Nợ công còn “ngòi nổ”

ANTĐ - Cuộc khủng nợ công không chỉ gây ra những tác động tiêu cực tới kinh tế và xã hội tại các quốc gia châu Âu mà nó đang có nguy cơ trở thành ngòi nổ khác gây ra khủng hoảng chính trị.

Châu Âu cảnh báo Hy Lạp hoặc chấp nhận cải cách hoặc ra khỏi Eurozone

Đất nước Hy Lạp đang có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc khi các đảng phái tại quốc gia này không thể thương lượng với nhau về việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử. Hơn một tuần trôi qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 6-5 vừa qua, các chính đảng có chân trong Quốc hội mới vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để lập chính phủ điều hành đất nước.

Theo kết quả cuộc bầu cử này, đảng Dân chủ Mới (ND) bảo thủ dẫn đầu nhưng chỉ giành được 19,18% số phiếu, tương đương 109 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội, kém xa 151 số ghế cần thiết để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Syriza cánh tả về thứ hai với 16,3% số phiếu (tương đương 50 ghế), trong khi đảng Xã hội (Pasok) - đảng truyền thống cầm quyền nhiều năm ở Hy Lạp - chỉ về thứ ba với 13,6% số phiếu, được 42 ghế.

Theo Hiến pháp Hy Lạp, quyền thành lập chính phủ mới thuộc về đảng nào giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội và nếu đảng nhiều ghế nhất mà không thể thành lập được chính phủ thì quyền này sẽ thuộc về đảng nhiều ghế thứ hai. Thế nhưng, sau cuộc bầu cử ngày 6-5 cả hai đảng ND và Syriza đều không thể lập được một liên minh có hơn 150 ghế để đứng ra thành lập chính phủ mới, vì thế Tổng Karolos Papoulias đã phải trao quyền thành lập chính phủ cho đảng Pasok vào ngày 10-5.

Dẫu vậy, thương lượng cách nào thì đảng Pasok cũng chưa thể hình thành một liên minh cầm quyền có hơn 150 ghế trong Quốc hội mới. Điều then chốt cản trở khiến các chính đảng ở Hy Lạp không thể đạt được thoả thuận thành lập liên minh là họ không thể dung hoà quan điểm về cách xử lý cuộc khủng hoảng nợ công tại nước này. 

Hiện chỉ có ND và Pasok là hai đảng duy nhất ủng hộ chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giữ Hy Lạp ở lại trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và nhận gói cứu trợ trong khi tất cả các đảng khác đều phản đối. Song, hai đảng ND và Pasok lại chưa đủ số ghế quá bán tại Quốc hội.

Trước bế tắc tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu họp ngày 14-5 tại Brussels (Bỉ) đã cảnh báo Hy Lạp hoặc thực hiện các cam kết cải cách khắc khổ để nhận được 2 gói cứu trợ hoặc phải gánh chịu hậu quả là rút khỏi Eurozone. Trước “tối hậu thư” này, Tổng thống Papoulias đã phải kêu gọi thành lập chính phủ kỹ trị nhằm chấm dứt những bất đồng xoay quanh vấn đề cứu trợ vỡ nợ đang có nguy cơ buộc Hy Lạp phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai và rút khỏi Eurozone.

Không lâm vào bế tắc chính trị như Hy Lạp, song việc tân Tổng thống Pháp François Hollande phản đối mạnh mẽ chính sách kinh tế khắc khổ để giải quyết khủng hoảng nợ công cũng có thể dẫn tới một nguy cơ khác cho Eurozone. Bất đồng sâu sắc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nợ công trong cả chính giới và xã hội châu Âu đã khiến IMF phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “rủi ro chính trị” tại Eurozone.