Những vụ cướp tài sản nghiêm trọng liên tiếp xảy ra - hệ lụy nhìn thấy từ dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từng là người có việc làm nhưng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập cá nhân, 2 trong số 5 đối tượng vừa bị Công an Hà Nội bắt giữ đã thực hiện hành vi cướp tài sản manh động.

Liên tiếp trong 3 ngày 14, 15 và 16-1-2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 4 vụ cướp tài sản, trong đó có 2 vụ cướp tài sản của lái xe taxi và 2 vụ cướp tài sản trong nhà dân.

Đáng chú ý, cả 4 vụ các đối tượng đều là người tỉnh ngoài, hoạt động lưu động, đều sử dụng hung khí, thậm chí sử dụng vũ khí “nóng” và đã nổ súng đe dọa nạn nhân để lấy tiền.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội, qua quá trình điều tra, khám phá các vụ cướp tài sản này, cơ quan chức năng đã xác định được phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng.

Thiếu tiền chi tiêu cá nhân, Lê Văn Trường đã chuẩn bị sẵn một con dao từ nơi làm việc, đón taxi đi lòng vòng và kề dao vào cổ đe dọa cướp 500.000 đồng của lái xe taxi

Thiếu tiền chi tiêu cá nhân, Lê Văn Trường đã chuẩn bị sẵn một con dao từ nơi làm việc, đón taxi đi lòng vòng và kề dao vào cổ đe dọa cướp 500.000 đồng của lái xe taxi

Các đối tượng thường nhắm đến những người kinh doanh online để chọn làm mục tiêu phạm tội. Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 16-1 trên địa bàn huyện Thạch Thất. Chị H là người kinh doanh online, chụp ảnh rất nhiều tiền đăng lên mạng xã hội và các đối tượng đã tìm đến, dùng súng đe dọa và nổ chỉ thiên một phát để uy hiếp và cướp đi số tiền 200 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ngày hôm sau chuyển tiếp 5 tỷ đồng vào tài khoản.

Trong 2/4 vụ cướp tài sản khác, các đối tượng đã chọn đối tượng là những người lái xe taxi. Vụ việc xảy ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Lê Văn Trường (SN 1991) trú tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa từng là nhân viên một quán thịt chó trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân, không có tiền để mua ma túy, Trường đã nghĩ đến việc đi “xin tiền” của người lái xe taxi. Anh ta đã cầm theo một con dao ở nơi làm việc và đón taxi ven đường, yêu cầu chạy lòng vòng để đến địa điểm vắng và kề dao vào cổ để… xin tiền.

Thực nghiệm hiện trường vụ cứa cổ lái xe taxi cướp tài sản xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy

Thực nghiệm hiện trường vụ cứa cổ lái xe taxi cướp tài sản xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, một thủ đoạn khác là các đối tượng đi lại tại khu vực, địa bàn, tìm nhà có sơ hở, vắng người để khống chế, cướp tài sản (như vụ cướp tài sản ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, đối tượng phát hiện trong nhà chỉ có một người phụ nữ và 2 con nhỏ, đã dùng dao khống chế, lấy tiền, ép đọc mật khẩu tài khoản ngân hàng).

Người dân thiếu ý thức tự phòng, tự quản

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán được coi là “tháng củ mật”, đặc biệt ở thời điểm này, ảnh hưởng nhìn thấy rõ của dịch bệnh Covid-19 thì tình trạng phạm pháp hình sự, đặc biệt là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật tài sản có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, người dân vẫn rất chủ quan trong công tác phòng ngừa. Điển hình như vụ việc ở phường Mỹ Đình 2, khi ở nhà chỉ có mẹ và 2 con nhỏ, gia đình có cửa cuốn và cửa kính, dù đã tối nhưng chỉ đóng cửa kính mà không kéo cửa cuốn để đảm bảo an toàn, dẫn đến việc đối tượng dùng dao xông vào nhà đe dọa, lấy điện thoại và thẻ ngân hàng.

Hoặc vụ án ở huyện Thạch Thất, lại có nguyên nhân từ việc bị hại tự khoe khoang, thể hiện tài sản cá nhân trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo sự giàu có, để bán sản phẩm. Hay trong 2 vụ cướp tài sản của lái xe taxi, mặc dù cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo nhưng có tài xế taxi vẫn nhận và chở khách đi lòng vòng, không rõ điểm đến để đối tượng lợi dụng gây án. Số tiền bị mất không lớn, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bị hại.

Có thể nhìn thấy rõ dự báo tình hình "hậu Covid-19" cho thấy bức tranh khó khăn về kinh tế - xã hội, việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân. Vì vậy, nguy cơ gia tăng tội phạm là hiện hữu, nhất là nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản, xâm phạm sở hữu.

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng xông vào nhà dân cướp 200 triệu đồng

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng xông vào nhà dân cướp 200 triệu đồng

Ngay ở thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “thích ứng linh hoạt”, Bộ Công an đã nhận diện đúng, trúng tình hình, đã ban hành Phương án số 03, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch Covid-19.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp tài sản xảy ra, Công an Hà Nội đề nghị người dân luôn nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp, cướp giật tài sản; thực hiện tốt theo các nội dung khuyến cáo, phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an.

Không công khai thông tin cá nhân, địa chỉ, hình ảnh của mình và người thân, không khoe khoang tài sản trên các hội, nhóm mạng xã hội.

Lái xe taxi, “xe ôm”, các tổ chức kinh doanh vận tải cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân... Chủ động phát hiện các trường hợp khách có biểu hiện nghi vấn đi lòng vòng, đến khu vực vắng người. Khi bị các đối tượng khống chế, đe dọa để cướp tài sản thì cần bình tĩnh, xử lý linh hoạt tránh thương vong của bản thân, lợi dụng sơ hở của chúng để thoát khỏi xe, hô hoán người dân hỗ trợ; chú ý ghi nhận, quan sát kỹ đặc điểm nhận dạng của đối tượng, phương tiện sử dụng để cung cấp cho cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng theo quy định. Các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng không nên trưng bày quá nhiều vàng bạc, đá quý, tủ trưng bày nên lắp kính cường lực, có khóa chống trộm và nên đóng cửa trước 18h hàng ngày.

Chủ động lắp đặt hệ thống chuông báo động kết nối cơ quan công an và camera giám sát. Rà soát, kiểm tra đối với lực lượng bảo vệ đảm bảo có sức khoẻ tốt, trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cướp tài sản.

Không nên dừng, đỗ xe, đi lại vào ban đêm ở khu vực vắng người qua lại, nếu phải đi thì nên đi từ 2 người trở lên. Nếu có nhu cầu vận chuyển, giao dịch tiền, tài sản có giá trị với số lượng lớn, cần bố trí người đi cùng và phương tiện đảm bảo an toàn.