Những thảm án đau lòng từ sự ghen tuông

(ANTĐ) - Chỉ vì ghen tuông mù quáng, dẫn đến những vụ án đau lòng trong thời gian gần đây. Hiện tượng này bị xã hội lên án gay gắt và luật pháp trừng trị nghiêm khắc…

Những thảm án đau lòng từ sự ghen tuông

(ANTĐ) - Chỉ vì ghen tuông mù quáng, dẫn đến những vụ án đau lòng trong thời gian gần đây. Hiện tượng này bị xã hội lên án gay gắt và luật pháp trừng trị nghiêm khắc…

Nguyễn Thị Nụ tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 5-2010
Nguyễn Thị Nụ tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 5-2010

Những cơn ghen chết người!

Cuối tháng 5-2010, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Nụ (SN 1987, trú tại xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ra xét xử vì bị cáo buộc phạm tội “Giết người”. Tuy nhiên, do vắng bị hại nên HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa. Theo đó, Nụ bị truy tố phạm tội giết người với nội dung: Năm 2008, Nụ kết hôn với anh Nguyễn Văn Linh, sau đó sinh được bé trai đầu lòng tên là Nguyễn Văn V (sinh tháng 8-2009). Do cuộc sống khó khăn, con hay đau ốm, lại nghi ngờ chồng đi làm ăn xa có bồ không quan tâm đến vợ con nên Nụ nảy sinh ý định hại chết con, rồi “tính chuyện” làm thủ tục ly hôn. 2h sáng 18-11-2009, Nụ đem con thả xuống giếng khơi của gia đình. Sau đó, Nụ đánh thức chồng dậy nói rằng, con trai đã bị ai đó bắt cóc (!?). Đến 6h cùng ngày, cháu bé được phát hiện đã bị tử vong. Hành vi trên của Nguyễn Thị Nụ đã bị cơ quan công tố cáo buộc vào tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1, Điều 93 - BLHS, có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Cùng cảnh với Nụ, trước đó tháng 3-2009, TAND TP Hà Nội cũng đã tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Gái (SN 1982, thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) 15 năm tù về hành vi giết con đẻ là cháu Vũ Thị T (3 tuổi). Tại phiên tòa, Gái đã tường thuật lại nguyên nhân phạm tội bắt nguồn từ sự ghen tuông, nghi ngờ chồng có người khác.

Năm 23 tuổi, Vũ Thị Gái kết hôn với anh Nguyễn Văn Tặc (SN 1981) cùng trú tại xã Tiên Phương rồi có một con chung là cháu Nguyễn Thị T (SN 2005). Trong quá trình chung sống, Tặc và Gái thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau, thậm chí có lúc Tặc còn đánh vợ. Trưa 12-7-2008, sau khi cả nhà vừa ăn cơm xong thì chị Nguyễn Thị Mai (chị gái Tặc) đến chơi và cho túi lạc sống. Gái dọn bát xuống bếp và vào buồng nằm thì anh Tặc bảo dậy luộc lạc nhưng Gái không nghe.

Một lúc sau, thấy vợ “cự” lại  mẹ chồng về chuyện chiếc áo mưa, Tặc liền xông vào tát vợ rồi tiếp tục lời qua tiếng lại. Sau đó anh Tặc đi học còn Gái vào buồng ngủ. Đến khoảng 15h cùng ngày, Gái ngủ dậy và nảy sinh ý định tự tử. Gái nghĩ, nếu mình chết đi thì con mình sống cũng sẽ khổ nên Gái và con cùng chết. Gái lấy con dao nhọn để sẵn ở gậm giường đâm một nhát vào ngực con, làm cháu T tử vong tại chỗ, sau đó Gái cũng dùng dao tự sát nhưng không thành. Rốt cuộc, cháu T thiệt mạng, còn Gái bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 15 năm tù.

Cần phải nghiêm trị

Theo BS, TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD): Thời gian gần đây, nhiều vụ án mà trong đó người mẹ chính là kẻ ra tay sát hại con mình xuất hiện khá nhiều. Trước hết, khi nhìn vào hiện tượng xảy ra như thế chúng ta có thể nhận thấy người can dự trong vụ án cũng sẽ có những đấu tranh tâm lý hết sức dữ dội. Tình cảm giữa mẹ và con là tình cảm sâu đậm nhất, nếu ở trạng thái bình thường thì không bao giờ xảy ra những hành động mẹ làm hại con như thế. Trong những vụ án đau lòng như trên, khi người mẹ gây hại cho con là trong tiềm thức người phụ nữ đã không còn nghĩ đến mình, nhất là trong lúc ghen tuông, mù quáng.

Luật sư Trịnh Trực - Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh Trực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: Là người từng tham gia bào chữa những vụ án hình sự, trong đó những vụ việc có tính mâu thuẫn giữa vợ chồng khi họ không giải quyết được thường trút giận lên đầu con cái. Nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra khi người mẹ chính là kẻ thủ ác ra tay giết hại con mình. Hành vi này cần được pháp luật nghiêm trị. Bởi nó không chỉ đơn thuần như những hành vi giết người khác mà nó còn ảnh hưởng đến truyền thống, đạo đức mà xã hội đã và đang lên án rất mạnh mẽ.

Chia sẻ về cách phòng chống những tình trạng tương tự xảy ra, BS, TS. Trần Tuấn cho rằng, trong cuộc sống hiện nay, mối bất hòa trong gia đình không phải là chuyện hiếm mà nó xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, những mâu thuẫn nhỏ lẻ xảy ra thì họ có thể kiểm soát được. Còn những xung đột lớn thì cần phải có sự hỗ trợ bằng chính những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, những người tham gia phải là người có kiến thức, phải biết phân tích nguyên nhân sự việc và phải khách quan. Nếu không có cái nhìn khách quan sẽ chỉ là kẻ thêm dầu vào lửa, làm cho sự việc căng thẳng thậm chí gây ra hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, dưới góc độ pháp luật thì cần phải có những hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi vi phạm để nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thanh Quang