đây để đáp ứng nhu cầu của thí sinh, nhiều trang web đã được mở ra cập nhật các kiến thức, câu hỏi trắc nghiệm, hướng dẫn làm bài thi với từng môn học. Để truy cập vào các trang web này, thí sinh phải mua thẻ. Thực tế cho thấy có không ít trang web luyện thi có chất lượng khá tốt, thu hút đông đảo thí sinh tham gia song bên cạnh đó còn có nhiều trang web nội dung sơ sài, kiến thức thiếu sát thực, gây hoang mang cho thí sinh và phụ huynh…
Nguyễn Ngọc Hà - học sinh lớp 12 phàn nàn: “Một lần, tình cờ vào mạng, em tìm được 1 trang web luyện thi với quảng cáo khá ấn tượng “thi đâu đỗ đấy”, “chỉ thu tiền sau khi đã có kết quả”, “nơi luyện thi uy tín với nhiều giáo viên giảng dạy có kinh nghiệm”.
Thấy hình thức luyện thi này rất tiện, vừa không mất thời gian đi lại, chi phí không cao nên em quyết định không đến các trung tâm nữa mà ở nhà luyện thi trên mạng. Nhưng khi truy cập trang web này đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nhà và số điện thoại để “tiện liên hệ trao đổi thông tin”.
Những ngày đầu, em rất hào hứng khi vào trang web để tìm tài liệu tham khảo nhưng sau đó vì thấy thông tin cứ lặp đi lặp lại, có kiến thức không đúng với sách giáo khoa nên em dừng truy cập. Từ hôm đó, hầu như ngày nào cũng có một người đàn ông gọi điện đến nhà em xưng là chủ trang web “đòi tiền luyện thi”.
Cảnh thường thấy ở các “lò” luyện thi |
Để tránh phiền phức, em đành phải trả 100.000đ cho 10 lần truy cập. Từ đó đến nay em không tin tưởng vào hình thức luyện thi này nữa...”.
Cùng chung bức xúc trên, chị Vũ Cẩm Nhung - một giáo viên Toán THPT chia sẻ: “Để ôn tập tốt cho học sinh, trường tôi tổ chức các lớp ôn thi tốt nghiệp và ĐH cho các em do chính các thầy cô trong trường giảng dạy. Tuy vậy, ngay từ đầu, tôi thấy một số học sinh không hào hứng lắm. Hỏi ra mới biết các em thích lên mạng để luyện thi trực tuyến.
Tôi vào một số trang web các em thường xuyên truy cập thì thấy không phải kiến thức nào trên đó cũng được trình bày đầy đủ và chính xác, đặc biệt là những trang web miễn phí. Các kiến thức ở đây chủ yếu mang tính cắt, dán, sao chép, không trích dẫn nguồn cụ thể, không được trình bày một cách khoa học. ở một vài trang web có thu phí, tuy lượng kiến thức có nhiều hơn song tính hệ thống không cao, chủ yếu là lời giải các đề thi để các em “học thuộc” mà không hướng dẫn phương pháp tiếp cận vấn đề nên các em rất dễ rơi vào tình trạng bị động, học vẹt.
Nếu khi đi thi mà gặp phải cùng vấn đề đó nhưng chỉ cần cách ra đề khác đi là học sinh không thể trình bày được. Do đó, với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tôi khuyên các em học sinh không nên quá tin tưởng các trang web vì kiến thức này không được kiểm định chất lượng kỹ càng, không nên coi thường các lớp ôn luyện tại trường. Và đặc biệt quan trọng là các em phải dành thời gian cho việc tự học ở nhà”...
Một trang web luyện thi được nhiều thí sinh truy cập |
Được biết, hiện có trên 20 trang web tổ chức luyện thi trực tuyến. Hầu hết các trang web đều thu phí với mức 10 lần/thẻ 50.000đ không giới hạn thời gian mỗi lần truy cập. Vào một số trang web chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự quảng cáo quá mức. Một trong những điểm chung của các trang web này là “luyện thi đảm bảo đậu 100%”. Trên một số trang còn đăng quảng cáo của một vài cá nhân hay trung tâm gia sư trực tiếp luyện thi trên mạng.
Tại trang web thilado… ngay trên đầu trang là những dòng quảng cáo được in đậm: “Trả tiền theo chất lượng giảng dạy - Thi đâu đỗ đấy - Trò nào cũng có thầy phù hợp - Muốn đỗ đại học hãy tìm đến đây”?! Có trang còn quảng cáo là có đề thi ĐH các môn do “Bộ GD&ĐT cung cấp”, chỉ học sinh nào luyện thi tại trang này mới được phép thi thử và biết trước đề thi... thật. Liên quan đến vấn đề này, chắc nhiều bạn đọc còn nhớ vụ việc xảy ra đầu tháng 8-2008 gây xôn xao dư luận.
Trước thời điểm thi ĐH 10 ngày, trên diễn đàn www.toanthpt.net xuất hiện thông tin lộ đề thi ĐH môn Toán khối A đợt 1. Trước thông tin này, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Trung tâm An ninh mạng (trường ĐH Bách Khoa) và cơ quan công an làm rõ và đi đến kết luận, “không có chuyện có câu hỏi nào khớp với đề thi Toán khối A của Bộ trên trang web này từ trước, kể cả 1 giờ trước khi thi.
Tất cả đều được thêm vào sau khi thi”. Thông tin lộ đề toán chỉ là một trò lừa đảo của nickname PhúKhánh, nhờ vào công nghệ thông tin và quyền quản trị đối với diễn đàn www.toanthpt.net do chính anh ta lập ra.
Điều đáng nói là hiện nay khi mùa thi đang đến gần thì những lời quảng cáo, rao vặt không giới hạn nội dung và không cơ quan nào kiểm soát vẫn được tung lên mạng hàng ngày. Để việc luyện thi đạt kết quả tốt, các thí sinh cần cảnh giác, thận trọng chọn cho mình hình thức luyện thi phù hợp, không nên tin theo lời quảng cáo mà mua thẻ luyện thi trực tuyến ở những trang web kém chất lượng để rồi mất tiền, mất thời gian mà chỉ thu được những kiến thức vô bổ, thiếu giá trị....
(Còn nữa)
Huệ Anh