Những sáng kiến giúp người nghèo đối phó với dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 với các biến thể mới không ngừng xuất hiện đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các hệ thống y tế, xã hội cũng như kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển hứng chịu tác động nặng nề hơn. Khi các quốc gia giàu có dựa vào các hệ thống y tế tiên tiến và các nguồn lực khổng lồ để vượt qua đại dịch, thì các nước đang phát triển phải nỗ lực để có những cải tiến phù hợp chống chọi với đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, những sáng kiến, đổi mới công nghệ với giá thành rẻ đã mang lại hy vọng cho những người kém may mắn có thể kiên trì vượt qua đại dịch.
Hệ thống máy thở Jamvent có giá thành rẻ, giúp các nước đang phát triển cứu sống bệnh nhân Covid-19

Hệ thống máy thở Jamvent có giá thành rẻ, giúp các nước đang phát triển cứu sống bệnh nhân Covid-19

Máy thở giá thành r

Máy thở là giải pháp cứu cánh cho những người bị nhiễm Covid-19 nặng. Tuy nhiên, trên khắp toàn cầu, từ các nước đang phát triển cho tới các nước phát triển có nền y học tiên tiến đều không đủ loại máy móc phức tạp và đắt tiền này bởi số lượng bệnh nhân luôn ở tình trạng quá tải. Nhiều nước như Ấn Độ, Brazil, Mỹ và Tây Ban Nha đều đã trải qua tình trạng khan hiếm máy thở trong suốt đại dịch.

May mắn thay, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Imperial London (Anh) đã phát triển loại máy thở Jamvent, loại máy thở mã nguồn mở với chi phí thấp. Dự án do bác sĩ Jakob Mathiszig-Lee, chuyên gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 khởi xướng khi ông nhận thấy nhu cầu cấp bách về máy thở cho bệnh nhân.

Máy thở Jamvent không đỏi hỏi các bộ phận đặc biệt - vốn là một rào cản đáng kể đối với việc sản xuất máy thở. Thiết bị này được xem là giải pháp cho tình trạng thiếu máy thở trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển với chi phí thấp. Trong khi loại máy thở hiện có giá trung bình khoảng 35.000 USD thì chi phí sản xuất của Jamvent chỉ khoảng 2.000 USD. Nhóm nghiên cứu đã cung cấp miễn phí thiết kế cho các nhà sản xuất và dịch vụ y tế trên khắp thế giới. Kết quả thử nghiệm cho thấy máy có thể hoạt động theo các thông số kỹ thuật của MHRA cũng như có thể thực hiện các chức năng quan trọng của máy thở ICU cho bệnh nhân Covid-19.

Thiết bị vệ sinh thông minh không chạm

Việc đo thân nhiệt đã trở thành phổ biến, thậm chí trở thành bắt buộc tại nhiều địa điểm như nhà hàng, siêu thị và cửa hàng ở nhiều nước trên thế giới... Một số vùng lãnh thổ trên thế giới gặp khó khăn khi tiếp cận các công nghệ này do các hạn chế hoặc bị cản trở thương mại. Những rào cản này khiến việc phát triển các phát minh để chống lại Covid-19 trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tại Dải Gaza, doanh nhân Heba al-Hindi đã thiết kế một chiếc máy khử trùng tay thông minh, tự động lấy nhiệt độ của người dùng và mở cửa.

Cùng với việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong các doanh nghiệp, thiết bị này đã khắc phục được một số khó khăn mà các cộng đồng bị cách ly phải đối mặt. Điều đáng nói là hầu hết các bộ phận của máy đều được tái sử dung từ các bãi phế liệu ở Dải Gaza. Doanh nhân Heba al-Hindi cho biết mục đích của anh vừa phòng chống, dịch bệnh vừa nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu “Made in Gaza” để hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương.

Khẩu trang dành cho người khiếm thính

Mặc dù, đeo khẩu trang là bắt buộc và nó đã khẳng định được hiệu quả, cứu sống được nhiều người trong đại dịch, nhưng đối với một số người, nó lại gây ra cản trở đáng kể. Những người khiếm thính thường dựa vào cử động miệng để diễn giải lời nói đã gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên, Faizah Badaruddin, một thợ may khiếm thính 51 tuổi ở Nam Sulawesi, Indonesia, đã chế tạo một chiếc khẩn trang đặc biệt để giải quyết rào cản giao tiếp này khi đeo khẩn trang.

“Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Đối với những người khiếm thính, chúng tôi không thể hiểu những gì người khác đang nói bởi không thể đọc được cử động môi của họ. Vì vậy đã có rất nhiều hiểu lầm” - cô Badaruddin nói trong một cuộc phỏng vấn với Straits Times. Mỗi ngày, cô Badaruddin và chồng làm hàng chục chiếc khẩu trang chỉ có giá khoảng 1 USD cho các gia đình có thành viên khiếm thính hay những người có nhu cầu. Đối với một quốc gia đang phát triển như Indonesia, việc bán khẩu trang giá thành thấp để giúp đỡ cộng đồng người khiếm thính giao tiếp trong đại dịch được nhiều người ủng hộ. Cô Badaruddin và chồng trước đây làm nghề may đệm, ga trải giường và rèm cửa, tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh, cô đã không ngừng nghĩ cách để giúp đỡ cộng đồng xung quanh mình, đặc biệt là những người yếu thế.

Intelehealth - dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số

Nhiều cộng đồng trên toàn cầu phải cách ly do dịch bệnh, giao thông đường bộ, đường sắt ngừng hoạt động gây cản trở việc đi lại hay lưu thông hàng hóa. Việc bị cách ly, hạn chế các dịch vụ y tế có thể gây ra nhiều bất lợi, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là khi đối mặt với một đại dịch truyền nhiễm. Ngược lại, được tiếp cận với các chuyên gia y tế sẽ làm tăng cơ hội được khám chữa bệnh kịp thời, tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân. Do đó, một trong những cải tiến được ưu tiên tập trung trong cuộc chiến chống Covid-19 là kết nối những người bị cách ly với các chuyên gia y tế.

Intelehealth, một nền tảng kỹ thuật số mã nguồn mở để kết nối bệnh nhân và bác sĩ, đã hợp tác với Tổ chức phi chính phủ Aaroogya để tạo ra một nền tảng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các cộng đồng người Ấn Độ bị cách ly. Đến nay, nó đã cung cấp thông tin phòng chống đại dịch cho hàng chục nghìn người ở nhiều khu vực khu vực ở Ấn Độ, với 10.088 thông tin viên từ xa và 8.396 nhân viên tuyến đầu được đào tạo.