Những nguyên tắc cơ bản giúp giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh

ANTD.VN - Đề kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên bất hoạt với kháng sinh. Việc kê toa kháng sinh không hợp lý, sử dụng rộng rãi và kéo dài trong điều trị cũng như dự phòng là những nguyên nhân làm gia tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn.

Thuốc kháng sinh là gì?

Thuốc kháng sinh có thể kìm hãm hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh

Thuốc kháng sinh có thể kìm hãm hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh 

Thuật ngữ kháng sinh (antibiotic) nguyên thủy được dùng để nói về một hợp chất tự nhiên được sản xuất bởi một loại nấm hoặc vi sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh ở người và động vật. Một số thuốc kháng sinh có thể là các hợp chất tổng hợp (không sản xuất bởi các vi sinh vật) cũng có thể giết hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Về mặt kỹ thuật, thuật ngữ “tác nhân kháng sinh” là nói đến cả hợp chất thiên nhiên lẫn tổng hợp, tuy nhiên, nhiều người quen sử dụng từ kháng sinh để chỉ đến hỗn hợp hai chất nói trên.

Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực song chính việc dùng loại thuốc thiếu khoa học, dài kỳ nên đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc, theo SKĐS.

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm như thế nào?

Kháng thuốc kháng sinh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng

Kháng thuốc kháng sinh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng 

Kháng thuốc kháng sinh là nói đến khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn khác kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất, hoặc các tác nhân khác được dùng cho việc chữa bệnh hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm. Một khi kháng thuốc, virút, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại và tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại khác.

Kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nan giải, hiện đang là mối quan tâm của cộng đồng bởi nó gây ra những dòng khuẩn khỏe hơn, nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khó chữa trị hơn và gây tốn kém, đặc biệt là cho người già, trẻ em và những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu làm tăng rủi ro khuyết tật, tử vong.

Cách phòng ngừa giúp giảm tình trạng đề kháng kháng sinh

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn: Chỉ có thầy thuốc điều trị dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh, xét nghiệm và kháng sinh đồ mới xác định được có nhiễm khuẩn hay không.

- Phải có sự hiểu biết về thể trạng người bệnh, đặc biệt là người già, người bị suy gan, suy thận: Chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh.

- Bệnh nhân không lạm dụng kháng sinh: Bác sĩ kê kháng sinh khi không cần thiết, bệnh nhân thiếu tuân thủ điều trị, là hai nguyên nhân hàng đầu gây kháng thuốc. Người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi, tránh sao chép đơn thuốc của người khác

- Phải dùng kháng sinh đủ thời gian: Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh mà thời gian dùng kháng sinh dài hay ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày, theo NLĐ.

- Bác sĩ tuân thủ nguyên tắc kê toa: có 3 nguyên tắc kê toa bác sĩ cần tuân thủ, đó là: chỉ kê kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn; tối ưu hóa dược lâm sàng; khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Tìm ra đúng tác nhân gây bệnh có vai trò mấu chốt trong việc quyết định chọn kháng sinh phù hợp, hoặc phối hợp các kháng sinh hợp lý. Phác đồ điều trị nên giữ gìn những kháng sinh cũ nhưng còn hiệu quả nhất định.

- Dược sĩ tư vấn đúng cách dùng thuốc: Dược sĩ cần bán thuốc theo đơn, tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách cho người bệnh, bao gồm: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách. Ngoài ra, nên lưu ý thêm các trường hợp chống chỉ định, tác dụng phụ, phản ứng có hại, tương tác giữa các thuốc cho khách hàng, VnExpress cho hay.