Nợ công chấn động Rome

ANTĐ - Cũng giống như tình cảnh tại quốc gia Hy Lạp láng giềng, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công cùng tỷ lệ thấp nghiệp quá cao.

Biểu tình ở Quảng trường Thánh Giovanni đòi Thủ tướng Berlusconi từ chức

Lại thêm một ngày nghỉ cuối tuần nữa, Thủ đô Rome của Italia rung chuyển với các cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng chục nghìn người. Cuộc biểu tình ngày 5-11 nối tiếp cuộc biểu tình ngày 28-10 với sự tham gia của hơn 100 nghìn người đòi Thủ tướng Berlusconi từ chức.

Hàng chục nghìn người biểu tình, đa số là cán bộ công chức và hưu trí đến từ nhiều vùng trên cả nước, đã tập trung tại Quảng trường Thánh Giovani ở Rome để phản đối những chính sách của chính phủ nước này do ông Berlusconi đứng đầu. Những người biểu tình yêu cầu tổ chức bầu cử sớm ngay lập tức để lựa chọn một ê kíp lãnh đạo mới nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn hiện nay.

Theo những người biểu tình, các chính sách sai lầm của chính phủ Berlusconi đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay của đất nước. Và cũng chính vì cuộc khủng hoảng này mà Italia phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân, nhất là công chức, người về hưu và người nghèo.

Cũng như Hy Lạp, Italia được xem là quốc gia bị khủng hoảng nợ công nặng nề nhất. Cùng với những cảnh báo liên tục khi bị hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ mức tín nhiệm nợ công, chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã phải thông qua một loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cân bằng thâm hụt ngân sách vào năm 2013.

Những người đầu tiên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp cắt giảm chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách là những người làm công ăn lương, người nghèo. Bên cạnh đó, những biện pháp giúp giới chủ dễ dàng hơn trong việc sa thải người lao động cũng làm trầm trọng hơn con số thất nghiệp hiện đã lên tới mức hơn 8%.

Không chỉ chịu áp lực từ người dân trong nước, chính phủ của Thủ tướng Berlusconi còn vất vả đối phó với sức ép từ các thành viên khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) liên tục đòi Chính phủ Italia phải tăng cường cắt giảm khoản nợ công hơn 2.000 tỷ USD để khỏi lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong bối cảnh đó, phe đối lập đang tận dụng thời điểm khó khăn cùng uy tín xuống thấp tới mức kỷ lục, chỉ còn 22% của Thủ tướng Berlusconi để đòi ông từ chức nhằm mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo kế hoạch, ngày mai (8-11), Quốc hội Italia sẽ bỏ phiếu về những biện pháp cải cách ngân sách vừa được Nội các của Thủ tướng Berlusconi thông qua tuần trước.

Đây được xem là thời điểm đầy thử thách với ông Berlusconi nếu Quốc hội bác bỏ việc cải cách ngân sách. Nhìn nhận vấn đề này, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã phải cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc “khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng” liên quan tới các cam kết cải cách của Chính phủ Italia.